Nhân viên Trung tâm khơi nguồn sáng tạo Bloom và xúc tiến đổi mới toàn cầu đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu công nghệ sáng tạo. |
Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN |
Đánh giá về Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho rằng, Nghị quyết đặt ra những yêu cầu rất quyết liệt trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, cũng như đưa giải pháp mạnh mẽ nhằm giải phóng sức sáng tạo của các nhà khoa học và người dân.
Trong số đó, nhiều nhà khoa học đã nhắc đến con số 3% - chính là mục tiêu cụ thể đến năm 2030 được nêu tại Nghị quyết 57 về mức chi hàng năm cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt hơn, mức chi cho nghiên cứu và phát triển tăng từ 0,4% lên 2%.
Đây là một giải pháp về nguồn lực tài chính được đưa ra trong Nghị quyết nhằm "cởi trói" cho nhà khoa học, từ đó, chắp cánh niềm đam mê nghiên cứu công nghệ của giới khoa học nước nhà, đưa nước ta bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nghị quyết gỡ rào cản
Chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ là một khoản chi quan trọng đối Chính phủ của bất kỳ một quốc gia nào trong đó có Việt Nam bởi việc đầu tư cho khoa học công nghệ là một trong những điều kiện cơ bản dẫn dắt các nước nghèo vươn mình để trở thành các nước có nền kinh tế phát triển.
Trong những năm qua, mức chi theo quy định cho khoa học công nghệ phải đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách và tăng dần theo nhu cầu phát triển của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, thực tế, mức chi còn thấp, đầu tư dàn trải dẫn đến tình trạng "giật gấu vá vai"… gây ảnh hưởng lớn đến việc phát triển khoa học công nghệ, làm giảm sức sáng tạo của nhà khoa học.
Báo cáo của Bộ Tài chính năm 2017 cho thấy, ngân sách nhà nước chi cho khoa học công nghệ chiếm 1,18% tổng chi ngân sách nhà nước. Năm 2023, chi cho khoa học công nghệ chiếm 0,82% trong tổng chi ngân sách nhà nước, trong đó, chi cho đầu tư là 0,23% và chi thường xuyên là 5,08%.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các Bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm đến phát triển khoa học công nghệ, chưa có những đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí để bố trí vốn.
Tại Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng kinh phí các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ cấp Bộ, cấp cơ sở và các nhiệm vụ khác trong giai đoạn 2016-2021 là 3.772 tỷ đồng nhưng chỉ có 519 tỷ đồng được phân bổ để thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; có tới 1.784 tỷ đồng được chi cho lương, hoạt động bộ máy, nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và các nhiệm vụ cấp Bộ khác…
Tiến sỹ Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, việc Nghị quyết 57 quy định, đến 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển là một bước đột phá lớn. Thời gian qua, chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ đều dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Việc tăng đầu tư theo Nghị quyết 57 sẽ buộc Bộ Tài chính phải cân đối lại ngân sách cho khoa học và công nghệ, qua đó tạo nền tảng cho sự phát triển lĩnh vực quan trọng này.
Đáng chú ý, Nghị quyết 57 đã có đột phá về tư duy trong đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động R&D. Theo đó, ngân sách chi cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ ưu tiên thực hiện theo cơ chế quỹ, thông qua các quỹ phát triển khoa học và công nghệ. "Tư duy này đã được đề cập tại Nghị quyết 20, nhưng hơn 10 năm qua gần như chúng ta không làm được điều này. Lần này, Nghị quyết 57 đã quy định rất cụ thể và với sự quyết liệt, chắc chắn sẽ tạo ra sự thay đổi", Tiến sỹ Nguyễn Quân chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông tin, với việc đề xuất các cơ chế, chính sách đột phá, ưu tiên và khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo như: Đầu tư tài chính, phát triển nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính và khuyến khích hợp tác công - tư, Nghị quyết 57 cho thấy tầm nhìn của Bộ Chính trị hướng tới việc tháo gỡ các rào cản lâu nay trong hệ thống, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn.
Việc đưa mục tiêu đến năm 2030, kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển vào Nghị quyết cũng là bước đi mạnh mẽ nhằm tạo sự thay đổi về chất trong phân bổ, thu hút, đầu tư các nguồn lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Từ Nghị quyết đến hành động cụ thể
Đánh giá Nghị quyết số 57-NQ/TW mang tính đột phá về tư duy lý luận và hành động, vừa mang tính dân tộc, mang tính thời đại sâu sắc, ông Trần Văn Khải, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, trong giai đoạn tới, Quốc hội cần nhanh chóng rà soát các luật liên quan như Luật Chuyển giao Công nghệ; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Công nghệ cao; Luật Chuyển đổi số; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Đầu tư công, Luật Giáo dục Đại học và các luật về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo... để sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Bên cạnh đó, Quốc hội cần quan tâm phân bổ ngân sách phù hợp, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển. Đây là điểm mới, điểm đột phá mạnh mẽ về nguồn lực ngân sách cho cuộc cách mạng khoa học công nghệ mà Nghị quyết ghi nhận. Đồng thời, khuyến khích chi tiêu công vào các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ mới nổi như AI, Blockchain, IoT và năng lượng tái tạo; xây dựng các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; khuyến khích quỹ đầu tư mạo hiểm vào các lĩnh vực này.
Tại Nghị quyết số 3 của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đơn vị được giao chủ trì theo dõi, đánh giá mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2030 là chi tối thiểu 3% trong tổng chi ngân sách hằng năm và tăng dần theo yêu cầu cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, là Bộ Tài chính. Như vậy, mục tiêu đã có, con đường đã rõ. Điều cần thiết hiện nay chính là sự quyết tâm chung sức, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như nhân dân cho bước chuyển mình của dân tộc tiến vào kỷ nguyên mới.
Sau một thời gian dài với nhiều chính sách pháp luật quy định mức chi ngân sách nhà nước hàng năm cho lĩnh vực khoa học công nghệ là 2% nhưng chưa bao giờ đạt được, nay với Nghị quyết 57, đưa mức chi ngân sách nhà nước hằng năm cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số lên tối thiểu là 3% đến năm 2030, cùng vai trò người đứng đầu của Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, các nhà khoa học đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào một kỷ nguyên mới của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.