Là một cựu giáo chức, ông Đinh Ngọc Sơn - Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9 phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn mang trong mình ý thức truyền tải các tri thức khoa học tới cộng đồng. Điều khiến ông đau đáu là trong xã hội, dòng chảy công nghệ đang như vũ bão, nhưng một bộ phận người cao tuổi vẫn chưa tiếp cận được. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Khi cả thế giới gói gọn trong một chiếc điện thoại, mọi khoảng cách của sự kết nối được thu hẹp lại thì vẫn có những người cao tuổi vẫn đang phải loay hoay với thiết bị công nghệ. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Bí thư Chi bộ Đinh Ngọc Sơn cho rằng: Công cuộc chuyển đổi số đang được Đảng hết sức quan tâm, nếu chúng ta không sử dụng thành thạo thiết bị công nghệ rất thiệt thòi, đối tương thiệt thòi ở xã hội hiện đại ngày nay có lẽ chính là người cao tuổi. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Khi chat GPT, AI ra đời đã mang tới những ứng dụng rất có giá trị cho cuộc sống, người cao tuổi cũng hoàn toàn có thể nhờ vào những ứng dụng này để giúp đỡ chính mình, biến các thiết bị thành “trợ lý” cho mình lúc tuổi cao sức yếu. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Cũng từ ý tưởng đó, dự án chuyển đổi số dành cho người cao tuổi ra đời. Ban đầu là lớp học thí điểm nhỏ tại nhà riêng của ông, sau khi đề xuất mô hình trong cuộc họp cấp ủy, cả 7 thành viên đều đồng thuận và ủng hộ. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Khi mô hình được đưa xuống chi bộ, các đảng viên lớn tuổi hào hứng đăng ký ngay. Lớp học không bảng đen phấn trắng, học viên là những người U70, U90 bắt đầu việc học với chiếc điện thoại thông minh của mình. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Những bác lớn tuổi đến lớp với tâm thế đầy hào hứng khi trao đổi với nhau về công nghệ. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Bí thư Sơn đã giúp học viên làm quen, thao tác, sử dụng từ việc đăng nhập email, mật khẩu, hay tải một app về để có thể sử dụng cho đến những kỹ thuật khó hơn như Chat GPT, AI, Capcut... Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Đến với lớp học, nhiều các cô bác lần đầu tiên được tiếp cận một cách bài bản các cách cài đặt phần mềm phục vụ cho cuộc sống như app ngân hàng để chuyển tiền, tập mua sắm trên không gian mạng, cách phòng tội phạm công nghệ cao... Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Bí thư Sơn đưa vào chương trình của mình phương pháp dạy là “cầm tay chỉ việc” chủ động không đưa vào những lý thuyết cao siêu, chỉ dạy những gì người cao tuổi cần với phương pháp ngắn gọn, dễ hiểu nhất. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Người cao tuổi thường bị con cháu cho là đã già, không cần học, rồi bị "dọa" là "mạng là con dao hai lưỡi, không khéo bị lừa" nên tâm lý người cao tuổi lại càng e ngại việc tiếp cận với công nghệ. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Vì vậy việc đầu tiên cần làm là khơi thông nhận thức cho người cao tuổi, để người cao tuổi hiểu rằng những kiến thức về công nghệ là vô bờ bến và rất thiết thực với đời sống hiện nay. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Chỉ sau ba buổi học, nhiều học viên đã có thể sử dụng TikTok, Chat GPT, AI, quay video, tìm đường, đặt xe, làm thơ, thậm chí tạo nhạc bằng AI. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Lớp học do Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9 sáng lập là dự án cộng đồng hoàn toàn miễn phí, địa điểm tại chính nhà riêng của Bí thư, học viên đi học chỉ cần mang cho mình một chiếc điện thoại thông minh. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Cũng chính từ lớp học này, tinh thần học tập bắt đầu lan tỏa. Ở đây không còn ranh giới tuổi tác mà chỉ còn lại sự kết nối các thế hệ. Bí thư Chi bộ Đinh Ngọc Sơn đã giúp họ chứng minh rằng họ là những người nhiều tuổi chứ không phải người già, họ vẫn đầy năng lượng để vui sống và học tập hàng ngày trong lớp học của bí thư chi bộ tâm huyết với chuyển đổi số. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN
Bí thư Chi bộ tâm huyết với chuyển đổi số dành cho người cao tuổi
Xuất phát từ tấm lòng của một người thày, mấy chục năm qua, ông Đinh Ngọc Sơn - Bí thư Chi bộ khu dân cư số 9 phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội), nguyên Phó Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình, Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn đau đáu: làm thế nào để giúp người cao tuổi tiếp cận và có thể hòa nhập được với dòng chảy công nghệ như chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra. Ảnh: An Thành Đạt-TTXVN