Các đại biểu quốc tế trải nghiệm các phương pháp khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền Việt Nam tại Chương trình “Ngày tìm hiểu về Việt Nam” do Bộ Ngoại giao tổ chức. Ảnh: Minh Hoàng - TTXVN
Trưng bày giới thiệu cây thuốc dược liệu, sản phẩm thuốc, khu vực điều chế thuốc Đông y, … nhằm tôn vinh nghề thuốc Đông y cổ truyền Việt Nam tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Bốc thuốc đông y tại Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Đinh Hằng – TTXVN
Trường đại học Y Dược Cần Thơ đào tạo cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Mô hình ngâm tắm lá thuốc nam gắn với du lịch cộng đồng của người Dao đỏ tại thôn Sải Duần, xã Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai) được du khách quan tâm, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân tộc và phát triển kinh tế địa phương. Ảnh: Lục Hương Thu - TTXVN
Tư vấn miễn phí, kiểm tra sức khoẻ theo phương pháp y học cổ truyền trong chuỗi hoạt động quảng bá hình ảnh phố nghề Lãn Ông, một trong những điểm đến hấp dẫn cho người dân Thủ đô và du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Đoàn Công Vũ-TTXVN phát
Bác sĩ thực hiện kỹ thuật cấy chỉ điều trị cho bệnh nhân tai biến tại Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN
Với niềm đam mê y học cổ truyền, nhận thấy nguồn thảo dược quý hiếm của núi rừng Tây Bắc và Đông Bắc, chị Trịnh Thị Bích Linh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc điều hành Công ty CP Thiên nhiên OM (huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã sử dụng các loại thảo dược hữu cơ để sản xuất mỹ phẩm với mong muốn mang đến giải pháp an toàn, lành tính cho phụ nữ. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN
Chăm sóc cây dược liệu tại Hà Giang. Ảnh: Minh Tâm - TTXVN
Sâm Ngọc Linh được xem là dược liệu quý đang trồng tại các vườn ươm ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: Cao Nguyên-TTXVN
Công ty TNHH Vạn Xuân (xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất đông dược tiên phong đạt chuẩn GMP theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Thu hoạch lá trầu, một trong những trải nghiệm thú vị với du khách tại làng trầu Vị Thủy. Tỉnh Hậu Giang đang xây dựng làng trầu trở thành điểm du lịch nổi bật bằng những trải nghiệm như tái hiện hoạt cảnh sự tích Trầu Cau, trải nghiệm têm trầu theo nhiều phong cách, dịch vụ y học chữa bệnh với dược liệu từ cây trầu,... Ảnh: Duy Khương – TTXVN
Cụm công trình nghiên cứu cây Trinh Nữ Hoàng Cung (Crinum latifolium L) của Công ty TNHH Thiên Dược được tiến hành trong hơn 20 năm (từ 1990) để tạo ra sản phẩm thuốc mới - Viên nang Crila điều trị bệnh phì đại lành tính tuyến tiền liệt và u xơ tử cung an toàn, chất lượng và hiệu quả. Trong ảnh: Phơi cây Trinh Nữ Hoàng Cung để đưa vào chế biến. Ảnh: TTXVN phát
Hợp tác xã nông nghiệp Yên Trị (Yên Thủy, Hòa Bình) đầu tư dây chuyền hiện đại, sản xuất nhiều sản phẩm cao thảo dược chất lượng cao: Cao cà gai, cao dạ cẩm, cao giảo cổ lam... Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN
Đến khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Trạm Tấu ở thị trấn Trạm Tấu (Yên Bái), du khách có thể vừa ngắm toàn cảnh ruộng bậc thang và tận hưởng không khí trong lành của miền Tây Bắc. Ảnh: Việt Dũng - TTXVN
Lương y Triệu Thị Hòa, dân tộc Dao ở thôn Yên Sơn, xã Ba Vì (Hà Nội) hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc nam điều trị bệnh. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN
Phát triển du lịch y dược cổ truyền - tiềm năng chờ được khai thác
Với nền y học cổ truyền lâu đời, chữa bệnh hiệu quả cùng sự đa dạng các loại thảo dược bản địa quý, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, nhất là các sản phẩm du lịch y dược cổ truyền. Theo thống kê, Việt Nam đang sở hữu khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng có giá trị sử dụng cao trong chữa bệnh, điều dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Cùng với đó là hơn 5.000 loài thực vật và nấm, hơn 400 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Đây chính là nguồn tài nguyên vô giá để phát triển ngành công nghiệp dược liệu và y học cổ truyền, phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và du khách. Ảnh: TTXVN