Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra ba yếu tố cốt lõi trong thu hút vốn FDI
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định dựa trên những yếu tố cốt lõi, thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng cuối năm sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực và đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023.
Vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 11/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông tin cho biết trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra quá trình tái cấu trúc, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn.

Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã đạt được kết quả thu hút gần 15,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, vốn thực hiện ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 8,% so với cùng kỳ.

Tính lũy kế đến ngày 20/6, cả nước có 40.544 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 484,8 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Theo đánh giá từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự gia tăng cả dòng vốn FDI đăng ký và thực hiện sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động trong nước. Cụ thể, chất lượng các dự án đầu tư ghi nhận có sự cải thiện đáng kể. Trong đó, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Vốn FDI tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư), như Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.…Và, dòng vốn tới chủ yếu vẫn từ các đối tác truyền thống của Việt Nam thuộc châu Á, như Singapore, Nhật Bản, Hongkong, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo sẽ phục hồi yếu và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức lớn. Bởi, những diễn biến phức tạp sau thời kỳ dịch COVID-19 cộng thêm những bất ổn địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn tiếp tục tạo ra những thay đổi, tác động đến nền kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.

Trên nền tảng đó, các tiêu chuẩn mới và thậm chí là các biện pháp can thiệp của một số Chính phủ để định hướng hoạt động đầu tư, có thể ảnh hưởng đến xu hướng dịch chuyển FDI. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng chậm và ngày càng tập trung giữa các quốc gia có liên kết địa chính trị, đặc biệt là trong các lĩnh vực chiến lược.

Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước, triển vọng thu hút vốn FDI năm nay của Việt Nam sẽ giữ nhịp độ tích cực nhờ ba yếu tố cốt lõi, gồm vai trò quan trọng và ngày càng được củng cố trong chiến lược đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia; Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phục hồi tích cực hơn trong năm nay; Kinh tế vĩ mô ổn định.

Cụ thể hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra Việt Nam có triển vọng đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp tiên phong. Trong đó, ngành công nghệ đang trải qua rất nhiều đổi mới và số hóa. Tương tự, lĩnh vực năng lượng tái tạo đang thu hút sự quan tâm với sự tập trung ngày càng tăng vào các nguồn năng lượng sạch (như năng lượng mặt trời và năng lượng gió) để tăng cường bền vững nguồn cung cấp điện cho Việt Nam.

Điểm nhấn khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra là niềm tin của nhà đầu tư đối với Việt Nam tiếp tục được củng cố. Thời gian qua, các nhà đầu tư cho biết luôn tin tưởng vào những chính sách của Chính phủ và tương lai phát triển của kinh tế Việt Nam. Hơn thế nữa, nhiều nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng và dư địa trong trung và dài hạn.

Nhận định chung từ các tổ chức trong nước và quốc tế, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng điện, điện tử ngày càng được củng cố, nên có xu hướng nhiều tập đoàn sản xuất các sản phẩm điện tử đang đến với Việt Nam.

Bên cạnh những thuận lợi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh Việt Nam phải tích cực khắc phục một số điểm nghẽn hiện nay. Cụ thể là khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực có tay nghề, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử bán dẫn; Khắc phục tình trạng thiếu điện cục bộ tại một số địa phương tập trung nhiều dự án công nghiệp điện tử; Rà soát các thủ tục để đơn giản hóa hơn và rút ngắn thời gian xử lý, Nhất là các thủ tục sau cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như giấy phép xây dựng, giấy phép phòng cháy, chữa cháy…

Trên những đánh giá tổng quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời để thời gian tới, các cấp, các ngành tập trung các giải pháp quyết liệt để giải quyết những điểm nghẽn này. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng sẽ có những tác động tích cực đến kết quả thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng cuối năm 2024, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, đạt mức tương đương hoặc cao hơn so với năm 2023./.

Tin cùng chuyên mục

Lời cảnh tỉnh từ thuốc lá điện tử

Trong thời gian qua, nhiều vụ ngộ độc thuốc lá điện tử đã xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước đã một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo sự nguy hiểm khi sử dụng loại thuốc lá này, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Nhiều doanh nghiệp Australia tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam

Bang Queensland chú trọng thực hiện Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040 và Chiến lược Thương mại và đầu tư Queensland đến năm 2032, trong đó coi trọng quan hệ hợp tác với Việt Nam, coi Việt Nam là thị trường ưu tiên hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 5 đối tác thương mại quốc tế.

Việt Nam - Nhật Bản nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP

Quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã và đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ với điểm nhấn là sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước kể từ khi trở thành Thành viên của Hiệp định CPTPP.

Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144 và Chỉ thị số 35

Sáng 9/7, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết hợp trực tuyến tới 15644 điểm cầu các cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các điểm cầu cấp xã, với hơn 1,28 triệu đảng viên.

Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 10

Ngày 8/7, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương tổ chức Hội nghị lần thứ 10 nhằm thảo luận, đánh giá công tác quân sự, quốc phòng 6 tháng đầu năm, cũng như triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024.

Nhận diện: Giữ gìn danh dự, tự trọng của cán bộ, đảng viên

Đầu tháng 5 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Đây là bước tiến quan trọng trong việc củng cố, nâng cao phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên, đảm bảo sự lãnh đạo hiệu quả và uy tín của Đảng trong thời kỳ mới. Điều 3 của Quy định nhấn mạnh những yếu tố về gìn giữ sự trong sạch, giữ danh dự, tự trọng, phẩm giá để cán bộ, đảng viên tự soi mình, đi đầu trong đấu tranh với những sai trái, những biểu hiện lệch lạc để thực sự là người đảng viên trung thành với lý tưởng như lời tuyên thệ trước cờ Đảng, cờ Tổ Quốc.