Bước ngoặt từ triển khai bệnh án điện tử
Với những lợi ích đem lại, ngành Y tế xác định triển khai bệnh án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.


Người dân đăng kí khám chữa bệnh bằng căn cước công dân. 
Ảnh: Đồng Thúy - TTXVN

Theo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, tối ưu hóa quy trình quản lý và vận hành hệ thống y tế, đồng thời hướng tới mục tiêu xây dựng nền y tế số hiện đại, ngành Y tế tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy tại các cơ sở y tế. Bắc Giang phấn đấu hết năm 2025 đạt 100% cơ sở y tế công lập triển khai thực hiện bệnh án điện tử kết nối, liên thông dữ liệu.

Để triển khai phần mềm bệnh án điện tử, thời gian qua các cơ sở y tế công lập đã thực hiện việc nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; phối hợp với các đơn vị dự trù kinh phí các nội dung cần mua sắm đấu thầu phần cứng, phần mềm đáp ứng các tiêu chí về hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh theo quy định để triển khai bệnh án điện tử. Công an tỉnh Bắc Giang đã hoàn thành việc rà soát an ninh an toàn mạng hệ thống máy tính tại 100% các bệnh viện, trung tâm y tế công lập, các phòng khám đa khoa với số lượng 3.362 máy tính. Toàn tỉnh đã mua và đăng ký 4.073 chữ ký số, chữ ký điện tử…

Đến nay, trong số 17 cơ sở y tế công lập có 3 đơn vị đủ điều kiện triển khai bệnh án điện tử gồm Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. Có 6 đơn vị có phần mềm bệnh án điện tử (gồm các bệnh viện: Ung bướu, Y học cổ truyền, Sản - Nhi, Nội tiết và Trung tâm Y tế các huyện Sơn Động, thành phố Bắc Giang). Các đơn vị còn lại đang trong quá trình hoàn thiện các tiêu chí theo quy định.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, bệnh án điện tử là phiên bản số của hồ sơ bệnh án giấy, được ghi chép, hiển thị, lưu trữ bằng phương tiện điện tử và có cơ sở pháp lý, chức năng tương đương bệnh án thông thường. Mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử, diễn biến điều trị của người bệnh đều được số hóa. Việc triển khai bệnh án điện tử góp phần giảm chi phí cho người bệnh, thuận tiện trong lưu trữ hồ sơ, đánh giá mô hình bệnh tật. Đây là bước ngoặt trong hành trình chuyển đổi số y tế, giúp quy trình khám, chữa bệnh nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn… Với những lợi ích đem lại, ngành Y tế xác định triển khai bệnh án điện tử là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025.

Tuy nhiên, hiện nay chưa có tiêu chuẩn, định mức về trang thiết bị công nghệ thông tin như máy tính, máy chủ, thiết bị di động thông minh, màn hình hiển thị… trong triển khai bệnh án điện tử hướng tới bệnh viện thông minh không giấy tờ dẫn đến các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh gặp khó khăn trong việc xây dựng số lượng, dự toán trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Định mức máy tính không còn phù hợp với thực tiễn công tác chuyển đổi số, áp dụng bệnh án điện tử. Cùng đó, Bộ Y tế chưa ban hành các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu chung và các yêu cầu kỹ thuật chi tiết các phần mềm… cần phải đáp ứng dẫn đến mỗi cơ sở y tế sử dụng một phần mềm khác nhau nên việc tích hợp hoặc liên thông giữa các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn.

Để hoàn thành mục tiêu, Bắc Giang đã ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai bệnh án điện tử. Theo đó, năm nay, từ nguồn ngân sách, UBND tỉnh hỗ trợ tối thiểu 70% kinh phí triển khai bệnh án điện tử đối với các bệnh viện công lập, Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn. Với những trung tâm y tế còn lại, UBND các huyện, thị xã, thành phố cam kết bố trí ngân sách để hoàn thiện các tiêu chí triển khai bệnh án điện tử.

Bắc Giang cũng đẩy mạnh việc gỡ khó cho các đơn vị trong quá trình triển khai bệnh án điện tử. Định kỳ ngày 5 và 25 hằng tháng, Sở Y tế báo cáo tình hình, tiến độ triển khai bệnh án điện tử với Chủ tịch UBND tỉnh một lần để tháo gỡ khó khăn, nếu đơn vị nào không hoàn thành theo đăng ký, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tỉnh cũng yêu cầu, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu không bố trí đủ nguồn lực để triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình./.

Tin liên quan

Tin tức TV: Ngành Y tế vươn mình chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu của mọi ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế. Ngành Y đang nỗ lực chuyển đổi số trên tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới tại các đơn vị, hướng đến nền y tế thông minh.

Tin cùng chuyên mục

Nửa thế kỷ vươn mình của "thành phố đáng sống"

Từ một thành phố có không gian nhỏ hẹp, cơ sở hạ tầng nhiều hạn chế, nền kinh tế khó khăn, Đà Nẵng nay đã trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, phát triển, điểm đến ưa thích của du khách quốc tế.

Đột phá theo Nghị quyết 57: Bước đi phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng

Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là bước đi quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững, hiện đại hóa và hội nhập sâu rộng trong giai đoạn mới. Chủ tịch Hội trí thức Việt Nam tại Nhật Bản, Tiến sĩ Lê Đức Anh, đã đưa ra khẳng định trên khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Tokyo.

Hà Nội dự kiến ra mắt nhiều sản phẩm du lịch độc đáo trong năm 2025

Để đạt mục tiêu đón 31 triệu khách du lịch trong năm 2025, Hà Nội tiếp tục ra mắt những sản phẩm du lịch mới; nâng cấp các sản phẩm truyền thống. Trong đó, thành phố tập trung nhiệm vụ khai trương, ra mắt các sản phẩm du lịch: Du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản-di tích tại điểm du lịch Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng); tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long-Hà Nội tại các huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên; Mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Phú (huyện Mỹ Đức); mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ).

Giáo sư Venezuela và sứ mệnh lan tỏa giá trị Việt Nam

Việc lan tỏa văn hóa Việt Nam tại Venezuela không chỉ xuất phát từ tình cảm tự nhiên, mà còn từ lòng ngưỡng mộ sâu sắc của người dân Venezuela đối với công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam, trong đó hình tượng Hồ Chí Minh luôn đóng vai trò quan trọng nhất.