Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Tiếp tục các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô
Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sắp tới, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong điều hành chính sách tiền tệ, tăng khả năng thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế thế giới và trong nước để kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, góp phần nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà

Đó là chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà với phóng viên TTXVN về điều hành chính sách tiền tệ nhân dịp Xuân 2025.

Phóng viên: Nhìn lại năm 2024, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đạt hiệu quả trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2024 cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định thị trường tài chính. Xin Phó Thống đốc chia sẻ thêm về điều này?

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Năm 2024 là năm bứt phá có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định thành công việc thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo đó, NHNN đã điều tiết thanh khoản thị trường tiền tệ linh hoạt, phù hợp, vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá, vừa ổn định thị trường tiền tệ; giữ nguyên các mức lãi suất điều hành của NHNN trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao; tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Trên thị trường ngoại tệ, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các "cú sốc" bên ngoài trong bối cảnh thị trường ngoại tệ và tỷ giá chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng.

Trong điều hành tín dụng, NHNN đã điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng khoảng 15% năm 2024, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tiễn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Cụ thể, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. Trong năm 2024, NHNN đã chủ động thực hiện 2 lần điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng vào ngày 28/8/2024 và ngày 28/11/2024 theo nguyên tắc cụ thể, đảm bảo công khai, minh bạch trong điều kiện lạm phát được kiểm soát tốt dưới mức mục tiêu để kịp thời đáp ứng vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy trong môi trường quốc tế biến động, kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, Việt Nam có độ mở lớn và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng điều hành chính sách tiền tệ vẫn thực hiện được những nhiệm vụ chính trị đặt ra, tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ, ngoại tệ, tín dụng tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Kết quả này đã hỗ trợ thực hiện thành công các mục tiêu vĩ mô năm 2024 gồm tăng trưởng kinh tế 7,09%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5% và kiểm soát lạm phát ổn định ở mức 3,63% so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.

Phóng viên: Trong năm 2024, bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, NHNN đã điều hành tỷ giá và điều chỉnh lãi suất ra sao để hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định thị trường tài chính, thưa Phó Thống đốc?

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Năm 2024, bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động phức tạp. Ngoại trừ giai đoạn quý III áp lực đồng USD giảm bớt do lạm phát thế giới giảm rõ ràng hơn, theo đó là các tín hiệu rõ hơn về xu hướng giảm lãi suất toàn cầu; trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ - Fed thì trong giai đoạn nửa đầu năm và từ đầu tháng 10/2024 đến nay, áp lực quốc tế lên lãi suất, tỷ giá trong nước luôn ở mức cao, xuất phát từ các yếu tố khó lường như điều hành chính sách tiền tệ của Fed, bầu cử Tổng thống Mỹ, căng thẳng địa chính trị…, đồng USD quốc tế biến động nhanh, có những giai đoạn tăng mạnh, gây áp lực mất giá lên các đồng tiền, cộng hưởng với những áp lực từ trong nước như chênh lệch âm lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng trong một số thời điểm, cầu ngoại tệ cho nhập khẩu tăng cao...

Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, góp phần hấp thu các "cú sốc" bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn, bán can thiệp ngoại tệ khi cần thiết để hỗ trợ thanh khoản thị trường nhằm phục vụ các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế, bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến linh hoạt theo cả hai chiều tăng/giảm, phù hợp với điều kiện thị trường.

Đồng thời, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong năm 2024 sau khi giảm liên tục trong năm 2023 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm (nếu có) trên trang thông tin điện tử của ngân hàng nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, năm 2023 giảm hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022 và đến ngày 30/11/2024, giảm trên 0,4%/năm so với cuối năm 2023. Riêng 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm gần 1%. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định thị trường tài chính.

Phóng viên: Xin Phó Thống đốc cho biết thêm về định hướng chính sách tiền tệ của NHNN trong năm 2025, đặc biệt trong việc duy trì cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát?

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Năm 2025 được dự báo tiếp tục là một năm đầy thách thức khi kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều yếu tố bất định và tiềm ẩn rủi ro. Lạm phát toàn cầu giảm nhưng chưa bền vững và tiềm ẩn rủi ro áp lực tăng trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn. Giá cả hàng hóa thế giới biến động phức tạp do tác động của diễn biến địa chính trị phức tạp, xu hướng gia tăng về an ninh lương thực tại các quốc gia, tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan... Trong khi đó, kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế xuất phát từ nội tại của nền kinh tế như những khó khăn trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa thể giải quyết ngay. Sức hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế còn thấp khi nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng sản xuất do thiếu đơn hàng, giải thể, đóng cửa, sức khỏe tài chính giảm sút, đặc biệt là sau khi chịu tác động của đại dịch COVID-19, cùng với đó là xu hướng thắt chặt, cắt giảm chi tiêu của người dân...

Với những khó khăn, thách thức này, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN +3 (AMRO) đều nhận định dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện rất hạn hẹp và khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng dư địa tài khóa còn nhiều để hỗ trợ tăng trưởng.

Về phía NHNN, có thể thấy, mặc dù trong những năm qua, sự thành công trong điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu kiểm soát lạm phát đã nâng cao uy tín của NHNN cũng như neo giữ kỳ vọng lạm phát tương đối vững chắc, nhưng rủi ro lạm phát năm 2025 là không thể chủ quan, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều bất định. Việc đánh giá thấp rủi ro lạm phát, dẫn đến phản ứng chậm trong chính sách tiền tệ có thể dẫn đến hệ quả, tác động tiêu cực lên các hoạt động kinh tế. Theo đó, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 như Quốc hội, Chính phủ đề ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hướng tới phát triển kinh tế bền vững, hài hòa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, đảm bảo giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế.

Trong bối cảnh đó, công tác điều hành chính sách tiền tệ năm 2025 của NHNN sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, cơ bản sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ ưu tiên tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng; Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Phóng viên: Thời gian tới, Phó Thống đốc nhận định như thế nào về vai trò của ngành ngân hàng trong việc hỗ trợ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số?

Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà: Nhìn lại 40 năm đổi mới, đất nước đã giành được những thắng lợi to lớn, quy mô kinh tế đất nước tăng 96 lần, từ một nước nghèo và lạc hậu trở thành nước đứng vào nhóm 34 nền kinh tế có quy mô lớn nhất trên thế giới, khẳng định được cơ đồ và vị thế, trở thành đối tác hợp tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với các cường quốc khu vực và trên thế giới, tạo tiền đề vững chắc tiến vào kỷ nguyên mới. Trong 4 thập kỷ đó, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước, ngành ngân hàng đã đạt được kết quả toàn diện trên mọi mặt hoạt động, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối đến củng cố, phát triển an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, mở rộng hợp tác quốc tế, đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn nhu cầu vốn cho nền kinh tế...

Trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc sắp tới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra 7 nhiệm vụ lớn phải làm từ nay đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và trong kỷ nguyên mới; trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ để giải quyết 3 điểm nghẽn lớn về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Các nhiệm vụ này phải được tiến hành đồng bộ, nhưng nhiệm vụ đầu tiên phải làm cho chuyển biến ngay chính là thể chế, để từ đó có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, từ hạ tầng kinh tế đến hạ tầng xã hội, toàn Đảng, toàn dân một ý chí, một hành động để thực hiện.

Trong bối cảnh đó, ngành ngân hàng sẽ tiếp nối truyền thống suốt 70 năm hình thành và phát triển, tập trung vào những nhiệm vụ lớn sau:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tăng khả năng thích ứng với những biến động của môi trường kinh tế thế giới và trong nước để kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ hai, thực hiện tái cơ cấu và củng cố hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn và lành mạnh, hiệu quả, tiệm cận tới các chuẩn mực quốc tế, để thực hiện tốt hơn vai trò chu chuyển vốn và nâng cao tính minh bạch trong nền kinh tế.

Thứ ba, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ tư, phát triển và đa dạng hoá các loại hình dịch vụ, tăng cường đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ tiện ích cho doanh nghiệp và người dân, góp phần vào chủ trương thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số…

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!

Tin liên quan

Chuyên gia Australia: Các xếp hạng quốc tế phản ánh ấn tượng về tiến bộ kinh tế, xã hội của Việt Nam

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Australia, đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam năm 2024, Giáo sư danh dự Hal Hill của Trường Chính sách công Crawford, thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), cho rằng đà phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì và đã được công nhận trong Triển vọng Phát triển châu Á mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đây là một trong các ví dụ về các xếp hạng quốc tế cho thấy tiến bộ về kinh tế, xã hội của Việt Nam là rất ấn tượng.

Tin cùng chuyên mục

Động lực để Kon Tum bước vào kỷ nguyên mới

Sự đồng lòng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ các đề án, chương trình đã mang đến một “sức bật” lớn cho kinh tế Kon Tum trong năm 2025, chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2026 – 2030 đầy kỳ vọng.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Nghị quyết 57 sẽ tạo bước đột phá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa, Tổng Bí thư Tô Lâm kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, đưa Nghị quyết 57 nhanh chóng vào cuộc sống.

Giữ mùa xuân biên giới bình yên

Những người lính "quân hàm xanh” Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tiếp tục giữ gìn sự bình yên, tươi đẹp cho mùa Xuân biên giới Tây Nam Tổ quốc, để mọi người, mọi nhà đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ấm áp, nghĩa tình, an lành, hạnh phúc.

Ngân hàng UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 lên 7%

Với kết quả tăng trưởng tích cực trong năm 2024, UOB nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên 7%, thay vì mức 6,6% trước đó. Quyết định đưa ra sau khi nền kinh tế tăng trưởng 7,09% năm ngoái, vượt xa mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu chính thức 6,5%.  

8 nhiệm vụ, giải pháp giúp đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Hà Nội, ngày 13/1/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị và nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá: thống nhất nhận thức và hành động; phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách; khẩn trương sắp xếp lại bộ máy về khoa học công nghệ; ưu tiên bố trí ngân sách cho KHCN xứng tầm là quốc sách đột phá; nhanh chóng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm công nghệ số; tập trung mũi nhọn vào các ngành có lợi thế và tiềm năng, tránh dàn trải và đẩy mạnh hợp tác và tận dụng tri thức quốc tế.  

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện đột phá phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số

Để được mục tiêu Nghị quyết số 57-NQ/TW đề ra, Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện 7 nhiệm vụ.

Thưởng Tết Âm lịch năm 2025 cao nhất hơn 1,9 tỷ đồng

Tết Dương lịch năm nay gần Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung thưởng cho Tết Nguyên đán. Do đó, mức thưởng Tết Dương lịch bình quân chỉ là 1,46 triệu đồng/người, trong khi mức bình quân thưởng Tết Nguyên đán là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với năm 2024. Mức thưởng cao nhất cho Tết Dương và Tết Âm lần lượt là 1,8 tỷ đồng và 1,908 tỷ đồng, đều thuộc về nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh.  

Du lịch Tết Nguyên đán 2025: Lượng tìm kiếm chỗ ở của khách quốc tế tăng 139%

Mùa du lịch Tết Nguyên đán 2025 ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc của ngành du lịch trong nước, du lịch nước ngoài và du khách quốc tế đến Việt Nam. Lượng tìm kiếm chỗ ở từ khách quốc tế đến Việt Nam từ một số thị trường tăng mạnh mẽ tới gần 300%. Bên cạnh đó, Phú Quốc cũng trở thành lựa chọn điểm đến hàng đầu của du khách quốc tế trong năm 2025.  

Độc đáo du lịch làng nghề

Nhìn từ góc độ văn hóa, làng nghề, nghề thủ công là những di sản văn hóa cần được bảo tồn, phát huy giá trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có kinh tế du lịch. Từ nguyên liệu cho đến các công đoạn sáng tạo, làm nên sản phẩm hoặc quan niệm về tín ngưỡng, nhân sinh thể hiện qua sản phẩm cùng các nghi thức tôn vinh tổ nghề đều thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng cư dân làng nghề, có thể trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.