Cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình tư vấn hướng dẫn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm Mật ong sú vẹt huyện Kim Sơn. |
Ảnh: TTXVN phát |
Nhằm nâng cao giá trị của các sản phẩm OCOP, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, tạo hiệu ứng tích cực cho sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, thương hiệu của các sản phẩm OCOP được bảo vệ, duy trì và phát triển, tiếp cận ngày càng gần hơn với người tiêu dùng.
* Góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
Tận dụng nhiều tiềm năng, lợi thế sản xuất giống hàu như điều kiện tự nhiên thuận lợi, các chỉ số môi trường rất phù hợp để phát triển giống hàu, từ khoảng năm 2016, nghề nuôi hàu giống bắt đầu xuất hiện ở huyện Kim Sơn. Mặc dù chỉ mới phát triển mạnh những năm gần đây, nhưng Kim Sơn lại là vùng nuôi hàu giống có tốc độ tăng trưởng đáng kể, mang lại nguồn thu ổn định cho nông dân, đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Từ hiệu quả bước đầu, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất và mở rộng trại nuôi. Hiện tại, toàn vùng có hơn 350 cơ sở, với diện tích hơn 354 ha, sản xuất ngao giống, hàu giống. Năm 2023, doanh thu từ nghề nuôi hàu giống trên địa bàn huyện đạt khoảng 240 tỷ đồng, có nhiều trang trại thu nhập 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều này cho thấy, nghề nuôi hàu giống ở huyện Kim Sơn đang phát triển rất tốt và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Ông Vũ Văn Tấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn cho biết, hàu giống Kim Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu năm 2023. Từ đây, sản phẩm hàu giống Kim Sơn đã có thêm một công cụ quan trọng và hữu hiệu - công cụ sở hữu trí tuệ dưới hình thức bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận góp phần giữ gìn, phát huy danh tiếng, chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó, hệ thống các công cụ, phương tiện quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Hàu giống Kim Sơn" cũng đã được xây dựng và ban hành, làm cơ sở để UBND huyện Kim Sơn thực thi quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận như: Cấp quyền sử dụng cho các chủ thể đáp ứng điều kiện sử dụng theo quy định; kiểm soát việc sử dụng và có cơ sở xử lý, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận "Hàu giống Kim Sơn".
Đối với nghề gốm Gia Thủy, tại huyện Nho Quan, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, những người thợ nơi đây đã liên tục cải tiến mẫu mã, kích thước, màu sắc, làm ra nhiều sản phẩm có tính thẩm mỹ cao như: Chậu cảnh, bình cắm hoa, ấm trà… Hiện nay, sản phẩm đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu gốm Gia Thủy giúp nhận diện dễ dàng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, qua đó tăng thu nhập, ổn định sinh kế cho những người thợ nơi đây; đồng thời góp phần ngăn ngừa và kịp thời xử lý các hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chứng nhận, chống lại các hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.
Sản phẩm Mật ong sú vẹt huyện Kim Sơn đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. |
Ảnh: TTXVN phát |
Ông Trịnh Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã Gốm Gia Thủy, huyện Nho Quan nhấn mạnh, nhãn hiệu được bảo hộ là cơ sở, nền tảng để tổ chức, cá nhân tham gia vào các hệ thống chứng nhận như OCOP. Mặt khác, việc sản phẩm, dịch vụ được gắn tem chứng nhận OCOP sẽ tạo điều kiện để giá trị nhãn hiệu được nâng cao hơn, tạo niềm tin hơn cho người tiêu dùng. Sản phẩm gốm Gia Thủy mang nhãn hiệu chứng nhận đã góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương đến khách hàng trong và ngoài tỉnh.
* Thúc đẩy hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Ninh Bình là địa phương có khối lượng tài sản trí tuệ lớn và đa dạng, để khai thác và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 25/1/2022 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 123/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh khóa XV về hỗ trợ đăng ký bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025.
Sở tham mưu UBND tỉnh về mục tiêu xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu thông thường các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề mang địa danh. Sở cũng trình UBND phê duyệt đặt hàng danh mục dự án sở hữu trí tuệ và xây dựng thành công nhãn hiệu cho các sản phẩm: dê núi Ninh Bình, dứa Đồng Giao, cơm cháy Ninh Bình, cói mỹ nghệ Kim Sơn, mắm tép Gia Viễn, thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, nem chua Yên Mạc…; xây dựng các nhãn hiệu thông thường cho các chủ thể sản xuất như: gốm, rượu, bánh đa, lộc bình, các sản phẩm dược liệu, thực phẩm chế biến... Việc bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh Ninh Bình đã góp phần nâng cao vị thế cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản và sản phẩm làng nghề trên thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế.
Song song với hoạt động xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP, hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức kiểm tra về ghi nhãn hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm được gắn nhãn sẽ được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Hiện Ninh Bình có 314 tổ chức, cá nhân được cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. |
Ảnh: TTXVN phát |
Ninh Bình hiện có 314 tổ chức, cá nhân được cấp bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình cho biết, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ vừa mang lại cho chủ thể sản xuất cơ hội bán sản phẩm ở mức cao hơn so với sản phẩm cùng loại, vừa giúp khách hàng dễ dàng nhận biết thông tin, tạo niềm tin với người tiêu dùng, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 123/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu logo, bản đồ vùng, quy chế quản lý và sử dụng, bộ tiêu chí sản phẩm cho những sản phẩm đủ tiêu chuẩn. Theo đó, tối thiểu 90% sản phẩm chủ lực của tỉnh sẽ được hỗ trợ đăng ký bảo bộ, 100% sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.../.