Trước sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục nói riêng. Tại tỉnh Đắk Lắk, ngành Giáo dục đã chủ động bắt nhịp, triển khai nhiều hoạt động, giải pháp chuyển đổi số, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, kiên trì và có lộ trình hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.
* Chủ động bắt nhịp
Giờ học môn Lịch sử và Địa lý của lớp 4A2, Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (tại xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) diễn ra sôi nổi, hào hứng. Các em học sinh được chia làm nhiều nhóm, cùng thảo luận để trả lời các câu hỏi được giáo viên đưa ra.
Giáo viên trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk giảng bài cho học sinh thông qua trình chiếu bài học trên màn hình. |
Ảnh: TTXVN phát |
Bài học được giáo viên biên soạn bằng các phần mềm đồ họa trình chiếu trên màn hình ti vi với âm thanh, hình ảnh minh họa sống động. Nội dung bài học được truyền đạt thông qua từng câu đố, trò chơi vừa giúp học sinh làm quen với công nghệ thông tin, vừa dễ ghi nhớ nội dung bài học.
Em H Trần K Buôr, học sinh lớp 4A2 cho biết, em rất thích những tiết học sử dụng công nghệ thông tin. Tại tiết học, các em được chia làm nhiều nhóm, nghiên cứu, thảo luận và trả lời câu hỏi từ thầy giáo đưa ra. Qua các clip sử dụng âm thanh, hình ảnh minh họa sống động, em được hiểu rõ hơn về bài học của mình.
Trường Tiểu học Lý Tự Trọng hiện có 563 học sinh, trong đó có 90% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Nguyễn Văn Ly, Hiệu trưởng nhà trường, ứng dụng chuyển đổi số đã đem lại tiềm năng, lợi ích rất lớn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Tại nhà trường, hầu hết mỗi lớp đều được trang bị ti vi có kết nối mạng Internet. Các cán bộ, giáo viên cũng tự trang bị thêm máy tính xách tay phục vụ việc giảng dạy. Khi các phần mềm được giáo viên ứng dụng, chuyển tải đưa các hình ảnh lên tivi, học sinh dễ dàng được tiếp cận.
“Là địa bàn vùng sâu, vùng xa, lần đầu tiên các em được tiếp cận các phần mềm để học trên tivi. Ban đầu các em thấy bỡ ngỡ, sau thời gian học tập, đến nay các em đã trở nên hứng thú, thoải mái tiếp thu bài giảng”, ông Nguyễn Văn Ly thông tin.
Trường Tiểu học Cù Chính Lan, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục bằng mã quét QR, thiết kế giáo án điện tử, công nghệ, học bạ điện tử, chữ ký số. |
Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN |
Cũng đang trong lộ trình chuyển đổi số, Trường Tiểu học Cù Chính Lan (tại xã Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) đã có nhiều bước cải tiến không chỉ giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận với công nghệ thông tin để phát triển.
Cô Phạm Thị Thu Hằng, giáo viên môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Cù Chính Lan chia sẻ, hiện nay với xu hướng toàn cầu hóa, tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu. Nắm bắt tầm quan trọng việc học Tiếng Anh, người giáo viên cần bồi dưỡng trình độ, năng lực bản thân, từ đó đa dạng hóa việc giảng dạy giúp học sinh yêu thích, có nền tảng tốt để trở thành công dân số toàn cầu. Để bước đầu giúp học sinh có nền tảng tốt, cô Hằng chủ động học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Bằng việc xây dựng giáo án, bài giảng điện tử, cô hướng dẫn học sinh truy cập các app để dễ dàng học tập. Bên cạnh đó, cô Hằng còn thiết kế trang web giúp học sinh ôn tập từ vựng, giao tiếp được tốt hơn.
Cô Hằng cho biết: “Thời điểm năm học 2014 - 2015, ban đầu tôi chỉ sử dụng các bài giảng điện tử để giảng dạy cho học sinh, đến nay, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin các bài giảng đã nâng cấp lên giáo án điện tử, trang web, phần mềm... Theo thời gian, mức độ được cải tiến, hiện đại hơn. Học sinh có nhiều nguồn truy cập để ôn tập từ vựng, giao tiếp được tốt hơn”.
Theo cô Vũ Thị Thu Minh, Hiệu trưởng nhà trường, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số rất cần thiết đối với giáo viên, hỗ trợ rất nhiều trong công tác giảng dạy. Nhà trường có giáo viên phụ trách công nghệ thông tin, hướng dẫn cho các giáo viên lớn tuổi cần sự hỗ trợ; ngoài hỗ trợ trực tiếp, nhà trường xây dựng kho dữ liệu để hướng dẫn qua bài giảng, video, tạo mã quét QR... Bên cạnh đó, học sinh được tạo app Sổ tay của em, có đánh giá học lực hằng tháng, hằng tuần, lời nhận xét của giáo viên... để các em thấy được hiệu quả học tập của bản thân, từ đó có những cố gắng phấn đấu.
* Quyết tâm thực hiện
Năm học 2024-2025, Đắk Lắk có gần 500.000 học sinh các cấp tại hơn 1.000 cơ sở giáo dục từ bậc Mầm non đến Trung học phổ thông. Với chủ đề “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng”, ngành Giáo dục Đắk Lắk tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong giáo dục...
Theo bà H’Lum Niê, Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Cư M’Gar, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, ngành triển khai tất cả các phần mềm, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, sử dụng có hiệu quả các phần mềm học bạ điện tử, sổ đảng bộ điện tử, sổ liên lạc điện tử, phần mềm dinh dưỡng cho trẻ mầm non... Tại các xã vùng sâu, vùng xa, kế hoạch bài dạy của giáo viên, kế hoạch giáo dục tại nhà trường hầu như đều được ứng dụng công nghệ thông tin...
“Hiện nay, các trường, lớp đều có tivi, do đó tất cả kế hoạch bài dạy, bài học được triển khai thực hiện. Việc tổ chức dạy học trên các phần mềm có tivi mang lại hiệu quả tốt cho học sinh, các cháu thích thú hơn so với việc học truyền thống lâu nay. Giáo viên soạn kế hoạch bài dạy lồng ghép với hình ảnh, âm thanh phù hợp bài học. Từ đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường”, bà H’Lum chia sẻ.
Học sinh huyện Krông Pắk ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập. |
Ảnh: Nguyên Dung – TTXVN |
Theo ông Huỳnh Hồng, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Krông Pắk, thời gian tới, Phòng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi công nghệ AI trong giáo dục, giúp cán bộ, giáo viên tiết kiệm thời gian soạn giảng, đưa thông tin nhanh chóng. Trước đây, với phương pháp truyền thống, giáo viên tốn nhiều thời gian để soạn bài giảng, nay đã nhanh chóng, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, công nghệ AI cũng là một bước phát triển mạnh mẽ đối với các thầy, cô giáo là cán bộ quản lý để xây dựng kế hoạch nhà trường, dạy học... Phòng đang tham mưu lãnh đạo UBND huyện nguồn học liệu mở để đưa vào nguồn học liệu dùng chung cho toàn ngành thực hiện trong những năm tới.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết, những năm học gần đây, đặc biệt là năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo đã triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; xây dựng kế hoạch chiến lược dài hạn 5 năm, định hướng 10 năm; các giải pháp đồng bộ trong quản lý hành chính, kiểm tra, đánh giá, quản lý, quản trị nhà trường... Từ lớp 1 đến lớp 12, kể cả giáo dục mầm non đều được chuyển đổi số đồng bộ, số hóa hồ sơ nhà giáo, bài giảng điện tử, giáo án điện tử, thi tuyển sinh trực tuyến các cấp học, bậc học đều sử dụng công nghệ thông tin. Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục phấn đấu hoàn thành số hóa học bạ điện tử, đưa học bạ số chính thức thay cho học bạ giấy.
Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục sẽ là "cú hích" làm thay đổi tư duy giáo dục, quản trị giáo dục, thay đổi phương thức của người dạy và hoạt động của người học, hướng tới giải quyết những vấn đề mang tính bền vững, lâu dài trong ngành Giáo dục cả nước cũng như tại Đắk Lắk./.