Nhà báo Nguyễn Anh Tú chia sẻ, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu. |
Ảnh: TTXVN phát |
Nhiều cán bộ, đảng viên, nhân dân thành phố Cảng đều có chung nhận định: Trước yêu cầu tăng cường nguồn lực, khơi dậy sức dân đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới rất khẩn trương, cấp bách, chính vì thế, bài viết quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về “Chống lãng phí” càng trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
*Thực hành chống lãng phí phải được thông suốt...
Đọc và cảm nhận về bài viết "Chống lãng phí" của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Nhà báo Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng chia sẻ: Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được triển khai thường xuyên từ Trung ương tới địa phương, từ tất cả tổ chức chính trị - xã hội đến mọi người dân Việt Nam. Công tác thực hành, chống lãng phí phải được thông suốt từ khâu hoạch định chính sách, triển khai các chủ trương, phải được giám sát chặt chẽ từ mọi hoạt động phát triển kinh tế đất nước.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú lấy ví dụ như: Hậu quả cơn bão Yagi vừa gây ra cho các tỉnh phía Bắc cho thấy, việc quy hoạch dân cư chưa tính toán đến các yếu tố tác động của thiên tai. Nhiều năm qua các địa phương đã tập trung cao độ cho xây dựng nông thôn mới và đạt những kết quả nhất định; làm thay đổi hình ảnh nông thôn Việt Nam. Tuy nhiên, công tác quy hoạch các khu dân cư từ cơ sở, chúng ta chưa lường hết được tác động của thiên nhiên đối với các làng mạc, thôn bản có địa hình dễ bị ảnh hưởng do lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, vì vậy khi thiên tai ập đến, mọi thành quả mà bao công sức xây dựng đã trở về vạch xuất phát, thậm chí lãng phí vô cùng. Nếu lường được tác động của thiên tai đối với các địa phương có địa hình dễ bị tổn thương để có kế hoạch xây dựng các khu dân cư ổn định, bền vững, đủ sức đứng vững trước sự tàn phá của thiên tai thì chúng ta không bị lãng phí bao công sức tôn tạo, xây dựng.
Một ví dụ khác, nhiều địa phương còn để lãng phí nguồn lực đất đai như để đồng ruộng hoang hóa nhiều năm không canh tác. Nguyên do là bà con chưa tận dụng nguồn tư liệu quý này để tạo ra của cải xã hội; trong khi có nhiều nông dân muốn huy động nguồn lực này để tạo ra những cánh đồng lớn, xây dựng trang trại lại gặp phải rào cản về pháp lý quy định quyền sử dụng đất đai, nên không thể tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn. Cùng với đó, nhiều địa phương đã cấp đất cho nhà đầu tư để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, khu đô thị nhà ở, nhưng vì những lý do khác nhau như năng lực tài chính yếu, năng lực triển khai dự án kém, thậm chí với động cơ đầu cơ đất đai, chờ giá cao để bán kiếm lời, khiến nhiều diện tích bị “đắp chiếu” bỏ hoang nhiều năm.
Thực tế cho thấy, lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau (như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô lâm trong bài viết) đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển như: Gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
"Lấy ví dụ như vậy để thấy rằng, công tác chống lãng phí phải được triển khai rất bài bản, cụ thể và phải chi phối mọi hoạt động của đời sống kinh tế- xã hội, nếu chúng ta thực hiện cải cách thủ tục hành chính tốt thì đã giải phóng được rất nhiều thời gian cho mọi người để tập trung thời gian làm được nhiều việc hữu ích cho xã hội", Nhà báo Nguyễn Anh Tú nói.
Ông Phạm Ngọc Tuyền, nguyên Chủ tịch Công đoàn Đại học Hàng hải Việt Nam, cho rằng, làm tốt công tác phòng, chống lãng phí sẽ tạo được lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước. |
Ảnh: TTXVN phát |
*Giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ
Ông Phạm Ngọc Tuyền, nguyên Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đồng tình với quan điểm coi việc chống lãng phí là chống "giặc nội xâm", do đó cần có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân... như bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu.
Theo ông Phạm Ngọc Tuyền, từ nhiều năm nay Trung ương Đảng đã đặc biệt quan tâm, ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kết luận nhằm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Theo đó, năm 2013, Quốc hội đã thể chế hóa, ban hành Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Từ đó đến nay đã qua 11 năm thi hành Luật, vấn nạn lãng phí đang là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm lòng tin trong cán bộ đảng viên và nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, cản trở sự phát triển của đất nước.
Do vậy, việc nêu lên và giải quyết vấn nạn thất thoát, lãng phí tuy không mới nhưng rất quan trọng và cấp thiết cho hiện tại và tương lai lâu dài của đất nước. Đọc bài viết này, người dân thấy Đảng và Nhà nước đã đánh giá rất đúng thực trạng hiệu quả của việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí của đất nước thời gian qua, những mặt được, chưa được cùng những nguyên nhân chủ quan, khách quan.
Ông Tuyền đánh giá, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang đổi mới mạnh mẽ về việc tuyên truyền, phổ biến nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng cơ quan, tổ chức, cá nhân, tại cả khu vực công cũng như khu vực tư để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực sự trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.