Dòng vốn đầu tư thế hệ mới hướng tới nhà máy, khu công nghiệp xanh
Trong xu hướng phát triển kinh tế bền vững, dưới áp lực từ yêu cầu của thị trường và đối tác, dòng vốn FDI, đầu tư tài chính thế hệ mới dần tập trung vào các doanh nghiệp, nhà máy và khu công nghiệp xanh.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo
Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo "Đổi mới sáng tạo xanh cho nhà máy và khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 8/8.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC cho biết: Tp. Hồ Chí Minh là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước về phát triển kinh tế, công nghiệp, du lịch, dịch vụ, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo công bố chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2024, chỉ số PII của thành phố xếp thứ 2 (sau Hà Nội).

Tp. Hồ Chí Minh luôn tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh công nghiệp thuận lợi, ổn định, minh bạch để thu hút đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và góp vốn, mua cổ phần, mua lại vốn góp của doanh nghiệp trong nước, Tp. Hồ Chí Minh thu hút được 1,211 tỷ USD.

Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội, lợi ích từ nguồn vốn đầu tư xanh các doanh nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế cần chuẩn bị tâm thế, lộ trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình sản xuất xanh.

Ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA), cho biết, nhà máy xanh là nhà máy được trang bị các quy trình thiết kế và sản xuất thân thiện với môi trường giúp cải thiện hiệu quả phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng. Khu công nghiệp xanh là khu công nghiệp thân thiện với môi trường, sản xuất ra các sản phẩm xanh.

Ngoài ra, khu công nghiệp xanh còn bao hàm cả việc tái sử dụng các chất thải, các chất thải năng lượng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng và nguồn tài nguyên thiên nhiên (khoáng sản, gỗ tự nhiên...), hạn chế sử dụng hóa chất độc hại (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm...) bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến để khắc phục và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Theo ông Trần Thiên Long, sản xuất xanh, khu công nghiệp xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu. Từ đầu năm 2024 đến nay, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài đến Tp. Hồ Chí Minh tìm hiểu cơ hội hợp tác đều yêu cầu các đối tác, khu công nghiệp đạt tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, thực tế các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ đều đã hoạt động trên 25 năm, việc chuyển đổi xanh là áp lực rất lớn, cần có quá trình. Một khảo sát sơ bộ cho thấy có đến 50% doanh nghiệp chưa biết về khái niệm khu công nghiệp/nhà máy phát triển bền vững.

Những rào cản của quá trình chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp hiện nay là cơ chế chưa minh bạch; khó khăn trong việc đưa các tiêu chuẩn phát triển bền vững vào khuôn khổ doanh nghiệp hiện có. Thách thức lớn nhất là tài chính, bởi việc chuyển đổi sản xuất xanh đồi hỏi phải đầu tư vào cả máy móc, thiết bị công nghệ và hệ thống quản trị.

“Để thúc đẩy chuyển đổi xanh ở doanh nghiệp, hình thành các khu công công nghiệp, khu chế xuất xanh trước hết cần có khung khổ pháp lý rõ ràng, nhất quán trong quản lý. Cụ thể là cần sớm xây dựng, ban hành Luật Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế làm cơ sở để doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả đơn vị quản lý hoạt động một cách hiệu quả, tránh các vướng mắc do chồng chéo về văn bản pháp lý. Bên cạnh đó, cần có nguồn quỹ tài chính cho doanh nghiệp có chiến lược chuyển đổi hiệu quả với lãi suất thấp, thủ tục tiếp cận đơn giản, khả thi nhất.”, ông Trần Thiên Long nêu kiến nghị.

Cùng quan điểm, ông Trần Anh Đông, Giám đốc CAS-Energy nhấn mạnh vai trò quan trọng của các khu công nghiệp sinh thái để Việt Nam tham gia và cạnh tranh hiệu quả khi “luật chơi sản xuất xanh - xuất khẩu xanh” ngày càng siết chặt.

Ông Đông chỉ ra rằng việc chuyển đổi xanh đặt các doanh nghiệp sản xuất vào thế khó về nhiều mặt: tài chính, nguồn lực, chính sách hỗ trợ…, nhất là trong giai đoạn khởi tạo và vận hành. Một số giải pháp chuyển đổi nguồn năng lượng có thể giúp doanh nghiệp không chỉ tích hợp năng lượng tái tạo mà còn tối ưu hóa chi phí, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn ESG và CSR, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành BambuUP cho rằng, bức tranh toàn cảnh thế giới đang chuyển đổi từ VUCA (Biến động – không chắc chắn - phức tạp – mơ hồ) sang BANI (Mong manh -  lo lắng - phi tuyến tính - khó lý giải). Có đến 3/10 xu hướng lớn của thế giới đang gắn kết mật thiết với câu chuyện tác động bền vững tới môi trường - khí hậu. Điều này buộc doanh nghiệp cần tập trung xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh.

Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu, bao gồm các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ xử lý nước thải… dự kiến đạt 61,92 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 20,8%. Chuyển đổi xanh cần phải trở thành một chiến lược cấp thiết để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và đảm bảo các tác động bền vững trong một thế giới khó lường.

“Không chuyển đổi xanh đồng nghĩa với không còn hoạt động kinh doanh trong tương lai. Năm xu hướng chuyển đổi sản xuất xanh phổ biến mà các doanh nghiệp cần áp dụng là tối ưu hóa năng lượng, sản xuất sản phẩm bền vững, giảm thiểu rác thải và tái chế, tăng cường công nghệ thông minh, tiếp cận sản xuất tinh gọn.” bà Nguyễn Hương Quỳnh nêu góc nhìn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Tổ chức hiệu quả việc nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành quy định số 144 về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định này là nền tảng, kim chỉ nam cho cán bộ đảng viên thực hiện tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thể hiện tầm nhìn tư duy của Đảng ta trong tình hình mới. Việc triển khai thực hiện cần lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên.

Phấn đấu tăng bữa ăn ca cho công nhân lên 25.000 đồng/suất

Tại Hà Nam, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 7c/NQ-BCH ngày 25/2/2016 của Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Khóa XI về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”, các cấp công đoàn phấn đấu thời gian tới vận động các doanh nghiệp có bữa ăn ca đạt mức 25.000 đồng/suất.

Kỳ họp thứ 45, Ủy ban Kiểm tra Trung ương

Trong các ngày 7 và 8/8, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 45. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú chủ trì Kỳ họp.