Trao quà Tết cho các gia đình chính sách, hộ nghèo trên địa bàn xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Minh Phú/TTXVN |
Trong khi người người, nhà nhà rộn ràng sắm sửa chuẩn bị đón Xuân mới thì vẫn còn nhiều người kém may mắn, hàng ngày vất vả mưu sinh đang mong chờ có một cái Tết ấm êm, sum vầy. Với phương châm không để ai thiếu Tết, rất nhiều hoạt động hướng về đồng bào nghèo, chung tay giúp người yếu thế vui Xuân, đón Tết được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai rộng khắp trên mọi miền Tổ quốc.
Để mang Tết ấm đến với mọi nhà, hàng loạt các chương trình như: Tết nhân ái, Tết yêu thương, Xuân đoàn kết - Tết nghĩa tình, Tết sum vầy, Tết nghĩa tình, Chuyến xe 0 đồng, Xuân chiến sĩ, Xuân biên giới hay các chương trình như: Siêu thị 0 đồng, Chuyến xe mùa xuân, Cùng công nhân sắm Tết… đã được triển khai khắp các địa phương trên cả nước; bao phủ từ thành thị cho đến nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, miền núi hay hải đảo. Phong trào này đã trở thành nét đẹp của lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm xã hội, tạo nguồn lực vật chất để hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách, các đối tượng yếu thế… đón Tết cổ truyền.
Đơn cử, là thành phố lớn nhất nước, cũng là nơi tập trung nhiều người dân, lao động nghèo từ các địa phương về làm ăn, sinh sống, dịp Tết Ất Tỵ này, Thành phố Hồ Chí Minh đã chi gần 1.500 tỷ đồng để chăm lo Tết cho người dân. Theo đó, Thành phố tặng hơn 325.000 suất quà, mỗi suất từ 1,3 - 3,1 triệu đồng với kinh phí hơn 423 tỷ đồng cho người có công; dành gần 236 tỷ đồng tặng 131.000 suất quà cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khoảng 190 tỷ đồng tặng quà cho cá nhân thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo...
Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động Thành phố đã và đang tổ chức các chương trình như “Tết sum vầy” chăm lo cho 15.000 hộ gia đình; “Tấm vé nghĩa tình - Xuân đoàn viên” tặng vé xe, vé tàu, vé máy bay cho 40.000 đoàn viên và người lao động về quê đón Tết; “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” chăm lo cho 9.500 đoàn viên khó khăn... Không những vậy, công đoàn các cấp còn tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà động viên; tổ chức các bữa tiệc tất niên và lì xì cho người lao động, công nhân không về quê đón Tết...
Đại diện Công đoàn các Khu chế xuất - Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh tặng vé xe miễn phí cho người lao động về quê đón Tết. Ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức |
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, Đảng và Nhà nước cùng các tổ chức chính trị, xã hội luôn quan tâm, cố gắng dành mọi nguồn lực để chăm lo cho gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào ở vùng sâu vùng xa, công nhân, người lao động… để mọi người cùng có một cái Tết ấm áp, đủ đầy, ý nghĩa.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị số 45/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải tập trung rà soát, nắm tình hình đời sống của các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số, công nhân, người lao động, người bị mất việc làm...) để quan tâm, chăm lo, kịp thời có chính sách hỗ trợ phù hợp. Sự quan tâm, chăm lo này không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái mà còn củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Không chỉ các ngành, các cấp mà từng cá nhân hay doanh nghiệp cũng đã cùng nhau chung tay chia sẻ, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế đón Tết qua những việc làm thiết thực như tặng quà, tặng lì xì, tặng gạo hay các hàng hoá thiết yếu. Dù những phần quà không quá lớn, nhưng nó cũng thấm đượm sự ấm áp, niềm vui đến các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thì cơm, áo, gạo, tiền là nỗi lo rất lớn, nhất là mỗi dịp Tết đến. Những phần quà như truyền hơi ấm, góp phần giúp họ giảm bớt gánh nặng về kinh tế; đồng thời phần nào động viên họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, đón năm mới thật vui tươi, an lành.
Tết không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa. Đây cũng là dịp đoàn viên của mọi gia đình. Mỗi khi Tết đến Xuân về, dù ở bất cứ nơi đâu, làm việc gì, mọi người đều mong được trở về, cùng nhau sum họp dưới mái ấm gia đình thân thương của mình. Cùng chung tay chăm lo để nhà nhà, người người đều có cái Tết ấm áp, đoàn viên là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách; tinh thần sẻ chia và đoàn kết của dân tộc trãi qua hàng ngàn năm nay vẫn được tiếp nối, giữ gìn.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ đã cận kề, lòng ai cũng đang háo hức, cũng như mong ước, cầu chúc mọi người đón một cái Tết vui tươi, ấm no, sức khoẻ và bình an. Để biến lời cầu chúc đó trở thành hiện thực, sự chung tay, góp sức cùng nhau sẽ góp phần “không còn ai bị bỏ lại phía sau”, làm lan tỏa hơi ấm mùa xuân thêm trọn vẹn và ý nghĩa.