Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân chia sẻ nhiều tâm tư về phát triển cộng đồng doanh nghiệp. |
Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN |
Nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thông tấn xã Việt Nam đã cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về những sáng kiến giúp xây dựng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh trong tình hình mới.
Phóng viên: Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Mặc dù, Chính phủ đã nỗ lực chăm lo sức khỏe của doanh nghiệp, song thực tiễn chứng minh, cộng đồng doanh nghiệp Việt vẫn chưa phát huy hết khả năng và tiềm lực của mình. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thân: Tại Việt Nam đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp; có thương hiệu vươn ra thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như Viettel, PVN, Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát, TH...
Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ...
Với gần 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần đang hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực nhưng chủ yếu lớn lên nhờ bất động sản nên tính cạnh tranh chưa cao. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước nên rất cần những chính sách hỗ trợ đặc thù để họ tập trung pháp triển một lĩnh vực, ngành nghề mũi nhọn. Cụ thể như: Tập đoàn SunGroup chuyên về phát triển du lịch, Tập đoàn Hòa Phát chuyên phát triển ngành thép, Tập đoàn Vingroup chuyên về phát triển xe điện....
Cùng với các ông lớn, đối tượng quan trọng nhất trong kết nối là lực lượng doanh nghiệp vừa với khoảng 30.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 4% và con số này quả thực không hề nhỏ. Họ là những doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng và điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất kinh doanh khá chuyên nghiệp.
Để gia tăng số lượng "đàn sếu" này của nền kinh tế, để kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội rất mong muốn Chính phủ cũng sẽ tập trung hơn nữa nhiều chính sách hỗ trợ cho lực lượng doanh nghiệp vừa. Bởi lẽ, trong xu hướng hội nhập hiện nay, cơ hội trước mắt ngày càng rộng mở, Việt Nam đang dần trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu; đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Xu hướng chuyển đổi xanh và phát triển trên toàn cầu cũng mở thêm nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra ở nhiều nơi; tiêu dùng và đầu tư toàn cầu vẫn chưa phục hồi tích cực; vấn đề bảo hộ và phòng vệ thương mại vẫn có dấu hiệu gia tăng... rất đông doanh nghiệp. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang nhiều áp lực, khó thể hiện được tối đa năng lực, sở trường của chính mình.
Phóng viên: Để củng cố sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, nhiều ý kiến cho rằng, cần tập trung vào đội ngũ kinh doanh siêu nhỏ, đang hoạt động ở mô hình kinh tế hộ gia đình, quan điểm của ông thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thân: Cả nước đang có 5 triệu hộ kinh doanh, đông gấp 6 lần tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Trong khi đó, quy định về đối tượng này chỉ được dành 1 phần trong Luật Doanh nghiệp, điều này là rất thiệt thòi đối với họ. Chúng tôi từng kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh; trong đó, "chính thức hóa" việc chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Như vậy, cần có các tiêu chí và định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được, phải chuyển đổi thành doanh nghiệp; cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng và lãi suất.... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.
Phóng viên: Kinh tế số đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu và hiệp hội đang kiến nghị Chính phủ thông qua việc phát triển thị trường tiền số. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Thân: Trong xu hướng số hóa nền kinh tế, nhiều nước phát triển đã triển khai và thúc đẩy mẽ thị trường tài chính, thị trường vốn, mà cụ thể là thị trường tiền số. Dù Việt Nam hiện chưa cho phép vận hành thị trường này nhưng rất nhiều nhà đầu tư, gồm cả giới chuyên nghiệp lẫn người dân vẫn tham gia đông đảo ở các sàn tiền số trên thế giới. Lượng tiền lưu thông trong thị trường này lên đến hàng trăm tỷ USD và là kênh huy động vốn rất hiệu quả của nhiều dự án công nghệ. Chúng tôi vẫn chờ đợi việc thông qua và triển khai thị trường này, đáp ứng lòng mong mỏi của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nêu chủ trương: “chuyển đổi số là động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Cùng đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số. Theo tôi, có lẽ, cần phải có Quỹ thu hút nhân tài để phục vụ phát phát triển đất nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!