Sinh viên sáng chế máy ép vật liệu hữu cơ thay thế sản phẩm nhựa
Nhóm sinh viên Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng đã chế tạo “Máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện với môi trường” nhằm tạo ra sản phẩm dễ phân hủy, thay thế các vật dụng làm bằng nhựa.
Tiến sĩ Bùi Hệ Thống, giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật- Đại học Đà Nẵng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu hoàn thiện "Máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện môi trường". 
Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Trước tình trạng sản phẩm từ nhựa khó phân hủy ngày càng được người dân sử dụng rộng rãi, gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và sức khỏe con người, nhóm sinh viên của Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng đã chế tạo “Máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện với môi trường”, nhằm tạo ra các sản phẩm dễ phân hủy, thay thế các vật dụng làm bằng nhựa.

*Thúc đẩy lối sống xanh trong cộng đồng

Cận cảnh "Máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện môi trường".
 Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Sinh viên Lê Văn Tuấn, khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng chia sẻ: Rác thải nhựa và các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần là tác nhân gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Những sản phẩm này có thể tồn tại trong môi trường hàng chục, thậm chí hàng trăm năm trước khi phân hủy hoàn toàn, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất, nước và không khí.

Ngày nay người tiêu dùng có ý thức hơn về tác động của mình đến môi trường và có xu hướng lựa chọn các sản phẩm bền vững, góp phần giảm thiểu ô nhiễm. Điều này thúc đẩy nhu cầu về những sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên, có khả năng phân hủy sinh học, đặc biệt trong các nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Trước tình trạng này, việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm thay thế dần các vật dụng nhựa là một nhiệm vụ cấp thiết.

Xuất phát từ suy nghĩ trên, nhóm của Tuấn gồm: Đặng Hữu Tài, Mai Xuân Sơn, Phan Tấn Sang, Hồ Văn Lý (đều là sinh viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng), dưới sự hướng dẫn của Tiến sĩ Bùi Hệ Thống (Giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng) đã nghiên cứu “Thiết kế và chế tạo máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện với môi trường”

Theo Tiến sĩ Bùi Hệ Thống, việc nghiên cứu và thiết kế máy ép chén, đĩa từ vật liệu có sẵn như mo dừa, mo cau, lá chuối, lá sen, lá bàng… không chỉ giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm xanh, mà còn giúp phát triển kinh tế bền vững. Ngoài ra, nguồn nguyên liệu này rất dễ tìm kiếm ở các tỉnh miền Trung, vừa có chi phí thấp, vừa dễ dàng phân hủy sinh học, tạo ra chu trình tái sử dụng tài nguyên hiệu quả. Việc nghiên cứu, thiết kế và chế tạo “Máy ép chén - đĩa thân thiện với môi trường”, không chỉ cung cấp giải pháp công nghệ mà còn thúc đẩy lối sống xanh trong cộng đồng.

*Phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường

Cận cảnh "Máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện môi trường".
 Ảnh: Văn Dũng-TTXVN

Theo sinh viên Đặng Hữu Tài (thành viên nhóm nghiên cứu), các bộ phận của máy ép gồm: hệ thống sinh lực và điều khiển thủy lực, hệ thống gia nhiệt, hệ thống làm sạch bằng khí nén và khử khuẩn bằng tia cực tím (UV).

Khi khởi động máy, hệ thống gia nhiệt bắt đầu hoạt động, bộ điều khiển nhiệt sẽ tăng nhiệt độ khoảng 120-180 độ C trong khoảng thời gian 60-90 giây. Tiếp đến, máy sẽ làm sạch nguyên liệu bằng khí có áp suất cao, nhằm đẩy bụi bẩn ra bên ngoài. Sau đó, sản phẩm được định hình bằng máy thủy lực, piston tạo lực ép, cắt, kết hợp với nhiệt độ cao. Sản phẩm hoàn thành sẽ đưa vào hộp khử tia cực tím (UV).

Sinh viên Đặng Hữu Tài cho biết, khó khăn nhất trong quá trình chế tạo là nghiên cứu hệ thống tạo lực. Lực dập thực tế gồm nhiều lực để ép chặn phôi, biến dạng vật liệu, và thắng lực ma sát giữa vật liệu với khuôn trên và khuôn dưới… Qua một thời gian thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chọn hệ thống điều khiển thủy lực, nhằm tối ưu lực để tạo ra sản phẩm hoàn thiện.

Tiến sĩ Bùi Hệ Thống, giảng viên khoa Cơ khí, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật-Đại học Đà Nẵng cho biết, “Máy ép chén đĩa từ vật liệu thân thiện với môi trường” có thể sử dụng linh động để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng khác, tùy theo nhu cầu khách hàng. Hiện có một số nhà vườn, hộ nông dân đang quan tâm, mong muốn đặt hàng sản phẩm này. Trong thời gian tới, nhóm sẽ tiếp tục phát triển hoàn thiện hệ thống máy ép, nhằm phân phối sản phẩm rộng rãi ra thị trường, với mức giá thành phù hợp người tiêu dùng Việt Nam./.

Tin liên quan

Những lao động mê sáng chế, làm lợi hàng tỷ đồng - Bài 1: Ứng dụng công nghệ số hiệu quả

Xuất phát từ yêu cầu công việc hằng ngày, cộng với niềm say mê lao động, ý chí học hỏi, những tấm gương được chọn trao giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024 đều có phẩm chất tốt đẹp, là hạt nhân trong phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo, từ đó đóng góp và mang lại hiệu quả thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội hàng tỷ đồng.

Những lao động mê sáng chế, làm lợi hàng tỷ đồng - Bài cuối: Ươm những giống cây trồng công nghệ cao, mang lợi cho nông dân

Suốt 12 năm qua, những sáng kiến, cải tiến của anh Nguyễn Hoàng Duy Lưu, làm công việc ươm cây giống tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, không chỉ làm lợi cho đơn vị, mà còn giúp những nông dân ngoại thành tăng năng suất cây trồng.

Tin cùng chuyên mục

Sôi nổi cuộc tranh tài hùng biện tiếng Việt của học sinh, sinh viên Nhật Bản

Cuối tuần qua, tại trường Đại học Ngoại ngữ Kanda, tỉnh Chiba đã diễn ra cuộc thi hùng biện tiếng Việt của 21 học sinh, sinh viên đến từ 8 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đang đào tạo tiếng Việt trên khắp đất nước Nhật Bản. Đây thực sự là cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên Nhật Bản đang theo học tiếng Việt có thể giao lưu, gặp gỡ và nâng cao trình độ ngôn ngữ cũng như tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, qua đó phục vụ tốt cho việc học tập và định hướng nghề nghiệp sau này.

Khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường

Từ “ý tưởng” chế biến món muối chấm Amrêč, đặc sắc của đồng bào vùng Tây Nguyên, nhóm học sinh lớp 10 tại tỉnh Đắk Lắk đã hiện thực hóa thành dự án kinh doanh sản phẩm muối Amrêč. Sản phẩm được tạo nên từ những nguyên liệu sẵn có ở vùng đất đỏ bazan với ớt sim xanh đặc sản.

Đánh thức sáng tạo trong bóng tối

Dự án nghệ thuật “Sờ, Nặn, Bóp” là sáng kiến mang đến cho cộng đồng người khiếm thị một trải nghiệm nghệ thuật, mở ra cánh cửa giao tiếp và tương tác mới giữa người sáng tạo và người khiếm thị

Truyền dạy văn hóa Hrê cho thế hệ trẻ

Với mong muốn bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Hrê, tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian qua, chính quyền địa phương, cá nhân đã tích cực để truyền dạy cách đánh cồng chiêng, hát múa các làn điệu dân ca Ta lêu, Ca chôi cho thế hệ trẻ.