Kiến nghị giao Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, giải pháp đề xuất tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1/7/2024 có tác động tích cực là cơ bản, toàn diện, hợp lý, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. 
Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Chiều 25/6, theo chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

* Tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngày 21/6, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 83-KL/TW thống nhất chủ trương để Chính phủ báo cáo Quốc hội triển khai thực hiện cải cách tiền lương.

Về việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1/7/2024, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết 27-NQ/TW, gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% từ ngày 1/7/2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1/1/2025).

Đối với khu vực công, thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết 27 đã rõ, đủ điều kiện thực hiện gồm: Một là, hoàn thiện chế độ nâng lương. Hai là, bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1/7/2024 (bằng 10% quỹ lương cơ bản), gắn với đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc, tạo được động lực làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.

Ba là, quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, gồm từ nguồn tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang; nguồn ngân sách Trung ương; một phần nguồn thu sự nghiệp; từ 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên và nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Theo đó, quy định và hướng dẫn rõ 4 nội dung, gồm: Thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức; thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao; mở rộng thí điểm tiền lương tăng thêm đối với các địa phương đã tự cân đối được ngân sách; cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập phù hợp với nguồn kinh phí ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.

Với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công, gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới, báo cáo cho thấy, do phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng; đồng thời, phải xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ nhiều quy định hiện hành liên quan đến mức lương cơ sở.

Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 với 3 nội dung sau: Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Cho nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý. Thực hiện bảo lưu tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng; có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%). Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, giải pháp đề xuất tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1/7/2024 có tác động tích cực là cơ bản, toàn diện, hợp lý, hiệu quả.

* Sửa đổi, bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. 
Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Chính phủ kiến nghị Quốc hội thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết 27. Thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương. Đồng thời, giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương, bổ sung chế độ tiền thưởng, quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương, hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; giao Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1/7/2024 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay).

Đối với các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp; thực hiện bảo lưu phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ ngày 1/7/2024 sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù.

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ các cơ chế này thì thực hiện mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù từ ngày 1/7/2024 bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6/2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1/7/2024 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 theo hướng tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.

Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp tăng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp.

Trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).

Chính phủ sớm báo cáo Ban Chấp hành Trung ương về việc mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách Trung ương và địa phương để chi cho việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội, chính sách an sinh xã hội và tinh giản biên chế.

Căn cứ Kết luận của Bộ Chính trị, Chính phủ đề nghị đưa các nội dung trên vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

* Quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh trình bày cho thấy, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực để thể chế hóa Nghị quyết 27 và các nghị quyết của Đảng có liên quan.

Người dân nhận tiền tại điểm chi trả Nhà văn hóa khu dân cư số 3A-3B Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 
Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Trên cơ sở những khó khăn, bất cập được nhận diện khi thực hiện đầy đủ, đồng bộ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết 27, Ủy ban Xã hội thống nhất với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.

Ủy ban Xã hội thấy rằng, nội dung đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 1/7/2024 đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW. Theo đó, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công. Hiện nay, Chính phủ cũng đang quyết tâm, tích cực ban hành văn bản để bảo đảm thực hiện các nội dung này từ 1/7/2024.

Tuy nhiên, với những vấn đề mới, phức tạp, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để có cơ sở triển khai áp dụng, nhất là với quy định bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản và giao người đứng đầu xây dựng quy định chế độ tiền thưởng gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đối tượng thuộc phạm vi quản lý và “tránh trùng lặp với quy định của Luật Thi đua, khen thưởng” như Kết luận số 83-KL/TW đã nêu.

Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công chưa thực hiện là xây dựng bảng lương mới và cơ cấu sắp xếp lại thành 9 loại phụ cấp theo yêu cầu Nghị quyết 27, Ủy ban Xã hội, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản nhất trí việc trước mắt thực hiện 3 giải pháp để tăng lương khu vực công từ ngày 1/7/2024 như thể hiện tại báo cáo của Chính phủ.

“Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, Ủy ban Xã hội thấy rằng, đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc”, bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thúy Anh, cùng với việc tăng lương cơ sở, đề nghị Chính phủ quan tâm các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách; tăng cường thực hiện các biện pháp kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát khác, bảo đảm chỉ tiêu tăng CPI bình quân năm 2024 và cả giai đoạn 2021-2026 mà Quốc hội giao.

Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang giá dịch vụ sự nghiệp công; cần có cơ chế cấp bù ngân sách khi giá dịch vụ công thiết yếu chưa kịp điều chỉnh so với mức lương mới để các đơn vị thực hiện tự chủ chi thường xuyên cân đối được thu - chi và có tích luỹ; bảo đảm quyền tự chủ thực chất khi thực hiện tự chủ tài chính.

Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng thống nhất với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024. Đồng thời, Ủy ban Xã hội kiến nghị Chính phủ định kỳ rà soát, xem xét nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để từng bước tiến tới bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn và sớm thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết số 42-NQ/TW và Nghị quyết số 108/2023/QH15.

Chính phủ xem xét quy định mức trợ cấp hưu trí xã hội mới được bổ sung trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, một cách thỏa đáng và ở mức hợp lý để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tính toán, trình bổ sung trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 để triển khai thực hiện.

Bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị Chính phủ bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung thuộc thẩm quyền theo chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW, hướng tới mục tiêu cao nhất là cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Do việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội là vấn đề lớn, quan trọng, có tác động sâu sắc trong toàn xã hội, Chính phủ cần tăng cường công tác truyền thông để người có công, người hưởng lương hưu, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân hiểu đúng về chính sách và tạo sự đồng thuận xã hội khi tổ chức thực hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Phòng chống gian lận thi cử thời công nghệ cao

Tình trạng gian lận thi cử xảy ra trong thời gian qua, nhất là khi việc sử dụng thiết bị công nghệ cao ngày càng tinh vi đã đặt ra đòi hỏi việc phòng, chống gian lận thi cử càng phải chặt chẽ hơn.

Loại trừ cá độ bóng đá trên không gian mạng

Với những người đam mê môn túc cầu, tháng 6 là tháng "ăn ngủ cùng trái bóng tròn" với những diễn biến hấp dẫn của các trận đấu tại Giải vô địch bóng đá châu Âu (EURO 2024). Mới chớm vòng đấu bảng, nhưng trên không gian mạng đã tràn ngập những hình ảnh, thông tin về các hình thức cá độ và một số vụ có quy mô lớn (cả về số người và số lượng tiền tham gia) đã được cơ quan công an ngăn chặn, triệt phá.