Cuộc sống mới của những cư dân Lào nhập quốc tịch Việt Nam
Thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, đã có nhiều người dân Lào sinh sống tại khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum nhập quốc tịch Việt Nam. Chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để những công dân này an cư, lạc nghiệp.
Ngôi nhà khang trang của hộ gia đình người Lào nhập tịch vào Việt Nam sinh sống tại làng Măng Rao (xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei). 
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Kon Tum là tỉnh có trên 292km đường biên giới, tiếp giáp nước bạn Lào và Campuchia. Thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước, đã có nhiều người dân Lào sinh sống tại khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum nhập quốc tịch Việt Nam. Chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để những công dân này an cư, lạc nghiệp, quyết tâm gắn bó và xây dựng quê hương Việt Nam.

*Phận người “nay đây mai đó”

Trước năm 1987, một bộ phận dân cư nhỏ ở nước Lào, giáp ranh với huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) sống cuộc sống “nay đây mai đó” do không có quốc tịch. Ông A Đào (67 tuổi, làng Măng Rao, xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei) chia sẻ, do mùa màng thất bát, nhiều gia đình đã di cư qua lại giữa biên giới Lào, Việt Nam tìm mảnh đất phù hợp để sinh sống. Thời đó, người dân chưa có ý thức về chuyện ranh giới giữa các quốc gia nên vẫn duy trì tập quán du canh, du cư.

Không điện, đường, trường, trạm, nước sạch và không được hưởng các chính sách hỗ trợ, làm ăn kinh tế. "Chúng tôi không có hồ sơ, lý lịch, giấy tờ tùy thân, con cái không được đến trường, đau ốm không được chữa bệnh. Thứ duy nhất có chỉ là một cuốn sổ tạm trú, tạm vắng do hai nước Việt Nam, Lào cung cấp", ông A Đào cho biết.

Một bộ phận trong số những người này đã sống lay lắt giữa rừng. Họ phụ thuộc chủ yếu vào việc săn bắn, hái lượm, uống nước suối như thời nguyên thủy. Việc sống trong rừng  khiến người dân luôn sống trong lo sợ khi phải đối mặt với thú dữ, thiên tai, không có thông tin và tiếp xúc với người bên ngoài trong thời gian dài.

Vất vả nhất là những lúc đau ốm, người dân phải mất ba ngày để ròng rã cõng người bệnh đến Trung tâm Y tế huyện Đăk Glei chữa trị. Trải qua những giây phút “thập tử nhất sinh”, cộng đồng này mong mỏi được công nhận quốc tịch để không còn cảnh sống cơ cực, nay đây mai đó.

Bắt đầu từ năm 2017, chính quyền địa phương tại tỉnh Kon Tum đã tích cực tuyên truyền, cấp phát tờ rơi nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về việc di cư tự do, kết hôn không giá thú ở vùng biên giới. Cùng đó, chính quyền phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh và Trung ương lập thủ tục trình Chủ tịch nước xem xét quyết định cho nhập quốc tịch đối các công dân chưa có quốc tịch để thuận tiện trong việc làm giấy khai sinh, cấp sổ hộ khẩu, làm chứng minh thư cho công dân theo đúng quy định.

*Sang trang mới

Các hộ gia đình người Lào nhập tịch vào Việt Nam sinh sống tại làng Măng Rao (xã Đăk Pék, huyện Đăk Glei) được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế. 
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Từ năm 2009 đến nay, tỉnh Kon Tum có hơn 1.000 người được Chủ tịch nước Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, chủ yếu sinh sống tại các xã biên giới của huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei. Để người dân có điều kiện phát triển kinh tế sau khi nhập quốc tịch, chính quyền địa phương đã chỉ đạo cho các cơ quan chuyên môn tiến hành làm giấy khai sinh, cấp sổ hộ khẩu, làm chứng minh thư cho người dân; đảm bảo quyền công dân và trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, hỗ trợ đầy đủ các chế độ để học tập.

Anh A Diệt (Bí thư Chi bộ làng Măng Rao, xã Đăk Pék) cho biết: Khi có quốc tịch Việt Nam vào năm 2012, người dân nơi đây vỡ òa trong niềm vui vô bờ bến. Bởi lẽ, con cháu đã được khai sinh, làm hộ khẩu. Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, trường học, trạm y tế. Nhiều hộ được vay vốn, phát triển kinh tế, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, bà con ngày càng phấn khởi và luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Già A Chang (làng Măng Rao, xã Đăk Pék) cho biết: Đặc quyền khi có quốc tịch là quyền được đi bầu cử của một công dân. Có thể nói giây phút được cầm lá phiếu bầu trong tay khiến đa phần người dân cảm thấy thiêng liêng, tự hào và biết ơn Đảng, Nhà nước.

Theo thống kê, khu vực biên giới của tỉnh Kon Tum có gần 61.600 dân số, với 25 thành phần dân tộc. Trong đó, dân tộc thiểu số chiếm hơn 77%, sinh sống ở 99 thôn, làng thuộc 13 xã của 4 huyện biên giới gồm: Đăk Glei, Ngọc Hồi, Sa Thầy và Ia H’Drai.

Huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei đã chỉ đạo các xã ở khu vực có người nhập tịch cấp đất, hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân phát triển kinh tế. Các hộ dân còn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng nhà ở, hướng tới gắn bó lâu dài với quê hương Việt Nam.

Chị Y Điết (làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) chia sẻ, nhờ có quốc tịch vào năm 2017, gia đình chị đã được xã hỗ trợ giống cây cà phê, bò sinh sản để làm ăn. Được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ chức năng về cách chăm sóc, kỹ thuật trồng, chăn nuôi, số diện tích cà phê, bò của gia đình ngày càng phát triển. Hiện, mỗi năm gia đình thu nhập gần 100 triệu đồng, đời sống nhờ đó ngày càng khá giả hơn.

Chủ tịch UBND xã Pờ Y - Tống Văn Đồng cho biết: Xã hiện có 12 công dân được nhập quốc tịch và nhận được sự hỗ trợ về mọi mặt của chính quyền địa phương. Với sự quan tâm đặc biệt, các công dân này nhanh chóng hòa nhập với môi trường sống ở Việt Nam, an tâm sinh sống, lao động sản xuất. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục lồng ghép các Chương trình Mục tiêu quốc gia để hỗ trợ các hộ phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi - Y Lan cho biết, các hộ gia đình được nhập quốc tịch Việt Nam luôn cùng các dân tộc khác tại địa phương vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển kinh tế, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Bà con luôn giữ gìn các nét truyền thống văn hóa của dân tộc mình và thường xuyên thăm thân, qua lại ở khu vực biên giới. Họ được xem là những “cầu nối” quan trọng trong việc vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam - Lào, góp phần vào xây dựng tuyến biên giới hòa bình và phát triển.

Con em của những cư dân Lào nhập tịch sinh sống ở tỉnh Kon Tum được đến trường học tập, hưởng những chính sách hỗ trợ do Đảng, Nhà nước mang lại. 
Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Mang trên mình quốc tịch Việt Nam, giờ đây, cuộc đời của những công dân Lào nhập tịch đã bước sang “trang” mới sáng sủa hơn khi đã có của ăn, của để. Họ luôn sống và làm việc theo đúng pháp luật; chung tay, đồng lòng, đoàn kết với cộng đồng xây dựng quê hương ngày một phát triển và trở thành “hạt nhân” tích cực trong việc vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Lào./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi tích cực

Trang tin chứng khoán, dữ liệu kinh tế, tài chính investing.com của Mỹ đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi trong tháng 11 năm nay, khi thặng dư thương mại tăng đáng kể đi đôi với tăng trưởng xuất nhập khẩu.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua “Công ước Hà Nội” về tội phạm mạng

Chiều 24/12/2024 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã đồng thuận thông qua Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước có tên gọi là “Công ước Hà Nội”. Đây là lần đầu tiên một địa điểm của Việt Nam được ghi danh và gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến một lĩnh vực quan trọng và được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Việc Liên hợp quốc lựa chọn Thủ đô Hà Nội làm địa điểm tổ chức Lễ mở ký Công ước trong năm 2025 là dấu ấn quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam - Liên hợp quốc. Lựa chọn này phản ánh vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của đất nước, cũng như sự tham gia đóng góp tích cực, trách nhiệm và thực chất của Việt Nam trong toàn bộ quá trình đàm phán Công ước.  

Giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ 7 năm 2024

Sáng 25/12/2024, tại Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức lễ trao giải ảnh báo chí Khoảnh Khắc Vàng lần thứ 7 năm 2024. Giải thưởng tôn vinh những tác giả xuất sắc, những tác phẩm báo chí ghi trọn những khoảnh khắc ấn tượng thông qua lăng kính nhiếp ảnh. Sau gần 2 tháng phát động (từ 24/10/2024 đến 30/11/2024), Giải đã nhận được 3.435 tác phẩm (trong đó có 2.930 tác phẩm ảnh đơn và 505 tác phẩm ảnh bộ) của 431 tác giả gửi đến dự thi. Ban Tổ chức đã chọn 22 tác phẩm xuất sắc để trao giải và trưng bày tại Lễ trao giải.  

10 SỰ KIỆN NỔI BẬT CỦA VIỆT NAM NĂM 2024 DO TTXVN BÌNH CHỌN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời; Kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt; Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp bản hùng ca của Tổ quốc; Tăng trưởng GDP đạt hơn 7%; Siêu bão Yagi làm 345 người chết, mất tích; Thông qua chủ trương đầu tư, tái khởi động hai dự án quan trọng; Hoàn thành thần tốc công trình 500kV mạch 3; Thông qua Luật Đất đai (sửa đổi); Khai trương mạng 5G, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia là 10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn.  

Hải Phòng sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Ngày 24/12, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.