Thực thi các FTA thế hệ mới: 7 khuyến nghị về phòng vệ thương mại
Ngày 17/9, Bộ Công Thương tổ chức khai giảng Khóa đào tạo xây dựng đội ngũ chuyên gia về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cho các cơ quan quản lý, địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, từ đó hỗ trợ tận dụng tối đa các lợi ích từ việc thực thi các FTA.
Thực thi các FTA thế hệ mới: 7 khuyến nghị về phòng vệ thương mại
Ảnh minh họa: TTXVN

 Khóa đào tạo diễn ra trong 5 ngày, từ 17 - 21/9/2024 với sự tham gia của 50 học viên đến từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các viện, trường, trung tâm trên địa bàn Hà Nội, Điện Biên, Nam Định, Quảng Trị, Thái Nguyên, Yên Bái…

“Phòng vệ thương mại trong EVFTA và các FTA thế hệ mới” là chủ đề đầu tiên của khóa đào tạo, do báo cáo viên Nguyễn Việt Hà đến từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) trình bày. Phần chia sẻ của báo cáo viên đã cung cấp những thông tin cụ thể quy định về phòng vệ thương mại trong EVFTA và các FTA thế hệ mới đối với sản phẩm xuất khẩu; kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro về phòng vệ thương mại đối với sản phẩm xuất khẩu; cách thức xử lý rủi ro về phòng vệ thương mại; cách thức giải quyết vấn đề khi sản phẩm xuất khẩu bị áp biện pháp phòng vệ thương mại; các vấn đề thường gặp và cách thức xử lý…

Pháp luật phòng vệ thương mại tại Việt Nam được quy định tại Luật Quản lý ngoại thương 2017 (Chương IV về các biện pháp PVTM, Điều 67-Điều 99); Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; Thông tư số 42/2023/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại; các Thông tư hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại tại các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định EVFTA và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh.

Đánh giá chung về những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam những năm gần đây cho thấy, số lượng vụ việc điều tra tăng nhanh, đặc biệt là chống lẩn tránh. Giai đoạn 2001-2011 là 50 vụ nhưng giai đoạn 10 năm sau đó (2012-2022) là 172 vụ, tăng gần 3,5 lần. Cùng với đó, thị trường điều tra ngày càng mở rộng, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng; xu hướng điều tra khắt khe hơn; Phạm vi điều tra ngày càng mở rộng; mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường…

Báo cáo viên cho biết, quy định về phòng vệ thương mại trong EVFTA được quy định cụ thể tại Chương 3 của Hiệp định, với các quy định về thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng; các biện pháp tự vệ toàn cầu; điều khoản tự vệ song phương.

Một số điểm khác biệt về quy định phòng vệ thương mại trong EVFTA và pháp luật Việt Nam gồm việc bổ sung các cam kết chi tiết về đảm bảo tính minh bạch (tại Điều 3.2 và Điều 3.7); Quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại (tại Điều 3.4); Quy định về việc xem xét lợi ích công cộng khi quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp (Điều 3.3); Quy định về biện pháp tự vệ chuyển tiếp với thời gian chuyển tiếp có thể áp dụng là 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Báo cáo viên cho biết, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý. Bên cạnh đó, trao đổi với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến vụ việc và thống nhất phương án ứng phó.

Ngoài ra, tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/ thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể; trao đổi, tham vấn, đưa ra quan điểm về các khía cạnh pháp lý và thực tiễn với Cơ quan điều tra nước ngoài, đề nghị tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đặc biệt, xem xét khởi kiện các biện pháp phòng vệ thương mại của Cơ quan điều tra nước ngoài nếu có dấu hiệu vi phạm các quy định của WTO…

Theo Báo cáo viên, Cục Phòng vệ thương mại đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của gần 40 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo khoảng 10 mặt hàng (đã có các sản phẩm bị điều tra như gỗ dán, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men, tủ gốc, pin mặt trời, ghim dập…).

Nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại, đại diện Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị hiệp hội và doanh nghiệp quan tâm đến 7 vấn đề. Cụ thể, cân nhắc các rủi ro về phòng vệ thương mại để xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc canh tranh bằng giá.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán; nghiên cứu, hiểu về các nguyên tắc quy trình, thủ tục điều tra phòng vệ thương mại. Theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương. Chuẩn bị nguồn lực để kháng kiện trong trường hợp phát sinh. Mặt khác, xây dựng chiến lược kháng kiện rõ ràng, thống nhất từ đầu vụ việc; tham gia hợp tác đầy đủ với Cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại, Hiệp hội trong quá trình xử lý vụ việc.

Đặc biệt, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Liên quan đến Hiệp định EVFTA, khóa đào tạo để trở thành chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới (khóa cơ bản) của Bộ Công Thương sẽ đề cập đến những vấn đề khác như xúc tiến thương mại; các cam kết, quy định về sở hữu trí tuệ EVFTA; vấn đề lao động trong Hiệp định EVFTA./.

Tin cùng chuyên mục

Cứu trợ 'ba đúng'

“Đúng người, đúng thứ cần, đúng thời điểm” – là những yếu tố đảm bảo những chuyến hàng cứu trợ hay những món tiền từ thiện, mang được trọn vẹn nhất, hiệu quả nhất sự san sẻ và tình nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Đại hội quốc tế FIATA 2025

Theo tin từ Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Đại hội quốc tế FIATA (FIATA World Congress) năm 2025 (FWC 2025) - sự kiện của Liên đoàn các hiệp hội giao nhận quốc tế, đã được Bộ Công Thương cho phép tổ chức nhận được sự ủng hộ từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

79 năm Thông tấn xã Việt Nam: Những mốc son tự hào

Ngày 15/9/1945, bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam) được phát đi toàn thế giới bằng 3 thứ tiếng Việt, Pháp, Anh - đánh dấu sự ra đời của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam), hãng thông tấn đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Trải qua 79 năm phát triển (15/9/1945 - 15/9/2024), Thông tấn xã Việt Nam luôn thực hiện tốt chức năng thông tấn Nhà nước, cung cấp kịp thời thông tin trong nước, quốc tế cho hệ thống truyền thông trong và ngoài nước với nguồn tin chính thống được cập nhật liên tục.

Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 56

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 17/9, tại thủ đô Viêng Chăn, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 56 đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công Thương Lào Malaythong Kommasith, cùng các Bộ trưởng Kinh tế các nước thành viên ASEAN và Timor Leste.

TTXVN nhấn mạnh nguyên tắc đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Liên bang Nga, Đoàn Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) do Phó Tổng Giám đốc Đoàn Thị Tuyết Nhung dẫn đầu ngày 15/9 đã tham dự cuộc họp lần thứ 53 Ban chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương (OANA) để thảo luận về các khía cạnh đạo đức của truyền thông hiện đại, đặc biệt là trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MẠNH MẼ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG, YÊU CẦU CẤP BÁCH CỦA GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG MỚI

Ngày 16/9, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MẠNH MẼ PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO, CẦM QUYỀN CỦA ĐẢNG, YÊU CẦU CẤP BÁCH CỦA GIAI ĐOẠN CÁCH MẠNG MỚI”. Sau đây là nội dung bài viết: