Cũng hiếm thấy bảo tàng nào lại bị biến thành nơi phơi bày đủ mọi hành vi xấu xí nhất của một bộ phận người dân như bảo tàng này.
Lâu nay, trong suy nghĩ của nhiều người, bảo tàng ở Việt Nam thường là nơi khô cứng, trưng bày các hiện vật một cách đơn điệu, nhàm chán, buồn tẻ, thiếu tương tác. Do đó, bảo tàng không phải là nơi mà nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, muốn đến và chủ động đến, mà thường là nơi “phải đến” trong các chuyến tham quan, trải nghiệm, học tập theo trường lớp, theo đoàn.
Cả chục năm qua, những người làm công tác bảo tàng tâm huyết cũng từng đau đáu, trăn trở với câu hỏi làm thế nào để thu hút đông đảo khách tới bảo tàng như các trung tâm thương mại hay khu vui chơi giải trí.
Du khách tham quan khu vực trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN |
Trong bối cảnh đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xuất hiện như một ngôi sao sáng, một làn gió mới mẻ, hội tụ đủ yếu tố hấp dẫn, từ kiến trúc tới văn hóa, từ lịch sử tới nghệ thuật, từ truyền thống đến công nghệ hiện đại, tạo ra một không gian, một điểm đến công cộng vô cùng “hot”.
Có thể thấy ngay độ “hot” này qua những bức ảnh chụp lại cảnh tắc đường nghiêm trọng tại các con đường dẫn vào bảo tàng, hay qua những video du khách chen chân trong bảo tàng, như đi trẩy hội.
Mở cửa từ đầu tháng 11 và miễn phí vé tham quan tới hết năm 2024, có thể nói Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã trở thành hiện tượng khi đón lượng khách đông kỷ lục, có ngày lên tới 40.000 lượt người.
Đây là con số chưa từng có với các bảo tàng ở Việt Nam, thậm chí báo chí còn so sánh rằng lượng khách trên không kém gì so với lượng khách trung bình mỗi ngày tới các bảo tàng nổi tiếng nhất thế giới.
Thế nhưng, những lãnh đạo của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chưa kịp tận hưởng niềm vui thì đã phải lo xử lý, đối phó với vô số những hành vi không đẹp, thậm chí phản cảm mà không ít người trong 40.000 lượt người đó gây ra.
Nói rằng bảo tàng này “trưng bày” đủ hành vi xấu xí của đám đông ở nơi công cộng cũng không hề sai. Nào là chen lấn ồn ào, nào là ăn uống bừa bãi, nào là xả rác, nào là leo trèo, nào là viết vẽ lên hiện vật… Tôi cũng chưa kịp nghĩ ra được tình huống nào để giải thích cho hình ảnh những bộ quần áo trẻ con được phơi trên lan can bên ngoài bảo tàng.
Bảo tàng thu hút nhiều người dân đến tham quan, tìm hiểu lịch sử. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN |
Cần phải nhấn mạnh rằng bảo tàng nói riêng và di tích nói chung không phải là những điểm vui chơi giải trí thông thường, mà là nơi cất giữ những hiện vật vô giá, những câu chuyện và giá trị lịch sử thiêng liêng của một cộng đồng, một dân tộc, hay thậm chí của cả nhân loại. Mỗi hiện vật ở đây rất có thể là hiện vật độc nhất còn gìn giữ được, mang trong mình những câu chuyện đặc biệt, là vật chứng cho những thời khắc lịch sử quan trọng và phải được trân trọng, bảo vệ. Những hiện vật đó chính là sợi dây còn sót lại để kết nối quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Nhưng nhìn hình ảnh trẻ em vô tư leo trèo, đu bám vào chiếc xe tăng được xếp vào dạng bảo vật quốc gia thì nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là công viên giải trí chứ không phải là bảo tàng. Tạm chấp nhận rằng “trẻ con không biết gì”, nhưng người lớn thậm chí còn có những hành vi phản cảm hơn. Trong hai ngày liên tiếp, xuất hiện hai video ghi hình ảnh nam thanh nữ tú đứng tận trên nóc bảo tàng quay video, chụp ảnh đăng lên mạng như chiến tích. Với họ, bảo tàng không khác gì một nơi “check-in” nữa để kéo dài danh sách địa điểm sống ảo.
Nói rộng ra, những hành vi không đẹp mắt này không chỉ xuất hiện ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mà đã từng xuất hiện ở mọi tụ điểm công cộng.
Gần đây, những hành vi không hợp chuẩn lại có một dạng thức thể hiện mới. Đó là tập yoga nơi công cộng, tạo dáng động tác yoga trong những bộ quần áo bó sát ở các địa điểm du lịch cả trong và ngoài nước.
Bất chấp dư luận chỉ trích, tỏ thái độ bức xúc và lên án mạnh mẽ, nhưng thỉnh thoảng mạng xã hội lại xuất hiện bức ảnh của những người tự nhận mình là đam mê yoga, ở mọi tư thế. Chắc tôi cũng sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên nếu có ai đó trải thảm tập yoga hay tạo dáng yoga ở khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, vốn rộng tới 386.000 mét vuông và có rất nhiều không gian rộng rãi.
Trở lại với bảo tàng này những ngày gần đây, các hiện vật từng được trưng bày mở với mong muốn kết nối với khách tới xem, thì nay đã nằm gọn trong các sợi dây chăng ra tứ phía để ngăn khách xâm phạm. Tất nhiên, những dải dây mỏng manh này chẳng thể nào ngăn cản tuyệt đối những ai vẫn muốn trèo lên bảo vật quốc gia, vẫn muốn sờ tận tay các hiện vật lịch sử vốn đã nhuốm màu thời gian. Nhưng, chính những thứ vô hình như ý thức nơi công cộng và nhận thức về giá trị lịch sử mới đủ sức mạnh để gìn giữ vẹn nguyên các hiện vật.