Những thiếu nữ Hà Nhì ở huyện Mường Nhé. |
Ảnh: Trung Kiên - TTXVN |
Mường Nhé là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, có đường biên tiếp giáp hai nước bạn Lào và Trung Quốc, cũng là điểm cực Tây Bắc Tổ quốc, được mệnh danh nơi “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”. Đây cũng là một trong những khu vực có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa dân tộc đa dạng, độc đáo. Những tiềm năng đó đang mở ra hướng phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm nơi vùng đất biên giới này.
* Tiềm năng du lịch đa dạng
Mùa vàng ở huyện biên giới Mường Nhé. |
Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Nhắc đến Mường Nhé, người ta biết đến ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc với cột mốc ba cạnh nơi được mệnh danh là “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”. Đó là cột mốc A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoan La San, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Cột mốc 0 nằm ở độ cao 1.864m so với mực nước biển, được 3 quốc gia thống nhất cắm mốc vào năm 2005, cột cao 2 mét có 3 mặt quay về 3 hướng, mỗi mặt có khắc tên nước bằng tiếng quốc ngữ riêng và quốc huy của mỗi quốc gia.
Đây là điểm cực Tây Tổ quốc, mục tiêu chinh phục của những người yêu thích khám phá, trải nghiệm. Trước đây, A Pa Chải được coi là mốc khó chinh phục vì đường lên vô cùng khó khăn, phải vượt núi băng rừng, lội suối từ 3-4 giờ để lên đến đỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2018, tỉnh Điện Biên đầu tư xây dựng con đường bê tông men theo các vách núi và bậc tam cấp để khách tham quan dễ dàng hơn trong hành trình chinh phục cột mốc 0.
Đứng trên cột mốc 0, nhìn quốc huy Việt Nam, ngắm mây trời, núi rừng hùng vĩ trùng điệp là cảm giác đầy tự hào của bất cứ công dân Việt Nam nào khi đặt chân đến đây.
Anh Nguyễn Văn Ánh, du khách đến từ Hà Nội cho biết, những năm qua, anh dành thời gian khám phá nhiều điểm mốc cao của đất nước Việt Nam như điểm cực Bắc ở Hà Giang, điểm cực Nam ở Cà Mau. Tuy nhiên, khi đặt chân đến điểm cực Tây A Pa Chải, đây là cột mốc rất đặc biệt, điểm duy nhất tiếp giáp giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, trên tay cầm lá cờ Việt Nam, anh cảm thấy rất tự hào và xúc động. Chinh phục những cột mốc như thế này khiến anh càng cảm thấy yêu Tổ quốc Việt Nam hơn.
Trong hành trình du lịch khám phá cực Tây, du khách có thể trải nghiệm lối mở A Pa Chải (chợ phiên biên giới) tại xã Sín Thầu. Khi đến đây, khách du lịch có thể tham quan, mua sắm, trải nghiệm, khám phá và giao lưu với người dân nước bạn vào các ngày mùng 3, 13, 23 dương lịch trong tháng.
Hiện lối mở A Pa Chải - Long Phú đã được xác định nâng lên thành cửa khẩu trong Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý giữa Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Ngoài ra, du khách không thể bỏ qua các điểm du lịch hấp dẫn như: Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé; khoáng nóng tại xã Quảng Lâm, điểm săn mây bản Chuyên Gia 2 xã Nậm Kè; di tích lịch sử Đồn Pháp ở xã Mường Nhé… Mường Nhé còn là nơi giao thoa giữa các dãy núi hùng vĩ, đỉnh núi cao mang lại cơ hội tuyệt vời cho hoạt động leo núi và trekking. Những cánh đồng bậc thang trải dài như cánh đồng bản Huổi Thanh, xã Nậm Kè, đặc biệt vào mùa lúa chín tạo nên cảnh đẹp như tranh vẽ.
Mường Nhé với 10 dân tộc cùng sinh sống tạo nên nền văn hóa đa sắc màu. Trong đó, đặc biệt, đây là địa bàn duy nhất trong tỉnh có cộng đồng người Hà Nhì, Si La sinh sống. Hà Nhì là cộng đồng dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc sắc từ trang phục, các nghi lễ truyền thống hay điệu múa truyền thống của thiếu nữ Hà Nhì. Đó là những nét văn hóa đặc sắc để du khách có thể tham gia trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt văn hóa người bản địa, thưởng thức ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc Hà Nhì. Bên cạnh đó, các làng nghề thủ công truyền thống như dệt vải, thêu thùa cũng là điểm nhấn hấp dẫn của đồng bào dân tộc nơi đây.
Hiện nay, huyện Mường Nhé có 8 lễ hội của các dân tộc được bản tồn, 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tết hoa mào gà (Mền Loóng Phạt Ái) của dân tộc Cống; Lễ cúng bản (Gạ Ma Thú) và Tri thức dân gian nghệ thuật làm trang phục của người Hà Nhì. Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
*“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Một góc khu trung tâm xã Nậm Vì, huyện Mường Nhé. |
Ảnh: Xuân Tư - TTXVN |
Dự ước năm 2024, huyện Mường Nhé đón khoảng 11.000 lượt khách đến du lịch, thăm thân và làm việc, doanh thu từ các hoạt động này đạt khoảng 17 tỷ đồng.
Để tạo điểm nhấn du lịch, UBND huyện Mường Nhé tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên và các Sở, ngành xây dựng Cột cờ chủ quyền, từng bước tạo thành chuỗi du lịch Mốc giao điểm đường biên giới giữa ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, cửa khẩu A Pa Chải, Cột cờ chủ quyền, khu tâm linh Tá Miếu, điểm dừng chân.
Huyện xây dựng Đề án, Kế hoạch nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Mường Nhé giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn năm 2030 và Xây dựng quy hoạch phát triển du lịch huyện Mường Nhé giai đoạn 2021 -2025, tầm nhìn 2030.
Xác định phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt, huyện Mường Nhé quan tâm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống giao thông từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến các xã, bản. Huyện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch như: Xây dựng cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, khách sạn (ưu tiên khách sạn từ 3 sao trở lên) phục vụ khách du lịch.
Huyện đang tập trung xây dựng sản phẩm du lịch bằng việc phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, homestay, thắng cảnh thiên nhiên Mường Nhé, như: Chinh phục ngã ba biên giới, điểm cực Tây A Pa Chải; lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc như, Lễ cúng bản (Gạ Ma Thú), Tết Khụ Sự Chà (Tết cổ truyền), Tết hoa mào gà (Mền Loóng Phạt Ái) của dân tộc Cống, lễ mừng cơm mới (Ồ mứ khe), chợ phiên Nậm Pố 2… cùng nhiều lễ hội khác.
Theo ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, ngoài phát triển hạ tầng du lịch và sản phẩm du lịch, huyện đang chú trọng đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch.
UBND huyện thường xuyên phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội du lịch xây dựng chiến lược quảng bá, xúc tiến du lịch. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã cử các đoàn, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên tham gia chương trình liên kết vùng nhằm quảng bá du lịch Điện Biên nói chung, Mường Nhé nói riêng đến khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, huyện Mường Nhé chú trọng kết nối vùng miền trong phát triển du lịch. Trong đó chú trọng chương trình hợp tác 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng nhằm liên kết phát triển du lịch; xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực du lịch. Ngoài ra, huyện mời gọi doanh nghiệp lữ hành lên khảo sát, nghiên cứu thị trường để đưa khách du lịch đến huyện Mường Nhé, tăng cường liên kết quảng bá, liên kết tour, tuyến, điểm du lịch.
Mường Nhé, với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và văn hóa phong phú là điểm đến tiềm năng cho du lịch ở Điện Biên nói riêng, Tây Bắc nói chung. Với lộ trình phát triển du lịch hợp lý, địa phương này không chỉ thu hút du khách mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Mường Nhé hứa hẹn trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch ở Điện Biên./.