30 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ: Chuyên gia đánh giá tích cực triển vọng mở rộng hợp tác trong tương lai
Năm 2025 là một cột mốc đặc biệt đánh dấu 30 năm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương (11/7/1995 – 11/7/2025 theo giờ Mỹ, tức 12/7/1995 đến 12/7/2025 theo giờ Việt Nam), đồng thời đánh dấu 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Trả lời phỏng vấn TTXVN tại Washington, ông Brian Eyler - nghiên cứu viên cao cấp, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, có trụ sở tại Washington, cho rằng trong suốt 30 năm, hai nước đã chuyển từ cựu thù sang đối tác và đó là công sức của chính phủ và nhiều cá nhân tại Việt Nam và Mỹ trong 3 thập kỷ qua.

Theo ông Eyler, cựu Tổng thống Bill Clinton, nguyên Thượng nghị sĩ John Kerry, cố Thượng nghị sĩ John McCain và những người đồng cấp tại Việt Nam đã đưa mối quan hệ này tiến triển và trở thành mối quan hệ vô cùng mạnh mẽ và chiến lược như ngày nay. Ông cho rằng mối quan hệ Việt Nam – Mỹ tiến triển là nhờ nguồn cảm hứng, năng lượng của nhiều cá nhân đã tham gia cuộc chiến và người Mỹ cảm thấy có nghĩa vụ đạo đức phải giải quyết những sai lầm của cuộc chiến này. Ông Eyler bày tỏ đây là một cuộc chiến sai lầm đối với nước Mỹ mà lẽ ra không nên xảy ra. Cuộc chiến đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người Việt Nam và hàng trăm nghìn người Mỹ. Vì vậy, những cựu binh Mỹ đã hiểu ra sai lầm mắc phải, muốn tiến tới hòa giải và muốn coi Việt Nam như gia đình, như bạn bè và xây dựng mối quan hệ mới này.

Về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, ông Eyler cho rằng di sản chiến tranh là một lĩnh vực quan trọng để tiếp tục tiến về phía trước. Còn rất nhiều việc cần phải làm như tẩy độc đất nhiễm chất độc da cam/dioxin cũng như rà phá bom mìn chưa nổ, đồng thời cung cấp hỗ trợ cho hàng nghìn người khuyết tật. Ông nhấn mạnh: “Chất độc da cam có thể di truyền sang các thế hệ sau và tiếp tục ảnh hưởng lâu dài. Do đó, đây là một lĩnh vực cần được duy trì hợp tác lâu dài”.

Ông Brian Eyler - nghiên cứu viên cao cấp, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson. Ảnh: Ngọc Quang - PV TTXVN tại Mỹ

Theo nhà nghiên cứu Eyler, hai nước Việt Nam và Mỹ còn có những lĩnh vực hợp tác khác như vấn đề sông Mekong và an ninh hàng hải. Nhấn mạnh về vai trò của Việt Nam trong an ninh lương thực toàn cầu, ông Eyler cho rằng phần còn lại của thế giới đang cần nguồn lương thực từ Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt và tình trạng khan hiếm nước, năng suất kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nhiều nguy cơ. Ông Eyler nhận định: “Tôi nghĩ chúng tôi có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để giúp nông dân ở đồng bằng sông Mekong (sông Cửu Long) chuyển đổi sang các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao hơn”.

Ông Eyler cho rằng Mỹ có thể cung cấp các loại cây trồng chịu hạn, cây trồng có giá trị gia tăng và phát triển các chuỗi cung ứng cho nông dân và doanh nhân Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long để tăng năng suất và thu nhập. Ông chia sẻ "đó là một lĩnh vực sớm hay muộn, cần phải hợp tác để phục hồi cho đồng bằng sông Mekong, nhất là khi mực nước biển có xu hướng dâng cao và xâm nhập mặn đang tiến sâu hơn vào đồng bằng sông Mekong”. Ông khẳng định, trong suốt thời gian qua, Mỹ có sẵn các nguồn lực và đối tác để hỗ trợ Việt Nam tăng cường khả năng thích ứng và phục hồi trong lĩnh vực này./.

Ngọc Quang-Hồng Nguyên

Tin cùng chuyên mục

Dấu son 2 cấp

Ngày 1/7/2025 ghi dấu thời khắc thiêng liêng và trọng đại của dân tộc khi cả nước đồng loạt vận hành chính thức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh, thành phố. Quyết định “sắp xếp lại giang sơn” là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hướng tới hoàn thiện một nền hành chính quản trị hiện đại, kiến tạo, gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, để mọi lợi ích thuộc về nhân dân.

Lựa chọn kỹ càng cho đường sắt tốc độ cao Bắc Nam

Chính phủ đang quan tâm đến việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, nhưng việc lựa chọn doanh nghiệp đủ tài lực cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Phim tài liệu về 5 làng nghề Việt Nam thu hút khán giả Pháp

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong những ngày này, trong khuôn khổ Festival Vietnam đang diễn ra tại Lorient - thành phố phía Tây nước Pháp, bộ phim tài liệu “Những bàn tay giữ lửa truyền thống” kể về 5 làng nghề thủ công của Việt Nam chiếu tại rạp Cineville đã thu hút rất đông khán giả Pháp tới xem khi phòng chiếu phim thường xuyên không còn chỗ trống. Trước đó, trong khuôn khổ Tuần Việt Nam diễn ra tại thành phố Saint-Herblain vào cuối tháng 6, bộ phim này cũng đã được công chiếu tại rạp Lutetia với lượng khán giả đông đảo.

Tôn vinh tiếng Việt: Gieo mầm yêu tiếng mẹ

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, tại Trung tâm Thương mại Sapa, Cộng hòa Séc, lễ khai giảng lớp tiếng Việt Hè 2025 đã diễn ra trong không khí trang trọng và đầm ấm. Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo đại biểu, phụ huynh và các em học sinh, những mầm non mang trong mình tình yêu với tiếng Việt và văn hóa dân tộc.

Liên hoan phim Việt Nam tại Anh: Lan tỏa văn hóa dân tộc qua điện ảnh

Liên hoan phim Star Nhà Ease, sự kiện điện ảnh Việt Nam duy nhất tại Vương quốc Anh, vừa khai mạc mùa thứ hai tại rạp Rich Mix, Shoreditch, London. Sự kiện không chỉ là dịp tôn vinh di sản điện ảnh Việt Nam mà còn là cầu nối văn hóa cho cộng đồng người Việt tại xứ sở sương mù. Liên hoan năm nay đặc biệt tập trung vào thời kỳ Đổi Mới, mang đến những tác phẩm điện ảnh hiếm có và chưa từng được trình chiếu tại Anh.