Cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào nước ta, trong khi Đảng, Nhà nước và các địa phương, lực lượng chức năng đang gồng mình ứng phó, thì trên mạng xã hội lại xuất hiện hàng loạt thông tin về việc vỡ đập, vỡ đê, cắt điện, ngập lụt, sạt lở… xảy ra ở nhiều địa phương. Những thông tin sai lệch này nhanh chóng được chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội khiến không ít người dân hoang mang, lo lắng. Thậm chí, nó đã khiến nhiều người đổ xô đi mua, tích trữ thực phẩm ngay trong thời điểm nguy hiểm khi bão đang diễn ra.
Điển hình như các thông tin về vỡ đê Yên Lập và lũ lụt tại Hạ Hoà (Phú Thọ); vỡ đê, cắt điện toàn thành phố Hà Nội; Cẩm Phả vớt 16 xác người buộc dây vào nhau; hay những hình ảnh về một gia đình bế con trong thau bơi trong nước lũ, hình ảnh em bé đứng bên đường khóc với chú thích cha mẹ em đều bị lũ cuốn… Những thông tin này đều được cơ quan chức năng xác minh là sai sự thật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, động viên nhân dân, gia đình nạn nhân do sạt lở đất tại làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Ngoài những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng chủ yếu nhằm thu hút tương tác, “câu view, câu like”, nhiều đối tượng xấu còn lợi dụng tình hình bão lũ để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đó là trong bối cảnh mất điện và không có kết nối Internet ở các vùng bị bão lũ, thông tin yêu cầu người dân gửi cú pháp đến số 191 để nhận dịch vụ Internet miễn phí từ Viettel. Thông tin này được Viettel Telecom nhanh chóng khẳng định là tin giả nhằm lừa đảo người dùng.
Tiếp đó, lợi dụng tình hình thiệt hại nặng nề sau bão của các tỉnh, nhiều fanpage giả mạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) hay những trang cá nhân được lập ra để kêu gọi quyên góp, từ thiện… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người hảo tâm.
Thực tế cho thấy, mỗi khi có thiên tai hay dịch bệnh xảy ra, tin giả thường có xu hướng phát tán nhanh chóng. Nó hòa vào dòng thông tin chia sẻ của mọi người, thậm chí có lúc nó được làm nổi bật hơn, khiến người dân dễ bị lôi kéo theo cảm xúc và sẵn sàng chia sẻ khi thông tin chưa được xác thực.
Tuy nhiên, việc tin giả trong thời điểm mưa lũ lịch sử từ bão số 3 đổ bộ vào nước ta, nó không đơn thuần là những thông tin sai sự thật về tình hình mưa lũ, mà nó đem đến sự bất an, lo âu, thậm chí là sợ hãi cho hàng nghìn người dân đang phải đối mặt với thiên tai. Không những thế, nó còn làm gián đoạn công tác cứu trợ, cứu hộ; làm ảnh hưởng đến niềm tin của cộng đồng vào các cơ quan chức năng - đang phải gồng mình hỗ trợ người dân trong bão lũ.
Mặc dù trời đổ mưa to trong sáng 15/9, nhưng tại Ga Sóng Thần, các chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh vẫn khẩn trương chuyển 80 tấn hàng hóa lên tàu, hướng về bà con Phú Thọ, Yên Bái. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức |
Để xử lý tình trạng tin giả này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với lực lượng công an địa phương nhanh chóng truy tìm, xử lý ngay các đối tượng lan truyền tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận.
Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã xác minh và xử lý các trường hợp tung tin giả về việc vớt được 16 thi thể tại Cẩm Phả; Phú Thọ đã xử lý các đối tượng tung tin sai sự thật về vỡ đê Yên Lập và lũ lụt tại Hạ Hòa; Hải Dương đã xử lý 21 trường hợp tung tin giả về tình hình mưa lũ; hay các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng… cũng đã xử lý nhiều trường hợp tung tin đồn thất thiệt về vỡ đê.
Có thể khẳng định, khi bất kỳ sự kiện gì ảnh hưởng lớn đến xã hội thì “vấn nạn” tin giả lại bùng lên. Tuy nhiên, trong lúc người dân đang chịu nhiều đau thương, thiệt hại từ thiên tai bão lũ, việc đưa tin sai sự thật hay lan truyền thông tin giả mạo trên mạng xã hội là hành vi thiếu trách nhiệm, thậm chí còn được xem là vô đạo đức. Hành vi này cần phải được lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm minh. Bởi khi đó, nếu người tiếp nhận thông tin không tỉnh táo nhận diện đâu là đúng, đâu là sai, sẽ rất dễ có những hành vi tiêu cực, gây hậu quả xấu hoặc gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức.
Để chung tay “triệt hạ” tin giả, người dùng mạng xã hội nói riêng và người dân cần phải tỉnh táo, cảnh giác trong mọi tình huống; đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin. Khi tiếp nhận thông tin, cần tìm hiểu, xác minh qua các nguồn báo, đài chính thống hoặc qua chính quyền địa phương. Không chia sẻ thông tin mang tính chất “nhạy cảm”, dễ gây hoang mang cộng đồng khi chưa được xác thực… Bởi nếu không, chúng ta có thể vô tình trở thành người phát tán tin giả, vi phạm pháp luật mà không hay biết.
Việc phát hiện và báo cáo các trang đưa thông tin giả, mạo danh, lừa đảo cũng là một cách để góp phần bảo vệ cộng đồng, hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc xử lý.
Các loại thuốc được nhóm từ thiện Sun For Life tại TP Hồ Chí Minh phân loại, chia túi và có hướng dẫn cách sử dụng rõ ràng để gửi tặng bà con vùng lũ phía Bắc. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức |
Những ngày này, hàng triệu triệu trái tim người dân Việt Nam đang cùng hướng về đồng bào các tỉnh phía Bắc, để rồi cùng chung tay góp sức, góp tiền hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục, kiến thiết lại cuộc sống sau bão lũ. Để không bị lợi dụng, lừa đảo tiền từ thiện, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không gửi tiền quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ vào các tài khoản không rõ nguồn gốc. Đồng thời, người dân, cơ quan, tổ chức cũng cần đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác.
Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cá nhân sử dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.