Năm 2025, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển bền vững cho thương mại điện tử.
Trụ sở Bộ Công Thương. Ảnh: Đức Hạnh/BNEWS/TTXVN

Bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2025, cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về thương mại điện tử. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển bền vững cho thương mại điện tử.

Ngoài ra, cục tiếp tục phát triển thương mại điện tử bền vững, thương mại điện tử xanh, giảm thiểu tác động môi trường; thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đặc biệt, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển thương mại điện tử và hỗ trợ chuyển đổi số cho chợ truyền thống.

Bên cạnh đó, cục tăng cường quản lý nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật; chủ động thúc đẩy việc ứng dụng AI trong quản lý và vận hành, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số ngành công thương. Mặt khác, thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu chung, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả với đơn vị khác.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, năm 2024, thương mại điện tử vẫn sẽ tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ. Đáng lưu ý, Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới.

Ở trong nước, thương mại điện tử Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng từ 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Đặc biệt, tỷ trọng thương mại điện tử chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam cũng là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.

Tuy nhiên, báo cáo của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã chỉ ra rằng, năm 2023, thương mại điện tử ở Việt Nam sử dụng 332.000 tấn bao bì; trong đó, khối lượng bao bì nhựa các loại là 171.000 tấn. Tới năm 2030, khi quy mô thương mại điện tử đạt gần 100 tỷ USD, nếu không có giải pháp mạnh mẽ về đóng gói hàng hóa, khi đó, lượng rác thải nhựa từ lĩnh vực này sẽ lên tới 800.000 tấn.

Báo cáo "Phát triển thương mại điện tử với bảo vệ môi trường" do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam công bố cũng cho thấy, trong năm 2024, có tới 80% người tiêu dùng trực tuyến đánh giá thương mại điện tử gây ra tác động xấu hoặc rất xấu tới môi trường. Bên cạnh đó, 21% cho rằng thương mại điện tử gây ra tác động xấu tới môi trường hơn thương mại truyền thống. Thế nhưng, nhiều khách hàng vẫn chưa chọn giải pháp thân thiện với môi trường được cung cấp trên sàn thương mại điện tử hay website bán hàng vì phải trả thêm tiền.

Theo nhận định của chuyên gia, trong lĩnh vực bán lẻ thương mại điện tử hai khâu chính của logistics tác động xấu tới môi trường gồm giao hàng (liên quan đến xe cộ chạy trên đường thải lượng lớn khí carbon) và đóng gói (hộp carton, bao bì nilon, màng xốp hơi, hộp xốp, đồ nhựa dùng một lần).

Những tác động xấu này còn ở mức độ cao hơn trong trường hợp giao hàng siêu tốc. Bởi vậy, việc chuyển đổi theo hướng logistics xanh, giảm tác động trực tiếp đến môi trường, giảm thiểu lượng khí thải nhà kính và nhiều chất gây ô nhiễm khác, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững là bài toán các ngành chức năng cần phải giải quyết.

Bà Lê Hoàng Oanh cho hay, chuyển đổi logistics xanh trong thương mại điện tử không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là con đường phát triển bền vững và mạnh mẽ. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm lợi ích lâu dài, bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa và đáp ứng xu thế chung của toàn cầu.

Khảo sát cho thấy, có tới 79% khách hàng trực tuyến cho rằng nhà nước cần nhanh chóng ban hành và phổ biến chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường trong thương mại điện tử. Ngoài ra, 71% đề xuất doanh nghiệp và thương nhân bán hàng trực tuyến phải công bố lựa chọn thân thiện môi trường để khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định. Bên cạnh đó, 61% người tiêu dùng gợi ý tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong mua sắm trực tuyến.

Mới đây Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành công thương 2024 với chủ đề "Thúc đẩy chuyến đổi số, chuyến đổi xanh hướng tới phát triển bền vững nhằm khuyến nghị giải pháp đẩy mạnh Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số ngành công thương lĩnh vực năng lượng, sản xuất thông minh, thương mại điện tử và logistics. Ngoài ra, tiếp tục xây dựng thị trường thương mại điện tử bền vững, thu hẹp khoảng cách số, tăng tính liên kết vùng, chú trọng yếu tố môi trường./.

Tin liên quan

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Singapore lớn nhất

Phóng viên TTXVN tại Singapore dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết tình hình thương mại trong tháng 11 vừa qua của nước này với thế giới ghi nhận tín hiệu tích cực khi cả 3 chỉ tiêu tổng kim ngạch hai chiều và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều tăng trưởng dương. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Singapore trong tháng 11 tiếp tục mạch tăng trưởng tích cực (tăng 31,32%), giữ vững tốc độ tăng trưởng 11 tháng của năm 2024 ở mức 32,11% so với cùng kỳ năm 2023, giúp Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Singapore lớn nhất (32,11%); tiếp theo là Đài Loan (Trung Quốc) với 26,7% và Ấn Độ (23,86%).

Việt Nam có thể là trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Canada

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, trong chiến lược tìm kiếm thị trường ngoài Mỹ, Canada đã lựa chọn sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm chế biến để mở rộng xuất khẩu sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động sản xuất và thương mại tại khu vực này. Chiến lược nói trên hiện đang được Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada (EDC) tập trung triển khai tại Đông Nam Á, đặc biệt là ở một số quốc gia có các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với Canada. Trong chiến lược này, Việt Nam nổi lên như một điểm đến đáng chú ý khi Việt Nam được các doanh nghiệp Canada coi là cửa ngõ để vào Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cũng nằm trong số vài nước ASEAN có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với Canada và đặc biệt là Việt Nam đang được coi là nơi có thể tiếp nhận cả đầu tư sản xuất để xuất khẩu tiếp sang các thị trường khác của Canada.

Tin cùng chuyên mục

Xây dựng cơ sở dữ liệu bảo vệ sản xuất trong nước

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3649/QĐ-BCT phê duyệt Đề án Xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành sản xuất trong nước nhằm nâng cao năng lực điều tra phòng vệ thương mại và theo dõi hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2025-2030.

Quản trị chuỗi cung ứng, tăng sức cạnh tranh cho gỗ Việt

Trong bối cảnh, ngày càng nhiều thị trường ban hành quy định pháp luật về gỗ hợp pháp; trong đó có các quốc gia nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp cế biến gỗ cần phải tăng cường quản trị chuỗi cung ứng, gắn với các tiêu chuẩn xanh, bền vững quốc tế để giảm rủi ro thương mại, nâng cao sức cạnh tranh của gỗ Việt.

Kinh tế Việt Nam năm 2024: Tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra

Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, năm 2024 nền kinh tế nước ta đạt mức tăng trưởng 7,09%, vượt mục tiêu 6-6,5% đã đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2024 tăng 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38,23 tỷ USD, giảm 3,0% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024: 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD

Năm 2024, có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đó là các mặt hàng: Điện tử, máy tính và linh kiện (72,584 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện (53,892 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (52,192 tỷ USD)...

Năm 2024: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 8,4%

Năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4% so với năm 2023, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,6% (năm 2023 tăng 1,5%),; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 9,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 10,7% và ngành khai khoáng giảm 6,5%.

Năm 2024, vốn thực hiện các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cao kỷ lục

Tính đến hết năm 2024, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2023, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 38,23 tỷ USD.