Huyện biên giới Mường Tè quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo
Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã sử dụng nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất ngành giáo dục tại huyện Mường Tè. Nhờ đó, diện mạo ngành giáo dục đã thay đổi rõ nét, từng bước đáp ứng tốt công tác dạy và học tại các điểm trường, trường học khu vực biên giới phía Bắc.
6 phòng học bộ môn của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Mù Cả, huyện Mường Tè sẽ được đưa vào sử dụng giữa tháng 11/2024.
Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Đầu tư nhiều công trình mới

Tại xã biên giới Mù Cả, công trình 6 phòng học bộ môn, bể nước, sân trường và các hạng mục phụ trợ đang được gấp rút hoàn thiện để kịp bàn giao cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Mù Cả vào giữa tháng 11/2024. Đây là công trình thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng mức đầu tư gần 4 tỷ đồng. Công trình đưa vào sử dụng sẽ giúp thầy cô và học sinh nhà trường được giảng dạy, học tập trong môi trường khang trang, đầy đủ.

Thầy giáo Trần Quang Dũng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Mù Cả cho biết, nhà trường có 235 học sinh. Năm nay, được đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất nên thầy cô giáo rất phấn khởi, an tâm công tác. Các học sinh sắp được học trong những phòng học mới, khang trang nên rất thích. Hiện tại chỉ còn một số hạng mục đang dở dang như: Sân trường, lắp lan can, trang trí... Khi xong, trường sẽ đưa các hạng mục này vào hoạt động.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè năm nay làm chủ đầu tư sửa chữa 7 công trình tại các trường học trên địa bàn với tổng số tiền đầu tư gần 7 tỷ đồng. Hiện đã bàn giao 2 công trình cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Tà Tổng (xã Tà Tổng), trường Mầm non Pa Vệ Sủ (xã Pa Vệ Sủ).

Năm 2024, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình trường học đã được thi công mới hoặc nâng cấp trên địa bàn huyện Mường Tè.
Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Năm 2024, Ban Quản lý công trình dự án phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè đang làm chủ đầu tư 6 dự án thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho ngành giáo dục. Trong đó, có 1 dự án trị giá gần 5,3 tỷ đồng xây dựng các hạng mục như: 12 phòng bán trú, bể nước, nhà vệ sinh… đã đưa vào sử dụng cho Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Pa Vệ Sủ. 5 công trình còn lại đang thi công sẽ bàn giao đúng tiến độ với nguồn vốn hơn 9 tỷ đồng.

Bên cạnh nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn cân đối ngân sách huyện với tổng mức đầu tư 9,5 tỷ đồng cho 3 dự án đã bàn giao và đang thi công. Ông Phạm Xuân Đô, Phó Giám đốc Ban Quản lý công trình dự án phát triển kinh tế - xã hội huyện Mường Tè cho biết, những năm qua, nhờ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, tỉnh và huyện, nhiều dự án xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho ngành giáo dục được quan tâm. Đặc biệt, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới những nơi khó khăn được ưu tiên triển khai. Những công trình do đơn vị quản lý, làm chủ đầu tư đã cùng với nhà thầu, đơn vị thi công nỗ lực khắc phục khó khăn, vướng mắc để hoàn thành đúng tiến độ công trình, đưa vào sử dụng hiệu quả.

Dành nhiều nguồn lực

Một trong những công trình giáo dục được đầu tư lớn tại huyện Mường Tè là dự án xây dựng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Pa Ủ với tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư. Đây là nguồn vốn từ ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kết hợp với vốn đối ứng ngân sách địa phương.

Công trình dự án Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học Cơ sở Pa Ủ với tổng mức đầu tư 35 tỉ đồng sẽ được bàn giao cuối năm 2024.
Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Công trình gồm các hạng mục: Nhà lớp học 3 tầng với 12 phòng, nhà ở bán trú 3 tầng với 19 phòng và các hạng mục phụ trợ khác (đường bê tông lên trường; bể nước 225m3; san nền; cổng, tường rào; kè bê tông ta-luy âm, kè ốp mái; sân đường nội bộ; hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống cấp điện ngoài nhà, cây xanh…). Công trình được khởi công vào tháng 8/2023 và dự kiến sẽ được bàn giao vào tháng 12/2024.

Ông Đoàn Văn Trọng, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các Công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Lai Châu cho biết, đây là công trình nằm ở khu vực biên giới, xa trung tâm huyện, gặp nhiều khó khăn về giao thông chia cắt, mùa mưa kéo dài, việc vận chuyển thiết bị cũng khó khăn… nhưng các nhà thầu, đơn vị thi công đã nỗ lực vượt khó hoàn thành công trình kịp tiến độ. Đến thời điểm này, công trình cơ bản hoàn thành và chuẩn bị bàn giao.

Mường Tè là một huyện khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngành giáo dục có rất nhiều điểm trường, trường học nằm ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng khó khăn. Vì thế, Trung ương, tỉnh, huyện luôn dành nhiều nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục nơi đây.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè, hiện tổng số phòng học trên địa bàn huyện là 882 phòng học, trong đó 665 phòng học kiên cố, 206 phòng học bán kiên cố, 11 phòng học tạm; phòng công vụ có 194 phòng, trong đó, có 93 phòng kiên cố, 91 phòng bán kiên cố, 10 phòng tạm. Tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học đạt hơn 75%, phòng công vụ đạt gần 48%.

Năm 2024, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, nhiều công trình trường học đã được thi công mới hoặc nâng cấp trên địa bàn huyện Mường Tè.
Ảnh: Nguyễn Oanh - TTXVN

Đây là nỗ lực rất lớn trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục Mường Tè. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục huyện cần được quan tâm hơn nữa, cần thêm nhiều nguồn lực và huy động được xã hội hóa để cùng thực hiện, từng bước giảm bớt khoảng cách giữa vùng cao như Mường Tè nói riêng và Lai Châu nói chung so với các vùng miền xuôi. Cơ sở vật chất tốt, khang trang sẽ góp phần quan trọng để công tác giảng dạy, học tập của thầy cô, học sinh đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao dân trí vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mới đây, tại Hội nghị Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt quyết tâm thực hiện mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030. Để thực hiện được mục tiêu này, các bộ, ngành cần quan tâm đặc biệt đến những tỉnh khó như Lai Châu do nguồn thu ngân sách của tỉnh rất thấp, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế./.

Tin liên quan

Tuần lễ học tập suốt đời 1 - 7/10/2024: Phát huy tinh thần tự học

Giáo dục nhà trường chỉ là một phần, một giai đoạn ngắn trong toàn bộ cuộc đời của mỗi con người. Trong xã hội phát triển không ngừng nghỉ như hiện nay, mỗi cá nhân muốn tồn tại và phát triển cần có cơ hội và khả năng tự học tập, trau dồi kiến thức liên tục để bắt kịp xu thế thời đại, không trở nên lạc hậu hay bị bỏ lại phía sau.

Hiệu quả bước đầu trong thí điểm học bạ số

Thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số trong giáo dục nói riêng, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thí điểm học bạ số ở cấp tiểu học, tiến tới triển khai ở tất cả các cấp học. Qua triển khai thí điểm tại 63 địa phương trên cả nước, áp dụng cho năm học 2023 - 2024, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Có thể thấy, học bạ số là giải pháp tối ưu để quản lý học bạ một cách thống nhất, khoa học, tiết kiệm chi phí và thời gian.

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định phân công đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Quyết định số 1616-QĐNS/TW ngày 25/10/2024 của Bộ Chính trị phân công đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương giữ chức Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và tặng hoa chúc mừng Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú.

Kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu

Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Bắc, gây thiệt hại nghiêm trọng và tác động lớn tới đời sống của người dân, hạ tầng đường sá, sản xuất nông nghiệp, các ngành, lĩnh vực kinh tế... Bão qua đi để lại những bài học về kinh nghiệm ứng phó, cùng với đó là các giải pháp bền vững và dài hạn để chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Đây là những giải pháp, hành động cần có theo tinh thần Kết luận số 81-KL/TW ngày 4/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư

Ngày 25/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Lễ trao Quyết định phân công đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảm nhiệm chức danh Thường trực Ban Bí thư thay đồng chí Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chủ trì Lễ trao Quyết định. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư cùng đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng.

Các vấn đề cơ bản cần chú ý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Phần 1)

Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” viết tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã viết: "Để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi tiếp tục phải đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và xử lý hài hòa mối quan hệ Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ và phát huy vị trí, vai trò của từng nhân tố này trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó cần chú ý các vấn đề cơ bản...". Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng ta là Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Đặc thù của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là biện pháp, cách thức để thực hiện thành công mục tiêu của Đảng ta đã được xác định trong Điều lệ Đảng: "xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản".

Các vấn đề cơ bản cần chú ý trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Phần 2)

Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” viết tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng phát huy dân chủ để Nhân dân tham gia hoạt động quản lý Nhà nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, bộ máy nhà nước được tổ chức khoa học, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Hoạt động công vụ phải bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, thực hiện quyền hạn theo chức trách, thẩm quyền, có sự thanh tra, kiểm tra chặt chẽ.