Nhà máy sản xuất thép tại Hải Dương của Hòa Phát đã sản xuất trở lại ngay sau bão số 3. |
Ảnh: Đức Dũng/TTXVN |
Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh là những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão số 3… Tại khu công nghiệp Đình Vũ - Hải Phòng, nhiều nhà xưởng đã bị tốc mái, đổ sập. Đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, cơn bão khiến các doanh nghiệp thiệt hại nặng, từ cây xanh đổ gãy đến hệ thống hạ tầng, nhà xưởng… Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực hoạt động sản xuất trở lại để cung ứng hàng hóa, nhưng để phục hồi, cần ít nhất 2 - 3 tháng.
Theo thông tin từ Công ty CP DAP - Vinachem tại Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), ngay sau khi bão tan, hoạt động sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp đã trở lại bình thường. Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Tổng Giám đốc cho hay, chỉ một ngày sau bão, Công ty đã được cấp điện trở lại, công nhân vẫn đi làm và toàn bộ dây chuyền sản xuất duy trì hoạt động bình thường... Trước những nỗ lực của toàn thể cán bộ công nhân viên lao động, chỉ 3 ngày sau bão, Công ty đã khôi phục sản xuất ra sản phẩm.
Hay như Công ty xi măng Vicem Hải Phòng, bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 15-16 tỷ đồng, nhưng với tinh thần khẩn trương nhất, toàn bộ cán bộ, công nhân lao động Công ty đã được huy động làm cả cuối tuần để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất. Ngày 11/9, Công ty đã xuất trở lại những lô hàng đầu tiên sau bão, cung ứng hàng hóa cho thị trường. Cùng với đó, Công ty khẩn trương khắc phục hư hỏng thiết bị, nhà xưởng, tổ chức sấy lò, bắt tay ngay vào sản xuất và ngày 15/9 bắt nhịp tiến độ sản xuất kịp thời.
Công ty Cơ khí SKD Việt Nam là doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí, đang tập trung để hoàn thành trên 4 đơn hàng và bàn giao vào cuối năm nay. Bão số 3 làm cho hệ thống nhà xưởng của Công ty thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc SKD Việt Nam cho biết: "Công ty phải sắp xếp lại các tổ sản xuất để bảo đảm hoạt động được thông suốt. Chúng tôi đang phấn đấu để không ảnh hưởng tới tiến độ các đơn hàng và kế hoạch giao hàng đã ký kết với đối tác, nhưng để thực sự hồi phục sẽ phải mất khoảng 15-20 ngày nữa".
*Tiếp sức cho doanh nghiệp sau bão
Để khôi phục sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi và yêu cầu rà soát, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa...
Thủ tướng giao Bộ Công Thương bảo đảm vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án cho vay các hộ gia đình; ngành bảo hiểm thanh toán kịp thời cho các thiệt hại của doanh nghiệp, người dân...
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để thúc đẩy sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy mạnh tận dụng các đơn hàng xuất khẩu sẵn có và cơ hội xuất khẩu sang các thị trường trên thế giới, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm và tiêu dùng; khai thác tối đa các thị trường truyền thống và tiếp tục khai mở thị trường mới theo đề xuất của Bộ Công Thương.
Theo ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, đợt bão vừa qua, Hòa Phát ở Hải Dương bị ảnh hưởng nặng nề và doanh nghiệp đang tích cực xử lý với tinh thần chủ động tự khắc phục. Ông Long cho rằng các chỉ đạo của Thủ tướng là rất sát sao và kịp thời, đặc biệt là các chính sách hoãn, giãn nợ, giảm lãi suất, phát triển thị trường là rất cần thiết với các doanh nghiệp.
“Thời gian tới, các cơ quan quản lý tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa quá trình tháo gỡ vướng mắc về thể chế; mỗi thứ, mỗi khâu làm nhanh hơn một chút thì doanh nghiệp sẽ bớt khó khăn rất nhiều”, ông Long cho biết.
Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khẳng định, Nghị quyết 143/NQ-CP là rất kịp thời và quyết liệt, nhưng để đạt hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đồng lòng, đồng hành từ mọi cấp, mọi ngành.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp, đặc biệt với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa “khát vốn” để hồi phục sản xuất, các chuyên gia cũng cho rằng, việc các ngân hàng thương mại thực hiện các chính sách giãn nợ, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ xấu đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất, không áp lực trả nợ ngay lập tức là rất cần thiết.
Theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, các chính sách quan trọng như ở thời dịch Covid-19 có thể triển khai được ngay. Đơn cử như chính sách tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất. Cùng đó là chính sách tài khóa liên quan đến miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí. Các chính sách hỗ trợ phải được tính toán làm thế nào để nhanh hơn và hiệu quả hơn để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi./.