Nhiều chuyên gia quốc tế cũng khẳng định trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục sau “cú đánh” của đại dịch COVID-19, song vẫn bấp bênh, với nhiều yếu tố rủi ro tiềm ẩn, từ các cuộc xung đột địa chính trị, tới khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, kéo theo những biến động về giá vàng, dầu mỏ, tỷ giá…, việc kinh tế Việt Nam trong 6 tháng qua đạt mức tăng trưởng 6,42% so với cùng kỳ năm ngoái rõ ràng là một kết quả rất tích cực và đáng ghi nhận.
Phát biểu khi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên đối thoại với khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn kinh tế lớn trong khuôn khổ Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Đại Liên 2024), hồi tháng 6 vừa qua, Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch WEF đã một lần nữa nhấn mạnh Việt Nam là “ngôi sao sáng đang phát triển nhanh của kinh tế thế giới”.
Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã phải đối mặt với nhiều sức ép lớn, cả từ bên trong lẫn bên ngoài. Ngoài các thách thức chung, nền kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với những khó khăn nội tại, trong đó có đà tăng của lạm phát (dù vẫn trong kiểm soát) khiến tổng cầu yếu, chậm hồi phục; giá vé máy bay tăng ảnh hưởng tới du lịch nội địa; tăng trưởng tín dụng thấp; xu hướng người dân đổ tiền tiết kiệm vào vàng, ngoại tệ, khiến huy động vốn cho sản xuất kinh doanh suy giảm. Tuy nhiên, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong quý II/2024 vẫn phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản (5,5-6%) mà Chính phủ đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP. Việc kinh tế Việt Nam bất chấp “những cơn gió ngược”, bức tốc cao hơn so với dự báo là minh chứng rõ nét cho thấy hiệu quả của các quyết sách, những hành động quyết liệt từ trung ương đến địa phương. Nói như ông Kim Yong Jae - Ủy viên thường trực Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) thì “mức tăng trưởng kinh tế này chính là thành quả của sự nỗ lực của chính phủ và người dân Việt Nam".
Chính sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đề ra, với quyết tâm cao nhất, kinh tế vĩ mô Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã được duy trì ổn định, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (14,5%), xuất siêu lớn, lên tới 11,63 tỷ USD, góp phần đảm bảo cán cân thanh toán. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh, nợ công và bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn, đặc biệt thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC cũng khẳng định với những thế mạnh của nền kinh tế, thị trường Việt Nam đã thực sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, Trung tâm KRF - chuyên nghiên cứu các vấn đề toàn cầu, lý giải Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, với tư cách là trung tâm sản xuất cũng như có tầm quan trọng đối với kinh tế Đông Á, cung cấp môi trường đầu tư thuận lợi nhờ sự ổn định của chính phủ, tầm nhìn kinh tế được hoạch định rõ ràng, thực thi chính sách công bằng, ít rào cản đầu tư và cơ chế ưu đãi hấp dẫn.
Trong những năm qua, Việt Nam luôn nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, điển hình là việc ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, cũng như tích cực tham gia các hiệp định thương mại toàn cầu, qua đó củng cố vị thế của Việt Nam là điểm đến yêu thích của thương mại quốc tế. Trong cuộc tọa đàm mới đây tại Bỉ, đại diện các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đều tin tưởng sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Chủ tịch EuroCham, ông Dominik Meichle khẳng định “Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi”. Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) trong quý I và II/2024, do EuroCham công bố, lần lượt là 52,8 điểm - mức cao nhất kể từ năm 2022 và 51,3 điểm, cho thấy doanh nghiệp châu Âu rất lạc quan về tiềm năng của Việt Nam.
Trong khi đó, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius cho rằng số doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam trong năm 2024 có thể phá kỷ lục do đây là một quốc gia có sự ổn định, cởi mở, luôn sẵn sàng thực hiện các bước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và sẵn sàng giải quyết những thách thức.Ngoài ra, phải kể tới một số yếu tố quan trọng khác góp phần tạo ra “cú hích” cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay, trong đó có mức độ tự do hóa tiếp cận thị trường cao, được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đánh giá ngang hàng với Singapore - quốc gia phát triển nhất khu vực Đông Nam Á, cùng lực lượng lao động có chất lượng, chi phí hợp lý, đặc biệt là việc dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế số trong giai đoạn 2022-2026 (theo khảo sát của Financial Times và Omdia hồi năm 2022 đối với 39 nước).
Chính những thành quả kinh tế đạt được nửa đầu năm 2024 đã mở ra kỳ vọng cho tăng trưởng những tháng cuối năm tốt đẹp hơn. Giới chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước đều tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ "tiếp tục phục hồi" trong nửa cuối năm 2024. IMF dự báo do nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi từ cuối năm 2023 và tăng tốc mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2024, nên nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 có thể chậm lại phần nào, song nhìn chung vẫn sẽ ở mức trên 6%, trong khi lạm phát có thể duy trì ở mức gần với mục tiêu đề ra là 4,5%. Các ngân hàng lớn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Standard Chartered, HSBC cũng đều đưa ra mức dự báo tương tự.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng để đạt mức tăng trưởng như vậy, Việt Nam sẽ phải nỗ lực hơn nữa do còn nhiều yếu tố rủi ro rình rập, trong đó có biến động địa chính trị toàn cầu, đồng Việt Nam mất giá, tiền lương khu vực công tăng có thể kéo theo nguy cơ lạm phát tăng. Do đó, hơn lúc nào hết Việt Nam cần cân bằng giữa phục hồi kinh tế với quản lý rủi ro, theo dõi chặt chẽ tình hình và sẵn sàng hành động trong trường hợp lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam cần có thị trường vốn tốt, đòi hỏi có thể chế tốt, quản trị kinh tế minh bạch để hoạt động hiệu quả. Kết quả khảo sát Chỉ số BCI của EuroCham giảm trong quý II/2024 cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang phải đối mặt với những rào cản pháp lý ở Việt Nam, do đó Việt Nam cần xác định một số cải cách quan trọng, trong đó có đơn giản hóa quản lý hành chính, tăng cường khung pháp lý, cải thiện cơ sở hạ tầng…
Với những động lực vững về kinh tế trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong nửa đầu năm 2024, dư luận đang kỳ vọng vào sự tăng trưởng chắc của “đất nước hình chữ S”. Trong đánh giá đưa ra tháng 6 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ) tin tưởng khi nhu cầu toàn cầu phục hồi và Việt Nam dần giải quyết được những khó khăn, kinh tế của quốc gia Đông Nam Á này sẽ tăng tốc./.
Ngọc Hà