Trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại London, ông Kyril Whittaker cho biết, với những thành tựu phát triển toàn diện nền kinh tế, nâng cao mức sống người dân, thực hiện quyền con người và bảo vệ môi trường, Việt Nam đang trên đường đạt mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới trong đó con người, quốc gia và Đảng đều phát triển.
Đánh giá về thành tựu kinh tế của Việt Nam, học giả Anh chỉ ra rằng, kể từ khi đất nước bắt đầu công cuộc Đổi mới năm 1986, đến nay nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng gấp 96 lần. Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh trên cả nước, từ các dự án giao thông công cộng như xây dựng các tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tới kế hoạch phát triển tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, hình thành hệ thống giao thông công cộng sạch và chất lượng. Các dự án phát triển cơ sở hạ tầng cũng được thực hiện trên cả nước, mang đến những thay đổi ở khắp các tỉnh thành. Ông Whittaker cũng chỉ ra những thay đổi đáng ngạc nhiên ở Cần Thơ khi ông trở lại thăm thành phố này sau thời gian sống và làm việc tại đây, với sự xuất hiện những tòa cao ốc, khách sạn, đường sá, trường học, nhà hàng mới ở khắp nơi.
Ông Whittaker nhấn mạnh, quan trọng hơn, cùng với sự phát triển này là nỗ lực không ngừng nâng cao mức sống người dân với thành tựu nổi bật của Việt Nam trong xóa đói giảm nghèo. Theo học giả Anh, mục tiêu của chính phủ xóa hoàn toàn nhà tạm và xuống cấp vào cuối năm 2025 là minh chứng cho tốc độ xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam.
Học giả Anh cho biết Việt Nam cũng thực hiện những nỗ lực tái thiết nhanh chóng trong các thảm họa thiên tai nhằm ổn định đời sống, đảm bảo an toàn, an ninh và phúc lợi cho người dân. Ông dẫn trận lũ quét và sạt lở đất ở Làng Nủ hồi tháng 9 xóa sổ các khu dân cư, nhà cửa và sinh kế của người dân. Tuy nhiên, theo ông, vào đầu tháng 11, có thể thấy các công trình nhà ở, trường học và trung tâm văn hóa được xây mới ở khu vực Làng Nủ và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm.
Theo ông, đây là kết quả của các chính sách lâu dài của Đảng về xóa đói giảm nghèo và các chương trình cải thiện mức sống của người dân bắt đầu từ năm 1945 khi các chiến dịch đầu tiên ở cấp quốc gia được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động nhằm giúp đỡ nhân dân và đất nước như phong trào “sẻ áo nhường cơm”, “bình dân học vụ”...
Ông Whittaker cũng chỉ ra những thành tựu môi trường quan trọng của Việt Nam, với tỷ lệ che phủ rừng tăng 56% trong 2 thập niên qua, cũng như những nỗ lực bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng và phát triển nông nghiệp xanh và có trách nhiệm. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, hệ thống giao thông công cộng đang trong quá trình chuyển đổi xanh với hệ thống xe buýt được thay thế bằng xe điện.
Đánh giá về thành tựu nhân quyền và phát triển con người, ông Whittaker cho rằng ở Việt Nam, quyền con người không những được bảo vệ mà còn được phát triển ở mức cao nhất có thể. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động và Quốc hội cao nhất. Việt Nam cũng có thành tích ấn tượng về đại diện lao động với hoạt động của các tổ chức công đoàn và luật lao động.
Ông Whittaker cho biết Việt Nam cũng đảm bảo quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân, với nhiều đền, chùa, nhà thờ và các cơ sở tín ngưỡng được xây dựng như một phần của các cộng đồng dân cư. Ông chia sẻ rằng ông rất ấn tượng trước quy mô, vẻ đẹp và vai trò của các đền, chùa Phật giáo, nhà thờ Thiên chúa giáo và Hồi giáo trong các cộng đồng ông từng đến thăm ở Việt Nam.
Ông Whitter cho rằng việc thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của người lao động, quyền tự do tín ngưỡng là minh chứng cho thấy Việt Nam không chỉ có luật nhân quyền mạnh mẽ mà còn tập trung đảm bảo việc thực hiện các quyền mà người dân được trao.
Bàn về thành tựu đối ngoại của Việt Nam, ông Whittaker cho biết Việt Nam đã tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống trong khi không ngừng phát triển quan hệ quốc tế và thương mại, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với 193 nước, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu khi nhậm chức rằng Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống và các nước lớn.
Theo học giả Anh, phát triển quan hệ quốc tế đồng nghĩa Việt Nam thúc đẩy thương mại với các đối tác như Trung Quốc và Mỹ trong khi tăng cường các dự án trao đổi với các đồng chí và bạn bè truyền thống như Lào và Cuba. Việt Nam cũng đóng vai trò tích cực trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế như Liên hợp quốc, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Ủy ban sông Mekong và Phong trào Không liên kết, là thành viên tích cực trong các cuộc thảo luận xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), ủng hộ độc lập, tự do của người dân trên toàn thế giới.
Theo ông Whittaker, với trường phái “ngoại giao cây tre” với “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, Việt Nam đã thể hiện đường lối then chốt, theo đó thiết lập các quan hệ đối tác mới trong khi duy trì an ninh, độc lập, tự do của Nhà nước Việt Nam, đồng thời thể hiện mối liên hệ với nhân dân, “lấy dân làm gốc”.
Ông kết luận Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với những nền tảng kinh tế-xã hội đạt được nhờ tuân thủ nguyên tắc nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, trong đó người dân là trung tâm và có quyền làm chủ đối với đất nước, giúp thúc đẩy phát triển con người, đất nước và Đảng, phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản./.
Minh Hợp