Hành động chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp trong kiến tạo chuyển đổi đồng bộ vì một tương lai xanh và bao trùm. |
Ảnh: Ngọc Quỳnh/TTXVN |
Sự kiện có sự tham gia của đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành và các tổ chức trong nước, quốc tế như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới... cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và báo giới.
Sự kiện được tổ chức thành 2 phiên hội thảo chuyên đề với nội dung: Doanh nghiệp hành động chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero và Thúc đẩy quản trị bền vững và tạo tác động xã hội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp. Theo đó, cập nhật nhiều quy định và chính sách quan trọng về giảm phát thải khí nhà kính trong nước và thế giới nhằm thích ứng biến đổi khí hậu; chiến lược và hành động để xây dựng ngành nông nghiệp phát thải thấp hướng tới mục tiêu Net Zero 2050; vai trò của doanh nghiệp trong kiến tạo chuyển đổi đồng bộ vì một tương lai xanh và bao trùm; thúc đẩy tái tạo tài nguyên, duy trì giá trị vật chất trong sản xuất...
Sự kiện cũng gồm 2 tọa đàm về chủ đề: Tiếp cận tổng thể cho chuyển đổi xanh hướng tới Net Zero với sự tham gia của đại diện VBCSD, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty TNHH Giấy Kraft Vina, Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.... ; Tối ưu hóa xây dựng chiến lược và thực hành ESG tích hợp trong doanh nghiệp: Góc nhìn từ nguồn vốn con người với phần trao đổi của Công ty Deloitte Việt Nam, Công ty Nestlé Việt Nam, Công ty Schneider Electric Việt Nam, Công ty TNHH Nước giải khát Coca - Cola Việt Nam, Công ty FPT Software và ManpowerGroup Việt Nam...
Tại sự kiện, chia sẻ về nỗ lực chuyển đổi xanh trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành - Trưởng dự án Net Zero tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho hay, trong gần 50 năm hình thành và phát triển đến nay, Vinamilk đã có 16 nhà máy, 15 trang trại, 13 công ty con, công ty liên kết trong và ngoài nước cùng 10.000 người lao động. Vinamilk đề ra lộ trình tiến đến Net Zero 2050 là tới năm 2027 sẽ giảm 15% khí phát thải nhà kính; đến năm 2035 giảm 55% và đến năm 2050 là đạt mục tiêu Net Zero. Với 8 định hướng chiến lược, Vinamilk đang nỗ lực sử dụng nguồn nguyên liệu bền vững, sử dụng các nguồn năng lượng xanh - sạch và tái tạo, sử dụng bao bì phát thải thấp, phát triển các sản phẩm carbon thấp, sử dụng logistics thân thiện với môi trường, tổ chức các bể hấp thụ carbon và loại bỏ khí nhà kính, cam kết tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về khí nhà kính, tạo thương hiệu bền vững có chứng nhận nhãn xanh hay sản phẩm xanh. Hiện tại Vinamilk đã có 3 trang trại và nhà máy sữa đầu tiên đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS 2060:2014 là Nhà máy sữa Nghệ An, Trang trại bò sữa Nghệ An và Nhà máy nước giải khát Việt Nam.
Trong hoạt động sản xuất, ông Hoàng Minh cho biết, Vinamilk đang triển khai kiểm kê khí nhà kính, năng lượng xanh, cải tiến xanh, sáng kiến xanh và công nghệ xanh. Với hệ thống 13 nhà máy đạt chuẩn quốc tế, Vinamilk đang triển khai các phần mềm giám sát năng lượng để phân tích tối ưu hóa nhu cầu tiêu thụ, giảm tổn thất. Từ năm 2013 đến nay, 100% các nhà máy của Vinamilk đã áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 và đã đạt tỷ lệ 87% năng lượng xanh thay thế cho năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch trong hoạt động sản xuất.
Tại nhà máy Sữa Việt Nam (Mega), Vinamilk còn có 4 kho thông minh với tổng công suất lên tới 49.208 pallet, giúp giảm phát thải 1.898 tấn CO2e/năm. Mỗi kho thông minh tự động có 17 tầng với sức chứa gần 27.168 ô chứa hàng (pallet). Hệ thống băng chuyền với 510 m đường ray và 19 khay tự động có khả năng tự sắp xếp và vận chuyển lô hàng vào vị trí chỉ trong vòng 30 giây và vận hành tự động, tiết kiệm 70% năng lượng. Vinamilk đã đưa robot tự hành - LGV vào điều khiển toàn bộ quá trình từ tiếp nguyên liệu dùng đến bao gói thành phẩm. Các robot có thể tự thay pin tại các trạm sạc pin tự động. Nhờ có robot đã giúp giảm phát thải 60% so với việc sử dụng xe nâng truyền thống...
Tương tự, tại Tập đoàn quốc tế BAT Việt Nam, ông Phạm Hùng Anh Tuấn, Giám đốc Khối sản xuất cho hay, tập đoàn đã đề ra lộ trình cắt giảm khí phát thải nhà kính đồng thời triển khai tích cực nhiều hoạt động như tổ chức hội thảo loại trừ thất thoát tổ chức hàng năm với sự tham gia tất cả phòng ban, tổ chức chuyển đổi dần các hệ thống sang sử dụng năng lượng tái tạo hoặc phát thải carbon thấp hơn, lập kế hoạch chi tiết cho mục tiêu cho 3 năm kế tiếp, nghiêm túc thực hiện cam kết không có rác thải chôn lấp từ năm 2022 và tối ưu ánh sáng và thông thoáng tự nhiên cho môi trường sản xuất và văn phòng. BAT cũng thường xuyên chia sẻ cho nhân viên về phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Đồng thời, 100% điện được tiêu thụ tại BAT Việt Nam xuất phát từ các nguồn năng lượng tái tạo, chuyển đổi dần các hệ thống sang sử dụng năng lượng tái tạo hoặc phát thải carbon thấp hơn, đạt được trung hòa carbon bằng việc tối ưu nguồn năng lượng sử dụng cho tất cả các hệ thống và các chứng chỉ về năng lượng tái tạo IREC và bù đắp carbon.
Hiện nay, BAT Việt Nam đang phối hợp cùng nông dân trong chuỗi cung ứng. Theo đó, chủ trương sử dụng nguồn nguyên liệu lá chiếm khoảng 23%phát thải nhà kính. BAT Việt Nam áp dụng lò sấy bán tự động và đạt 150 lò sấy bán tự động tương đương việc tiết kiệm được 33% nhiên liệu trên mỗi lò sấy. Mùa vụ 2025, BAT thử nghiệm 100% lò sấy điện tại vùng Tây Nguyên và hướng đến mục tiêu không sử dụng gỗ trong quá trình sấy lá và thuốc lá trong tương lai.
BAT cũng đang tập trung cho các giải pháp hấp thụ khí carbon, theo đó, tập trung khoanh nuôi 120 ha vùng ngập mặn tại Cà Mau (2022-2024) với mục tiêu đạt được khoảng 450.000 cây mắm đến năm 2030. Trồng rừng ngập mặn giúp hấp thụ khí carbon và bảo tồn đa dạng sinh học. Với việc trồng rừng ngập mặn, có thể giúp hấp thụ gấp 10 lần lượng carbon so với rừng trên cạn, cung cấp sự liên kết giữa hệ sinh thái trên cạn và hệ sinh thái biển, tạo môi trường sống của nhiều sinh vật./.