Trải nghiệm thanh âm và tâm hồn của văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản
Ngày 11/12, nhận lời mời của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đoàn nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có buổi biểu diễn “Trải nghiệm thanh âm và tâm hồn của văn hóa Việt Nam” tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Đến thưởng thức buổi trình diễn có bà Nakasone Mariko, Chủ tịch Hội Hữu nghị Phụ nữ châu Á - Thái Bình Dương (ALFS) tại Nhật Bản; bà Fujimoto Atsuko - Giám đốc điều hành ALFS, bà Nakata Yukako - phu nhân Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Sapporo; bà Chikako Nagasaki - phu nhân Thống đốc tỉnh Yamanashi, cùng với đại sứ và phu nhân, phu quân đại sứ các nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, phát biểu khai mạc buổi trình diễn, bà Thái Thu Hồng, phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết tiếp tục chuỗi sự kiện “Hiểu biết về đất nước của bạn” của ALFS, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản quyết định tổ chức buổi biểu diễn “Trải nghiệm thanh âm và tâm hồn của văn hóa Việt Nam” với mong muốn được giới thiệu và chia sẻ một phần nhỏ nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam với bạn bè Nhật Bản cũng như các nước khác trên thế giới. Bà trân trọng cảm ơn ALFS vì đã giữ vững cam kết thúc đẩy kết nối và nuôi dưỡng sự hiểu biết và tình hữu nghị thông qua trao đổi văn hóa. Phu nhân Đại sứ cũng bày tỏ vui mừng trước việc lãnh đạo ALFS và các đại sứ quán đã đến thưởng thức buổi trình diễn này, coi đó là sự hiện diện có ý nghĩa dành cho những nỗ lực mà Đại sứ quán Việt Nam cũng như các nghệ sĩ đã thực hiện để có được một buổi biểu diễn đặc sắc.

Buổi trình diễn mở màn với tiết mục Hầu đồng “Vũ điệu tâm linh”, giới thiệu tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng dân gian Việt Nam có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm, đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các nghệ sĩ còn trình diễn những nhạc cụ dân tộc Việt Nam như đàn T’rưng trong tiết mục Độc tấu đàn “Cảm xúc Tây Nguyên”, tiết mục Hòa tấu Tre lắc “Inh lả ơi”. Đặc biệt, buổi trình diễn có tiết mục Múa rối “Vũ điệu Hồ Thiên Nga”, tái hiện lại vở ballet nổi tiếng theo một cách thức đầy sáng tạo và độc đáo.

Các khán giả thưởng thức buổi trình diễn càng trở nên hào hứng khi được các nghệ sĩ mời trải nghiệm các loại nhạc cụ dân tộc, tham gia vào điệu nhảy sạp và được cùng thực hành điều khiển rối biểu diễn vũ điệu Hồ Thiên Nga. Trong không khí đậm chất văn hoá truyền thống, khán giả đã bất ngờ được thưởng thức ca khúc “Diễm xưa” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng tiếng Nhật do khách mời Rika Satake trình diễn.

Buổi trình diễn kết thúc bằng tiết mục Nhảy sạp, nét văn hóa đặc trưng và độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc. Vũ điệu sôi động đã khép lại một buổi biểu diễn thành công của các nghệ sĩ Việt Nam, tạo được ấn tượng sâu sắc cho bạn bè Nhật Bản và quốc tế.

Trước đó, trong khuôn khổ chuyến lưu diễn tại Nhật Bản, ngày 10/12, đoàn nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng đã có buổi biểu diễn tại Hội chợ Từ thiện Ikebana 2024 do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản chủ trì phối hợp với Đại sứ quán một số nước tại Nhật Bản tổ chức nhằm gây quỹ hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn tại Nhật Bản. Các tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Việt Nam đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của khán giả Nhật Bản và quốc tế./.

Nguyễn Tuyến – Xuân Giao

Tin cùng chuyên mục

Sự thật không thể bóp méo

Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ như hiện nay, bảo vệ chủ quyền, độc lập, an ninh quốc gia, trật tự xã hội và bảo vệ người dân trên môi trường số đã trở thành một trong yêu cầu cấp thiết đối với mọi quốc gia. Việt Nam đã và đang xây dựng hành lang pháp lý chuẩn mực nhằm thiết lập một một môi trường số an toàn, lành mạnh và bền vững. Tuy nhiên, một số nhóm, tổ chức và cá nhân có thái độ thù địch, thiếu thiện chí với Việt Nam luôn tìm mọi cách chống phá, xuyên tạc các chính sách quản lý dữ liệu và Internet tại Việt Nam.

Khai mạc Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 40 với trọng tâm là tập trung rà soát, giải quyết các công việc còn lại cần hoàn thành trong năm 2024; xem xét, quyết định chương trình công tác và chương trình đối ngoại của Uỷ ban Thường vụ năm 2025. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/12.

Nhân quyền ở Việt Nam: Dấu ấn trên hành trình vì con người

“Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”. Câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã toát lên một cách chân thực nhất quan điểm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện cam kết đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, luôn nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, bởi đó luôn là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam trong suốt 79 năm thành lập nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, trước tiên là mang lại những lợi ích thiết thực cho mỗi người dân, tiếp đó là tạo dấu ấn về hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.