Nhiều huyện được nâng cấp lên thành quận và tiến tới xây dựng các thành phố xứng tầm ở ngoại đô. |
Ảnh minh họa: Văn Cảnh - TTXVN |
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo số liệu thống kê tính đến hết tháng 9 năm 2023, Hà Nội có dân số là 8.435.700 người; trong đó, dân cư sống tại khu vực thành thị là 4.138.500 người, chiếm khoảng 49,06% dân số toàn thành phố. Trong khi đó, dân cư sống tại khu vực nông thôn là 4.297.200 người, chiếm khoảng 50,94% tổng dân số. Có thể thấy, tỷ lệ dân số thành thị và nông thôn tại Hà Nội tương đối cân bằng, song nếu xét về mật độ dân số, khu vực thành thị có mật độ lên đến 9.343 người/km2, cao gấp 6,7 lần khu vực nông thôn (với chỉ 1.394 người/km2).
Trên thực tế, sự tương quan giữa phần đô thị và phần nông thôn trong cấu trúc thành phố vẫn đang là một vấn đề, khi tỷ lệ nông thôn vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Hà Nội hiện nay sau khi được mở rộng với việc hợp nhất toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và sáp nhập 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (Hòa Bình) có diện tích tự nhiên lên tới 334.470,02 ha, lớn gấp ba lần diện tích trước khi sát nhập; xếp thứ 17 về thủ đô trên thế giới có diện tích lớn nhất. Cấu trúc hành chính của Hà Nội hiện nay gồm 12 quận, 1 thị xã và 17 huyện.
Để phù hợp với đặc điểm, quy mô lãnh thổ, phân bố dân số và các định hướng phát triển của Thủ đô, Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 xác định cấu trúc đô thị thành phố Hà Nội theo mô hình mạng lưới đô thị bao gồm: 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 thị trấn sinh thái, 9 thị trấn huyện lỵ; duy trì các vùng nông thôn (hành lang xanh) là các vùng đệm giữa các đô thị hạn chế mở rộng đô thị theo mô hình "vết dầu loang" cải thiện môi trường sinh thái cho khu vực đô thị (tỷ lệ đất xây dựng đô thị chiếm 30% diện tích toàn thành phố).
Theo Kiến trúc sư Nguyễn Trọng Kỳ Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch Hà Nội, tại thời điểm nghiên cứu đồ án đã đề cập đến mô hình đô thị vệ tinh, tuy nhiên chưa được nghiên cứu, đồng bộ hóa với mô hình chính quyền đô thị và mô hình chính quyền nông thôn để làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch nhằm hiện thực hóa quy hoạch được duyệt.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, theo đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, đến nay một số mục tiêu còn chưa đạt được như: chưa hình thành cấu trúc đô thị vệ tinh, không đạt mục tiêu đô thị hóa; phân bổ dân số chưa hợp lý, chủ yếu tập trung vào đô thị trung tâm Nam sông Hồng; chưa có chính sách rõ ràng cho việc hình thành động lực kinh tế cho các đô thị vệ tinh; các phân khu đô thị không có chức năng rõ ràng, chưa khai thác được thế mạnh sẵn có, đặc thù của khu vực; hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không theo kịp tộc độ phát triển đô thị...
Sự phân bổ cấu trúc các ngành kinh tế không tương đồng với việc phát triển đô thị, từ đó gây ra các hệ lụy về bong bóng bất động sản và quy hoạch treo. Các khu vực sinh quyển, khu vực thoát lũ, khu vực cần bảo vệ chưa được quản lý tốt; chính sách di dời các trường cơ sở giáo dục và y tế chưa hiệu quả; khâu bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị truyền thống còn nhiều hạn chế; quản lý khu vực phát triển mới không tạo được động lực phân bổ dân số; không gian xanh, không gian ngầm, không gian công cộng chưa được đầu tư, quản lý, quan tâm thích đáng...
Để khắc phục các vấn đề tồn tại và bất cập nêu trên, hiện nay các cơ quan Trung ương cũng như Thành phố đang được từng bước giải quyết đồng bộ về hệ thống quy định của pháp luật và các quy hoạch có liên quan.
Ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh đánh giá, để xây dựng nên thành phố hiện đại cần phải được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. theo đánh giá mô hình Thành phố trong Thủ đô có nhiều nét ưu điểm như: Tăng cường kết nối kinh tế, mỗi một đô thị vệ tinh đóng vai trò như một trung tâm phát triển kinh tế, giúp tăng cường liên kết và thu hút đầu tư cho khu vực. Phân bố dân cư hợp lý, giảm bớt mật độ dân số tại khu vực trung tâm Hà Nội, tránh quá tải về hạ tầng giao thông và dịch vụ công cộng. Phát triển bền vững, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội trong khi vẫn thúc đẩy sự phát triển đô thị hiện đại và công nghệ cao ở các khu vực lân cận.
Cầu Nhật Tân được xây dựng có nhiều ý nghĩa quan trọng trong lưu thông phát triển kinh tế của Thủ đô. |
Ảnh: Phạm Tuấn Anh - TTXVN |
Nhìn ra thế giới, các chuyên gia đánh giá, thành phố Thượng Hải được phát triển hai bên sông Hoàng Phố; trong đó thành phố cũ ở phía Tây và thành phố mới nằm ở phía Đông với cấu trúc gồm 02 trung tâm lớn và 03 trung tâm phụ, dân số 11,4 triệu người (thành phố cũ 5,8 triệu người, thành phố mới 5,6 triệu người). Phố Đông là một điển hình về mô hình này, được phát triển như một khu vực kinh tế đặc biệt và là trung tâm tài chính của Trung Quốc, được quy hoạch riêng biệt và chức năng gần như độc lập so với khu vực trung tâm cũ của Thượng Hải.
Còn thành phố Seoul được phát triển hai bên sông Hàn trong đó thành phố cũ (Gang Buk) ở phía Bắc và thành phố mới (Gang Nam) nằm ở phía Nam với cấu trúc gồm 3 trung tâm lớn và 7 trung tâm phụ, dân số 9,4 triệu người (thành phố cũ 4,7 triệu người, thành phố mới 4,7 triệu người), Seoul đã phát triển một số khu đô thị vệ tinh xung quanh như Songdo hay Pangyo, nơi tập trung các doanh nghiệp công nghệ cao và tài chính, phát triển các lĩnh vực đặc thù giúp giảm áp lực lên trung tâm thành phố.
Cả 2 thành phố đều có đặc điểm là đô thị lớn đa cực, đa trung tâm, là mô hình xây dựng nhiều đô thị độc lập hoặc bán tự quản; cấu trúc của các đô thị này có đầy đủ cơ sở hạ tầng, hệ thống dịch vụ công cộng và hành chính với chức năng độc lập hoặc chia sẻ một phần chức năng với đô thị trung tâm với mục tiêu như khai thác và liên kết mạnh mẽ với đô thị cũ đã hình thành. Phát triển thành phố mới (các lĩnh vực phát triển mới) năng động cân bằng và hỗ trợ cho thành phố cổ, truyền thống và giàu văn hóa, lịch sử.
Cùng đó, phân tán mật độ dân cư và chức năng đô thị hợp lý hơn; xây dựng hệ sinh thái đô thị để cùng hỗ trợ phát triển, khai thác hiệu quả không gian hai bên sông. Thành phố mới có thế mạnh về khung chính sách thu hút nhân tài, đầu tư, hình thành động lực mạnh mẽ làm tiền đề cho một thành phố mới trẻ, giàu có, hiện đại, sáng tạo…
Xây dựng các đô thị vệ tinh với các mục tiêu ưu tiên để dễ dàng xây dựng chính sách ưu tiên và giảm tải cho thành phố trung tâm. Đảm bảo mỗi khu vực có sự phát triển cân đối, đặc thù, và chuyên biệt.
Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đánh giá, các dạng mô hình cấu trúc đô thị phù hợp với thành phố Hà Nội gồm mô hình phát triển trung tâm các thành phố lớn (dạng đa cực A) bao gồm các đô thị độc lập do chia cắt bởi địa hình tự nhiên, được liên kết mạnh bằng các hệ thống giao thông đô thị, giao thông công cộng. Bên cạnh đó là mô hình phát triển đô thị lớn và đô thị vệ tinh (dạng đa cực B) bao gồm đô thị trung tâm (đơn cực hoặc đa cực) và các đô thị vệ tinh được liên kết bằng các hệ thống giao thông đô thị, giao thông công cộng; các đô thị vệ tinh là các đô thị độc lập chia sẻ một phần chức năng với đô thị trung tâm.
Cấu trúc phát triển thành phố Hà Nội dựa trên mô hình phân vùng chức năng gắn với đơn vị hành chính gồm: Hình thành 5 khu vực phát triển đô thị tập trung theo mô hình vùng đô thị lớn (Vùng đô thị trung tâm, Vùng đô thị phía Đông (Long Biên – Gia Lâm); Vùng đô thị phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Vùng đô thị phía Tây và Vùng đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh (tương lai sẽ nâng cấp thành các thị xã, thành phố trực thuộc Thủ đô...) với các chức năng đô thị riêng biệt, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế, giáo dục, công nghiệp, và nghiên cứu, là tiền đề để hình thành các thị xã, thành phố trực thuộc Thủ đô trong tương lai.
Đô thị trung tâm Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mở rộng về phía Tây và phía Nam, giới hạn đến đê Tả Đáy và tỉnh lộ 427. Phát triển hành lang đô thị hai bên trục đường vành đai 4 để bổ trợ các chức năng về văn phòng, giáo dục, y tế, văn hóa, dịch vụ cho khu vực nội đô với trọng tâm là đô thị Hòa Lạc.
Về liên kết hạ tầng giao thông sẽ phát triển hệ thống giao thông đa dạng, bao gồm hệ thống đường vành đai như: Vành đai 3, 4 kết nối các khu vực. Hệ thống metro, tàu điện ngầm, liên kết trực tiếp giữa khu trung tâm và các thành phố vệ tinh. Các trục giao thông xuyên tâm, các tuyến cao tốc, cầu vượt giúp giảm thời gian di chuyển giữa trung tâm và các khu vực lân cận.
Đối với hạ tầng dịch vụ công cộng, các thành phố trong Thủ đô sẽ có hệ thống dịch vụ công cộng đầy đủ, bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm văn hóa, thể thao và các dịch vụ xã hội khác đáp ứng tiêu chí của đô thị loại I, II hoặc III./.