Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, mở đầu bài báo, tác giả cho biết, vào mỗi buổi chiều tối, trước Nhà hát múa rối nước Thăng Long bên hồ Hoàn Kiếm trong khu phố cổ Hà Nội lại có rất đông du khách, trong đó có rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tập trung đến đây. Họ đều có cùng một tâm trạng háo hức, chờ đợi được xem màn múa rối nước sắp diễn ra với sự trân trọng những nét tinh hoa dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền gần một nghìn năm nay.
Bài viết miêu tả, khi khán giả đã yên vị, cùng với tiếng sáo trúc du dương và tiếng trống hòa nhịp, đập vào mắt khán giả là một sân khấu nhỏ được dựng lên ở giữa một cái ao hình vuông sâu chừng nửa mét, khi ánh đèn trong rạp hát đồng loạt sáng lên, trên mặt nước một tòa cung điện xanh vàng rực rỡ với những hình rồng cuộn mây được điêu khắc trên mái hiên sừng sững hiện ra.
Tấm màn che với màu sắc tươi sáng thêu hình mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao được nhẹ nhàng mở ra, sau đó các võ sĩ cổ xưa tay cầm ô và giương cao ngọn rìu xuất hiện trên sân khấu, xung quanh là các hoàng tử và tướng lĩnh. Ở một bên, một con rồng nước dài vài mét vừa “gầm thét” vừa phun lửa, màn biểu diễn đã nhận được những tràng pháo tay, cổ vũ không ngớt của khán giả.
Múa rối nước được người dân địa phương trìu mến gọi là “Những câu truyện cổ tích dưới nước”. Theo tìm hiểu của tác giả, loại hình nghệ thuật này đã có từ khoảng một nghìn năm nay. Múa rối nước lần đầu tiên xuất hiện ở miền Bắc Việt Nam, đến thời nhà Lý ở Việt Nam, múa rối nước đã có mô hình biểu diễn tương đối hoàn chỉnh và được giới quý tộc vô cùng yêu thích. Loại hình nghệ thuật này đã trở thành một phần quan trọng trong các lễ hội cung đình hàng năm. Sau khi được các nghệ nhân nghệ thuật lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, kỹ thuật trình diễn múa rối nước không ngừng được phong phú hóa và dần trở thành một kho tàng văn hóa nghệ thuật quan trọng của Việt Nam.
Đề tài của múa rối nước Việt Nam rất đa dạng, từ các tiết mục kinh điển có thể thấy trong những câu chuyện lịch sử, thần thoại như “Múa Tiên”, “Long Hổ Đấu”, cũng như “Đua thuyền rồng” và “Mừng bội thu”…, phản ánh đời sống sản xuất hàng ngày của người dân. Với sự phát triển của thời đại, các hoạt động biểu diễn múa rối nước cũng đã kết hợp các yếu tố văn hóa phương Tây và các vở kịch liên quan như “Vịt con xấu xí” và “Công chúa Bạch Tuyết”…, đã ra đời. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, dù là truyền thuyết lịch sử hay hiện đại, thì thông qua bàn tay biểu diễn của các nghệ nhân, nội dung cuối cùng luôn xoay quanh các chủ đề hướng con người luôn làm điều tốt, giúp đỡ người khác khi gặp hoạn nạn và làm việc chăm chỉ để có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Múa rối nước tái hiện một cách nghệ thuật những khung cảnh nông thôn tươi đẹp và thanh bình của Việt Nam, đồng thời chắt lọc những nỗi nhớ dân tộc yên bình, giản dị qua quá trình phát triển của truyền thống hàng nghìn năm. Cho đến ngày nay, dù ở các làng quê miền núi phía Bắc hay các thành phố cảng phía Nam, các vở múa rối nước vẫn toát lên sức hấp dẫn nghệ thuật bất diệt.
Nhà hát múa rối nước Việt Nam, Nhà hát múa rối nước Thăng Long Hà Nội và Nhà hát múa rối nước Thành phố Hồ Chí Minh được gọi là “Bộ ba của đội tuyển quốc gia” của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Ba nhà hát này biểu diễn quanh năm phục vụ nhân dân trong nước và du khách nước ngoài.
Ngoài ra, nhiều người đam mê dân gian đã tự phát tổ chức biểu diễn, nhất là ở các vùng nông thôn, múa rối nước là phần không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về và trong các lễ hội ở địa phương, xoa dịu tâm hồn biết bao người con xa quê khi về thăm quê hương. Với sự phát triển của thời đại, các địa điểm biểu diễn dần chuyển từ ao hồ sang những địa điểm có cơ sở vật chất hoàn thiện hơn. Ngày xưa, khi còn tương đối thô sơ, lạc hậu, người ta thường xây dựng Thủy đình ở giữa ao để biểu diễn rối nước. Chỉ cần một bức rèm để chia ao hồ thành hai, và các cảnh quan như núi non, sông nước, vườn cấm và cung điện… sẽ được thiết kế theo nhu cầu của cốt truyện.
Ngày nay, nhiều vùng nông thôn xa xôi ở Việt Nam vẫn còn lưu giữ và bảo tồn được những Thủy Đình đã trải qua bao thăng trầm của cuộc sống. Một học giả Việt Nam khi trao đổi với tác giả bài viết, cho biết dù thời đại phát triển nhanh chóng, các thế hệ người Việt rời bỏ quê hương đi nơi khác làm ăn, nhưng họ không bao giờ quên được quê hương, không thể quên từng gốc cây ngọn cỏ ở quê hương. Nhiều người đã nỗ lực bảo tồn và ghi lại những yếu tố của cuộc sống quê hương ngày xưa, cũng như những người dân làng bảo vệ Thủy Đình và những nghệ nhân dân gian tự nguyện truyền nghề múa rối nước. Họ đã để nỗi nhớ quê hương sâu đậm trong tình cảm dân tộc Việt Nam tiếp tục chảy trong những màn múa rối nước dân gian./.
Công Tuyên