Nhìn lại năm 2024: Những thành quả ấn tượng trong hành trình giảm nghèo bền vững
Các chủ trương, biện pháp giảm nghèo mới không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin.


Người dân xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trồng tre Bát Độ từ nguồn được hỗ trợ. 
Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân là một chủ trương, mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta. Toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và mọi tầng lớp nhân dân đều đặc biệt quan tâm và tập trung thực hiện nhiệm vụ này với định hướng đặt ra là phải phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về giảm nghèo. Năm 2024, Việt Nam tiếp tục có những kết quả tích cực trong công cuộc giảm nghèo.

* Đổi thay xã nghèo ở biên giới

Xã Mường Sai cách trung tâm huyện Sông Mã (tỉnh Sơn La) hơn 40km về phía Nam. Mường Sai có 12 bản, với hơn 1.000 hộ và trên 5.000 nhân khẩu, có 4 dân tộc Thái, Kinh, H'Mông, Xinh Mun cùng sinh sống. Đường về Mường Sai hiện nay thuận lợi hơn những năm trước rất nhiều nhờ giao thông được đầu tư xây dựng; nhờ đó, học sinh đi học thuận lợi, nhân dân chuyên chở hàng nông sản cũng dễ dàng. Anh Lò Văn Loãn (dân tộc Thái) ở bản Nà Hò vui vẻ nói, đời sống của gia đình anh đã khấm khá hơn trước. Giờ đây, không chỉ hộ của anh mà nhiều người trong bản đều nghĩ cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng “để làm sao có thêm thu nhập”.

Suy nghĩ của anh Lò Văn Loãn cũng chính là điển hình về ý chí thoát nghèo vươn lên ở bản Nà Hó. Khoảng 10 năm trước, nhận thấy gắn bó với cây ngô, cây lúa nhưng thu nhập chẳng là bao, cuộc sống cũng không khá lên được, anh Lò Văn Loãn quyết định lựa chọn cây nhãn với tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao hơn, cùng với nhiều điều kiện hỗ trợ thuận lợi từ địa phương. Năm 2014, người đàn ông dân tộc Thái này trồng hơn 100 gốc nhãn. Nhưng do trồng theo phong trào tự phát nên cây chưa đạt năng suất tối ưu, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, có năm cây không ra quả hoặc quả nhỏ, không bán được, đầu ra sản phẩm lại không ổn định, giá cả giao động mạnh.

Bà Cà Thị Móng tại bản Pảng, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La chăm sóc đàn bò của gia đình. 
Ảnh: Quang Quyết - TTXVN

“Sau khi được cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, năng suất vườn nhãn của tôi đã cải thiện đáng kể. Ở đây, nhiều hộ cũng đã thoát nghèo và có cuộc sống dư giả từ việc bán nhãn”, anh Lò Văn Loãn nhớ lại.

Theo anh Lò Văn Loãn, sau thời gian gắn bó với cây nhãn, gia đình anh đã tìm tòi và phát triển sản phẩm theo quy trình VietGAP. Tất cả khâu chăm sóc, bón phân đều có nhật ký ghi chép lại đầy đủ. Nhờ cách làm hay này, vườn nhãn cho quả to đều và mọng nước. Mỗi năm anh thu hoạch được hàng chục tấn nhãn tươi, giá cả bán ra tùy theo thị trường. “Mấy năm nay cuộc sống của gia đình tôi đã khá hẳn lên. Tôi đã xây được nhà mới, mua được ô tô tải, ô tô con” anh Lò Văn Loãn khoe.

Trao đổi về hành trình giảm nghèo của các hộ dân trên địa bàn, ông Lưu Văn Cường, Chủ tịch Ủy ban xã Mường Sai cho hay, xã biên giới này còn có nhiều mô hình khác như mô hình nuôi dê, mô hình trồng mận… mang lại hiệu quả rất rõ rệt, giúp cải thiện đời sống kinh tế cho các hộ nghèo, cận nghèo.

“Năm 2022, xã có trên 300 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30% thì năm 2023, xã chỉ còn có 99 hộ nghèo và cận nghèo, tức là giảm xuống còn dưới 10%. Trong xã đã có nhiều hộ tính toán làm giàu, xây nhà lớn”, ông Lưu Văn Cường nhấn mạnh.

Nhìn nhận về những nỗ lực giảm nghèo ở Sơn La, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La Lò Minh Hùng cho hay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 đã đem lại những đổi thay, tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của hộ nghèo, người nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn.

Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 21,66% thì đến cuối năm 2024 đã giảm xuống còn 11,11%. Cùng thời gian này, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ 21,34%, giảm xuống còn 10,9%. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo giảm bình quân 5% mỗi năm. Dự kiến đến hết năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 8,1% và có 4 huyện sẽ thoát nghèo.

* Không để ai bị bỏ lại phía sau

Nhìn vào bức tranh tổng thể, Sơn La là một trong những điểm sáng của cả nước trong hành trình giảm nghèo. Việc “thay da, đổi thịt” của nhiều địa phương trên toàn quốc thời gian qua, đặc biệt trong năm 2024, đã phản ánh sinh động sự nhất quán, chung sức, đồng lòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân vì người nghèo với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Mô hình hỗ trợ con giống giảm nghèo bền vững của Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang được nhân rộng, giúp các hộ nghèo có động lực phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. 
Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Các chủ trương, biện pháp giảm nghèo mới do Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng các địa phương đưa ra ngày càng chú trọng mục tiêu không chỉ giúp hộ nghèo đủ cơm ăn, áo mặc mà còn bảo đảm để người dân tiếp cận bình đẳng, đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin. Hàng loạt chính sách hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững được triển khai, thực hiện. Trong đó, trọng tâm là các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ đây, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt qua hoàn cảnh khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống theo chuẩn nghèo đa chiều mới.

Như chia sẻ của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, thời gian qua, ngành đã tập trung triển khai thực hiện nhiều chính sách đặc thù, nhất là về an sinh xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô. Năm 2024, Hà Nội đã đạt được một số kết quả nổi bật, như giải quyết việc làm cho hơn 225.000 lao động, vượt 36,9% so với kế hoạch đề ra, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho hơn 70.000 người, giảm 10% so với năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp toàn Hà Nội là 1,7%.

“Đến nay, Hà Nội không còn hộ nghèo, chỉ còn 0,04% hộ cận nghèo”, bà Bạch Liên Hương nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách về giảm nghèo; phân bổ đủ vốn năm 2024 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cho các địa phương. Bên cạnh đó, tham mưu cho Chính phủ tổ chức Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, đến nay đã huy động trên 5.000 tỷ đồng; tham gia thành viên sáng lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo (tại Hội nghị G20).

Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 26%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn dưới 13,5%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao; có 10 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn và 1 huyện nghèo thoát nghèo.

Giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.

Nhấn mạnh những thành tích trong lĩnh vực giảm nghèo thời gian qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng khẳng định: Trong bối cảnh đất nước tập trung phát triển kinh tế, những thành tựu đáng khích lệ về giảm nghèo đã thể hiện rõ ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, người dân trong giảm nghèo, chăm lo đối tượng yếu thế, tinh thần tương thân, tương ái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Nguy cơ từ những chai rượu không rõ nguồn gốc

Các hoạt động gặp gỡ, liên hoan là một thông lệ được tổ chức ở mọi nơi mỗi dịp chia tay năm cũ, chào đón năm mới. Đó cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng các loại đồ uống có cồn tăng vọt song đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ về ngộ độc do rượu kém chất lượng, không bảo đảm an toàn hoặc không rõ nguồn gốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đối thoại với nông dân

Sáng 31/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 với chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại Trụ sở Chính phủ, trực tuyến với điểm cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng số hơn hơn 4.500 đại biểu tham dự.

Hiệu quả hợp tác quốc phòng Việt Nam - Lào đối với sự ổn định, ấm no của hai nước

Sáng 30/12, tại trụ sở Bộ Quốc phòng Lào ở thủ đô Viêng Chăn, Bộ Quốc phòng Lào đã long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024). Tham dự sự kiện có Thượng tướng Khamlieng Outhakaysone, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm; đại diện Văn phòng Tuỳ viên Quốc phòng Việt Nam tại Lào, cùng đông đảo các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội nhân dân Lào.

Đại sứ các nước ASEAN tại Cuba đánh giá cao vai trò của Việt Nam

Ngày 30/12, Đại sứ các nước Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar và Malaysia đánh giá cao vai trò của Việt Nam khi đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Ủy ban Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Cuba (ACHC) trong 6 tháng cuối năm 2024 trong việc tăng cường quan hệ nội khối và với nước sở tại.

Những thách thức từ bức tranh dân số Việt Nam

Mức sinh thấp, chênh lệch giới tính, chênh lệch tỷ lệ sinh giữa các vùng miền và già hóa dân số đang nổi lên là những thách thức lớn đối với bức tranh dân số Việt Nam. Khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng người trẻ trong độ tuổi lao động cũng giảm theo, trong khi số người cao tuổi lại tăng nhanh khiến giai đoạn “dân số vàng” kết thúc sớm, việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trở nên khó khăn hơn. Đây chính là bài toán phức tạp mà Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra lời giải để đảm bảo một tương lai bền vững và thịnh vượng cho các thế hệ mai sau.

Nhận diện: Luận điệu xuyên tạc, hạ uy tín khi Việt Nam tiếp tục ứng cử Hội đồng Nhân quyền

Vừa qua, phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tổ chức lễ công bố Việt Nam tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026-2028. Việc tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2026 – 2028 khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế, cũng như sự ghi nhận đối với thành tựu và đóng góp của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người. Tuy nhiên, ngay sau tuyên bố của đại diện Việt Nam, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội của các tổ chức thù địch, phản động lưu vong đã tung ra nhiều bài viết công kích, xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền Việt Nam.