Phát huy giá trị khu di tích Đại danh y Lê Hữu Trác
Việc UNESCO vinh danh Đại danh y Lê Hữu Trác là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của ông đối với xã hội, cộng đồng.
Bên trong khuôn viên Di tích Khu mộ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở Hương Sơn, Hà Tĩnh.
 Ảnh: TTXVN phát

Nằm cách thành phố Hà Tĩnh 70km về phía Tây, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Hải Thượng Lãn Ông ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông (1724-2024), khu di tích đã thu hút đông đảo người dân, các thế hệ thầy thuốc đến dâng hương, tri ân, tưởng nhớ ông tổ của nghề y.

Hải Thượng Lãn Ông sinh ngày 10/11/1724. Ông tên thật là Lê Hữu Trác, quê cha tại thôn Văn Xá, làng Lưu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh).

Được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ đặt nền móng vững chắc cho y học cổ truyền nước nhà mà còn lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc ra cộng đồng quốc tế, khẳng định tầm vóc của ông trong lịch sử y học trong nước và thế giới.

Sau khi mất, Đại danh y Lê Hữu Trác được nhân dân và giới y học cả nước suy tôn là bậc “Y thánh của Việt Nam”. Ngày 21/11/2023, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Đại Hội đồng UNESCO vinh danh Đại danh y Lê Hữu Trác. 
Ảnh: Ngọc Hiệp/TTXVN

Việc UNESCO vinh danh Đại danh y Lê Hữu Trác là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của ông đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn “sống vì mọi người” và tinh thần “học tập suốt đời” - những giá trị mà tổ chức đang thúc đẩy. Việc Nghị quyết được toàn thể thành viên UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng nhất những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.

Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bao gồm khu mộ và tượng đài tại thôn Hải Thượng (xã Sơn Trung); nhà thờ và khu tưởng niệm tại thôn Bảo Thượng. Khu mộ và tượng đài có diện tích 45.000m2 với 48 hạng mục, gồm: mộ đá Hải Thượng Lãn Ông; nhà phương đình; nhà đón tiếp; vườn cây; đường lát đá lên tượng đài dài 629m với 231 bậc tam cấp, 51 hệ thống chiếu nghỉ; tượng đài Lê Hữu Trác bằng đá cẩm thạch; bình phong đá cẩm thạch nguyên khối nặng 17 tấn; nhà khách; sân lễ hội...

Khu mộ nằm dưới chân núi Minh Tự (xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn), là nơi yên nghỉ của Đại danh y Lê Hữu Trác từ khi mất đến nay. Tuy đã có một số lần trùng tu, tôn tạo nhưng vị trí mộ, hướng mộ, hình thức mộ không thay đổi. Nếu nhìn từ trên cao xuống, mộ giống như một cánh diều nằm giữa núi rừng bao la, thanh bình, yên tĩnh.

Nằm trong khuôn viên khu mộ còn có tượng đài Lê Hữu Trác được làm bằng đá cẩm thạch cao 16,91m, nặng 350 tấn. Tượng đài được xây dựng trên ngọn núi Minh Tự, nơi gắn liền với cuộc đời làm thuốc, vui thú cảnh núi rừng Hương Sơn của Hải Thượng Lãn Ông.

Cách khu mộ về hướng Tây 7km là nhà thờ và khu tưởng niệm Lê Hữu Trác thuộc thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm, nằm sát bên bờ sông Ngàn Phố. Xưa kia, đây là chốn thâm sơn cùng cốc nhưng lại có phong cảnh hữu tình, người dân sống hòa thuận cùng nhau bên nếp nhà tranh. Khu vực này có diện tích xây dựng 13.500m2 với 18 hạng mục công trình gồm: nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông; nhà đón tiếp; sân hành lễ; nhà bia; vườn đào, vườn cây ăn quả...

Di tích Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông ở xã Quang Diệm ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. 
Ảnh: TTXVN phát

Nhà thờ Lê Hữu Trác (thượng điện trong khu tưởng niệm) là nơi gắn bó gần như cả cuộc đời của Lê Hữu Trác. Đây cũng chính là nơi ông đã sinh sống, nghỉ ngơi, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Trong khuôn viên nhà thờ và khu tưởng niệm còn có núi Giả và hồ Sen, nơi Lê Hữu Trác dùng để quan sát hướng gió, bắt mạch chữa bệnh và là nơi lưu giữ, bảo quản các loại thuốc quý khi có thiên tai, lũ lụt. Cũng trên đỉnh núi Giả, Hải Thượng Lãn Ông đã cho con cháu thả diều và dặn dò diều rơi ở đâu thì an táng ông ở đó.

Nhà thờ và khu tưởng niệm Hải Thượng Lãn Ông đang lưu giữ một số tư liệu, hiện vật được phục dựng như: dụng cụ bào chế thuốc, diều sáo, bản sách thuốc Hải Thượng Lãn Ông toàn thư, sách Y gia tâm lĩnh, Hải Thượng Y tông tâm lĩnh...

Những tư liệu, hiện vật này vô cùng quý giá, hữu ích cho công tác nghiên cứu về Lê Hữu Trác nói riêng, cũng như nghiên cứu về y học cổ truyền nói chung.

Quần thể di tích Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Năm 2003, Bộ Y tế đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo quần thể di tích và giao cho Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 10/2004 đến tháng 2/2013 hoàn thành và bàn giao cho UBND huyện Hương Sơn quản lý, khai thác.

Ngày 26/11/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1473/QĐ-TTg xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đợt 16 với 6 di tích trong toàn quốc, trong đó có di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác.

Những ngày này, tại di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác có hàng trăm đoàn khách đến dâng hương tưởng nhớ Đại danh y. Chị Nguyễn Thị Lành (người dân xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn) chia sẻ: Hằng năm, vào dịp Rằm tháng Giêng Âm lịch – ngày mất của Đại danh y và ngày sinh của cụ, nhân dân trong vùng đều đến thắp hương tưởng nhớ, tri ân. Năm nay đặc biệt hơn là dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của cụ Lê Hữu Trác. Người dân vô cùng tự hào vì trên quê hương có một danh y lỗi lạc.

Mỗi dịp Rằm tháng Giêng Âm lịch hay Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác lại trở thành "địa chỉ đỏ" không thể thiếu trong chuyến hành hương về nguồn của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Họ đến để tưởng nhớ, tri ân trước công lao, đóng góp to lớn của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đối với nền y học, văn hóa nước nhà và thế giới.

Thầy thuốc ưu tú Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh bày tỏ: Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã để lại cho hậu thế những di sản quý giá về y học, văn hóa và là tấm gương mẫu mực cho các thế hệ thầy thuốc. Chúng tôi nguyện suốt đời học tập, noi theo, tiếp tục kế thừa, bảo tồn và phát triển sự nghiệp mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân./.


Tin liên quan

"Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế" là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 23/11/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”. Di sản được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO vinh danh ngày 8/5/2024.  

25 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới: Dấu ấn di sản và hành trình bảo tồn

Cách đây 25 năm, ngày 4/12/1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ngay từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nhiều chương trình bảo tồn quy mô lớn đã được thực hiện tại Đô thị cổ Hội An. Công tác trùng tu di tích luôn là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược bảo tồn. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là hoàn thành 100% công tác tu bổ các di tích xuống cấp, lập hồ sơ khoa học đầy đủ cho tất cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tới năm 2035, Hội An mở rộng vùng bảo vệ di sản, bảo đảm tính toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của đô thị cổ. Sở hữu phong cảnh tươi đẹp, kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa đặc sắc, Hội An luôn là điểm đến hấp dẫn được du khách yêu thích và được nhiều tạp chí, tổ chức uy tín công nhận.  

30 năm Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh): Phát triển các sản phẩm du lịch xứng tầm Di sản

Cách đây 30 năm, ngày 17/12/1994, tại Thái Lan, lần đầu tiên Vịnh Hạ Long của Việt Nam được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Đây là "bước chân" đầu tiên, mở đường cho những danh hiệu nổi bật mà Vịnh Hạ Long được vinh danh sau này như: Di sản thiên nhiên thế giới với giá trị về địa chất, địa mạo, Di tích quốc gia đặc biệt, 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới, Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới liên tỉnh - thành phố đầu tiên ở Việt Nam…30 năm qua, Vịnh Hạ Long đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Quảng Ninh, góp phần quan trọng đưa du lịch trở thành một trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, là cầu nối trong quan hệ đối ngoại giữa Quảng Ninh, Việt Nam với bạn bè, đối tác quốc tế.

Tin cùng chuyên mục

Tiền Giang giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,87%

Tiền Giang phấn đấu tạo thêm công ăn việc làm cho khoảng 20.000 lao động, đưa 550 lao động đi làm việc ở nước ngoài, giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%.

Tạo chuyển biến mạnh từ "học tập" sang "làm theo" Bác

Học và làm theo Bác, các cấp ủy, địa phương, cơ quan tại Lào Cai đã có nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, mang lại lợi ích cho nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nền tảng bước vào kỷ nguyên mới

Nghị quyết 57-NQ/TW không chỉ là một chiến lược nhằm thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, mà còn định hình nền tảng phát triển dài hạn cho dân tộc Việt Nam.

Yên Bái nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Mơ ước về một ngôi nhà kiên cố để bảo vệ gia đình khỏi thiên tai với nhiều người vẫn còn là điều xa vời. Song với sự hỗ trợ của Nhà nước và tỉnh Yên Bái, giấc mơ của nhiều người dân dần trở thành hiện thực.

Hội nghị Quân chính toàn quân 2024

Sáng 26/12, tại Hà Nội, Quân uỷ Trung ương - Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị Quân chính toàn quân đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2025. Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường dự chỉ đạo Hội nghị.

Nâng tầm giá trị Việt Nam

Tháng 11/2024, chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” lần đầu đến Mỹ Latinh, để lại những hình ảnh ấn tượng về các em nhỏ Brazil thích thú khám phá nghệ thuật múa rối nước độc đáo của Việt Nam ngay tại “xứ Samba”. Người dân quốc gia vùng Vịnh Saudi Arabia (Ảrập Xêút) cũng lần đầu tiên được trải nghiệm không gian văn hóa nhiệt đới ngay giữa vùng đất sa mạc. Những em nhỏ vụng về trong lần đầu nặn tò he, thích thú xem nghệ nhân Việt Nam tạo hình chú lạc đà đặc trưng của sa mạc Trung Đông. Đây có lẽ là những minh chứng sống động nhất về ý nghĩa của ngoại giao văn hóa, vừa giúp quảng bá những nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam ra toàn cầu vừa tiếp thu tinh hoa và giá trị văn hóa thế giới.

Đưa chính sách vào cuộc sống, khơi thông cho phát triển

Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đồng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.