Nguồn vốn chính sách xã hội giúp hộ ông Châu Xuyên, người dân tộc Khmer, tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ thực hiện mô hình nuôi lươn và nuôi lợn, giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. |
Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Từ năm 2019 đến năm 2024, các Chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được các cấp, ngành của tỉnh Hậu Giang thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc giảm từ 5,11% (năm 2019) xuống còn 3,29% (cuối năm 2023).
Ông Ngô Thanh Đá Ra (ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, Hậu Giang) cho biết, hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn, con lớn phải nghỉ học. Nhờ nguồn vốn chính sách xã hội hỗ trợ cho vay 40 triệu đồng, vợ chồng ông đã vay mượn thêm cùng số tiền tích cóp được tổng cộng 100 triệu để xây nhà mới như hiện nay. Nhờ đó, gia đình yên tâm phát triển kinh tế.
Cũng ở ấp 5 (xã Xà Phiên), gia đình ông Châu Xuyên nhờ nguồn vốn chính sách xã hội đã vươn lên thoát nghèo. Cách đây 2 năm, khi còn hộ nghèo, gia đình ông tiếp cận nguồn vốn chính sách hỗ trợ cho vay 75 triệu đồng để đầu tư nuôi lợn và lươn trên bể bạt không bùn. Nhờ chịu khó học hỏi, gia đình ông Châu Xuyên đã mở rộng chăn nuôi từ 200 m2 lên khoảng 2.000 m2. Thu nhập của gia đình hiện nay từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng/năm, vươn lên khá giả.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hậu Giang Nguyễn Minh Vương cho biết, các chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, kinh doanh đã có tác động lớn đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đa số các hộ sau khi được tiếp cận nguồn vốn để làm ăn, tạo việc làm đã từng bước nâng cao trình độ sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh cũng như trình độ quản lý vốn để dần vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Qua đó, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã tác động đến nhận thức, giúp đồng bào dân tộc thiểu số tự tin, xóa dần khoảng cách giàu nghèo với người Kinh, từng bước nâng cao vị thế trong xã hội.
Nguồn vốn chính sách xã hội giúp hộ ông Châu Xuyên, người dân tộc Khmer, tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ thực hiện mô hình nuôi lươn và nuôi lợn, giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. |
Ảnh: Duy Khương – TTXVN |
Theo ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa nông thôn; các chương trình hỗ trợ người dân nông thôn, người nghèo và các đối tượng chính sách.
Thời gian tới, Hậu Giang tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn như: giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sạch... Song song đó, địa phương xây dựng các vùng nguyên liệu, tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh, ứng dụng mạnh mẽ các đề tài khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến. Tỉnh đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp như: hợp tác xã, làng nghề, ngành nghề truyền thống để kinh tế nông thôn ngày càng vững chắc hơn.
Giai đoạn 2024 - 2029, Hậu Giang tiếp tục ưu tiên phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và ấp đặc biệt khó khăn; chú trọng khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tỉnh tập trung giảm nghèo nhanh, bền vững, tránh tái nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức thu nhập so với vùng phát triển; phối hợp lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia tiến tới giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn; cải thiện rõ rệt đời sống và nâng cao sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, Hậu Giang đã thực hiện đạt chỉ tiêu về xây dựng xã nông thôn mới do Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, số xã đạt chuẩn nông thôn mới là trên 80%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng từng bước thay đổi diện mạo khu vực nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.
Giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã xây dựng 135 mô hình kinh tế cho trên 2.260 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia; trong đó có khoảng 150 hộ nghèo dân tộc thiểu số với kinh phí 59 tỷ đồng. Toàn tỉnh cho vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi gần 700 lượt hộ dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, với tổng số tiền gần 28 tỷ đồng; đào tạo nghề cho hơn 1.800 lao động người dân tộc thiểu số.
Đến nay, hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn tỉnh còn 948 hộ (chiếm 10,7% hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 14,34% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh); trên 500 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ tương ứng là 6,2% và 7,48%). So với năm 2019, tính trong hộ đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, hộ nghèo giảm 41,3%, hộ cận nghèo giảm 23,63%./.