Đồng bào Mông ở Sơn La rộn ràng đón Tết cổ truyền
Đến với đồng bào Mông ở Sơn La dịp Tết, ngoài tìm hiểu phong tục, nghi lễ độc đáo, du khách được hòa mình vào không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc, ngắm hoa đào, hoa mơ, hoa mận thi nhau đua nở.
Phụ nữ dân tộc Mông xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, xúng xính váy áo, vui Xuân đón Tết. 
Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Ở Sơn La, đồng bào Mông thường đón Tết cổ truyền (Nào Pê Chầu) sớm hơn Tết Nguyên đán 1 tháng, bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để giữ gìn nét văn hóa truyền thống, giáo dục cho con cháu luôn hướng về cội nguồn.

Những ngày này, không khí vui Xuân đón Tết nhộn nhịp khắp bản làng. Các gia đình bắt đầu mổ lợn, gà để làm lễ tạ ơn tổ tiên, trời đất phù hộ đồng bào có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm qua.

Tùy điều kiện kinh tế, công việc của mỗi gia đình, Tết thường diễn ra từ 10-15 ngày với phần lễ và hội. Phần lễ diễn ra từ chiều 30 Tết đến hết chiều mùng 3 Tết, nghi lễ chủ yếu tại các gia đình, trưởng dòng họ để cầu mong sức khỏe dồi dào, may mắn, mưa thuận, gió hòa, cây cối xanh tốt, mùa màng bội thu. Ngày 29 Tết, các gia đình bắt đầu ngâm gạo nếp để sáng sớm hôm sau sẽ đồ chín giã bánh giày. Đây là loại bánh không thể thiếu trong mâm cúng vào dịp Lễ, Tết của người Mông.

Những ngày Tết, các thành viên quây quần cùng nhau mổ lợn, gà, làm các món ăn để mời họ hàng, bạn bè, khách đến chơi. Trong 3 ngày Tết, người Mông không tiêu tiền, không lao động vì cho rằng nếu không nghỉ ngơi thì năm đó sẽ vất vả. Ngoài ra, người Mông quan niệm “vạn vật hữu linh” nên họ dùng giấy dán vào các vật dụng, công cụ lao động với ý nghĩa cuối năm chúng cũng cần được nghỉ ngơi như con người. Phần hội diễn ra hằng ngày cho đến khi hết Tết.

Phụ nữ dân tộc Mông xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên tham gia ném Pao. 
Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Đến xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên những ngày Tết, du khách có thể tìm hiểu các loại hình văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán của đồng bào Mông, hòa mình trong trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn, tạo nên bức tranh đa sắc màu về văn hóa vùng cao.

Thi làm bánh giầy trong ngày Tết cổ truyền của đồng bào Mông ở xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên. 
Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

Theo ông Hạng A Cheo, Bí thư Đảng ủy xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên, từ những nép đẹp trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, xã duy trì việc đón Tết cổ truyền của đồng bào Mông. Hiện nay, mặc dù có những đổi mới về cách thức tổ chức nhưng vẫn giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị cốt lõi, bản sắc văn hóa của dân tộc. Bên cạnh đó, việc tổ chức đón Tết cổ truyền của dân tộc Mông đang trở thành điểm nhấn trong phát triển du lịch tại xã.

Người Mông ở bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu cũng đang rộn ràng đón Tết với niềm hân hoan và hy vọng vào năm mới cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Ngày Tết cũng là dịp để người Mông vui chơi sau một năm lao động vất vả. Những ngày này, mọi người thường tập trung chơi các trò chơi dân gian như, đánh tu lu, ném pao…Các chàng trai, cô gái còn tham gia ca hát, múa khèn… Sự độc đáo trong văn hóa của đồng bào Mông thu hút đông đảo du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm.

Trưởng bản Tà Số 2, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu Mùa A Di cho hay, Tết là dịp nghỉ ngơi và vui hội với các trò chơi dân gian. Từ năm 2020, du lịch được đầu tư, phát triển, bản tích cực tuyên truyền để người dân duy trì nghề truyền thống như rèn, dệt vải...để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm.

Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc được huyện Mộc Châu chọn làm điểm phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông. Chính vì vậy, đồng bào Mông ở Tà Số đón Tết trong một tâm thế mới, quyết tâm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để làm du lịch cộng đồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chị Sồng Y Hoa, bản Tà Số, xã Chiềng Hắc cho biết, gia đình chị làm homestay từ năm 2020 nhưng vẫn quyết tâm giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, nét văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, quảng bá tới du khách. Gia đình cũng sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên sẵn có trên bản để bày trí phòng trong homestay. Dịp Tết này, đến với bản Tà Số, du khách được trải nghiệm giã bánh giày, chơi các trò chơi dân gian…

Anh Nguyễn Trung Thắng, du khách tới từ tỉnh Hải Dương chia sẻ, trước đây, anh biết đến Mộc Châu và nét văn hóa truyền thống của các dân tộc Tây Bắc trên trang mạng xã hội. Đợt này, anh lên du lịch ở Tà Số được trải nghiệm không khí, ẩm thực và nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Anh hy vọng, người dân nơi đây luôn giữ được truyền thống văn hóa để du khách trải nghiệm.

Đến với đồng bào Mông ở Sơn La dịp Tết, ngoài tìm hiểu phong tục, nghi lễ độc đáo, du khách được hòa mình vào không khí trong lành của núi rừng Tây Bắc, ngắm hoa đào, hoa mơ, hoa mận thi nhau đua nở. Đồng bào Mông nơi đây đang nỗ lực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ, tham gia của các bộ, cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Mục tiêu đến hết năm nay sẽ xóa toàn bộ khoảng 450 nghìn căn nhà, gồm cả nhà dột nát và nhà không đảm bảo tiêu chuẩn. Sau đây là ghi nhận tại nhiều địa phương về sự quyết liệt xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Việt Nam có thể là trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Canada

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, trong chiến lược tìm kiếm thị trường ngoài Mỹ, Canada đã lựa chọn sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến để mở rộng xuất khẩu sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và thương mại tại khu vực này. Chiến lược nói trên hiện đang được Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada (EDC) tập trung triển khai tại Đông Nam Á, đặc biệt là ở một số quốc gia có các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với Canada. Trong chiến lược này, Việt Nam nổi lên như một điểm đến đáng chú ý khi Việt Nam được các doanh nghiệp Canada coi là cửa ngõ để vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cũng nằm trong số vài nước ASEAN có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Canada và đặc biệt là Việt Nam đang được coi là nơi có thể tiếp nhận cả đầu tư sản xuất để xuất khẩu tiếp sang các thị trường khác của Canada.

Vùng quê cách mạng Mỹ Phước trên đường đổi mới

Sau gần 50 năm thống nhất đất nước, vùng sâu ngày nào giờ đây đang trên đường đổi mới, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng nâng lên, người dân càng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Năm 2024, ngành nông nghiệp đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu

Năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện, đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.  

Phở bò vào top 100 món ăn ngon nhất thế giới năm 2024

Chuyên trang ẩm thực Taste Atlas nổi tiếng thế giới vừa công bố danh sách 100 món ăn ngon nhất thế giới năm 2024. Đáng chú ý, đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong danh sách là phở bò. Món ăn đứng thứ 93 trong danh sách với 4,44 sao.  

Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông: Minh chứng điển hình về mối liên kết hài hòa giữa thiên nhiên và con người

Tối 26/12/2024, tỉnh Đắk Nông tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2 năm 2024. Với diện tích 4.760 km², trải dài trên địa bàn 6 huyện, thành phố, có 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, bao gồm hệ thống gần 50 hang động với tổng chiều dài hơn 10.000 m, các miệng núi lửa, thác nước... Công viên địa chất Đắk Nông là nơi lưu giữ các giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học, nhiều nét độc đáo về văn hóa, địa chất, tự nhiên cũng như dấu tích hoạt động của người tiền sử. Công viên trở thành Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO lần đầu tiên vào tháng 7/2020.