Thành lập và vận hành Trung tâm tài chính tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong năm 2025. Ảnh minh họa: A.N/BNEWS |
Hệ thống tài chính toàn cầu đang dần định hình lại; thế giới đang có nhu cầu phát triển các trung tâm tài chính mới, cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính đặc thù, phục vụ các thị trường ngách, khác biệt với những trung tâm tài chính truyền thống. Do vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các trung tâm tài chính mới nổi như Việt Nam có "cơ hội vàng" để tham gia vào "cuộc chơi" này, thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý mở, ban hành các chính sách ưu đãi vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế để trở thành "sân chơi" cho các nhà đầu tư tài chính hàng đầu…
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế đã được Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ xác định là một trong những đột phá về thể chế, là quyết sách nhằm giải phóng các nguồn lực, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; đưa đất nước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
"Đây là vấn đề không mới trên thế giới nhưng với Việt Nam là vấn đề khó và chưa có tiền lệ. Do đó, cơ hội lớn sẽ đi kèm với thách thức lớn…", Bộ trưởng Dũng cho hay.
Bộ trưởng Dũng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thành công sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đạt được một số cơ hội như: kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực đầu tư mới, thúc đẩy nguồn lực đầu tư hiện hữu; đồng thời, cung cấp các dịch vụ tài chính chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tạo một bước chuyển mới về chất, giúp thị trường tài chính ở Việt Nam trở nên lành mạnh và hiệu quả, bắt kịp với các chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đồng thời, góp phần đưa Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị kinh tế toàn cầu, nâng cao vai trò, uy tín và ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế; khẳng định vị thế là một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững; từ đó bảo đảm quốc phòng an ninh, nhất là trong trong lĩnh vực tài chính từ sớm, từ xa.
Tại Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị xây dựng 02 Trung tâm tài chính ở Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; trong đó, xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm tài chính khu vực ở Đà Nẵng bước đầu phát triển một số dịch vụ tài chính quốc tế, trọng điểm gắn với Khu Thương mại tự do Đà Nẵng và cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) gắn với đổi mới sáng tạo mà Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội về "Tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng" đã cho phép thí điểm, tạo tiền đề quan trọng để thúc đẩy việc hình thành Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng.
Cụ thể, tại Tp. Hồ Chí Minh là khu vực Quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, còn tại TP. Đà Nẵng đề xuất thực hiện một hệ sinh thái nhiều thành phần tại khu lõi với diện tích hơn 6 ha, có thể mở rộng thành khu phố tài chính là vùng diện tích địa lý nằm tại khu công nghiệp Đà Nẵng với diện tích khoảng 62 ha; đồng thời phát triển Trung tâm công nghệ tài chính ở Khu Tây Bắc đường dẫn lên cầu Thuận Phước với diện tích 9,7 ha.
Đây là giới hạn không gian địa lý đề xuất áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút các định chế tài chính (ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty dịch vụ tài chính…) và tạo lập các sàn giao dịch chứng khoán, tiền tệ (và cả hàng hoá), ưu tiên phát triển các lĩnh vực tài chính mới như fintech, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, mục tiêu tổng quát của Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam là phát triển thị trường tài chính để huy động có hiệu quả các nguồn lực, dịch vụ tài chính để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương có Trung tâm tài chính nói riêng và Việt Nam nói chung theo hướng bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hiện đại, tiên tiến, bắt kịp các chuẩn mực quốc tế; thúc đẩy quá trình tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới của Việt Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển Trung tâm tài chính trên thế giới; căn cứ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu cũng như đặc điểm, tình hình, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực thực tiễn của Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất phát triển Trung tâm tài chính theo mô hình "kết hợp", có chọn lọc các ưu điểm của các mô hình trên thế giới, phù hợp với đặc điểm và bối cảnh của Việt Nam.
Trong đó, sẽ lựa chọn từng nhóm chính sách phù hợp với lợi thế và điều kiện phát triển của Việt Nam và các địa phương để áp dụng có kiểm soát, theo lộ trình cho các chủ thể hoạt động tại Trung tâm tài chính, trong phạm vi các giao dịch tài chính giữa các chủ thể này với nhau và với quốc tế. Đối với các giao dịch giữa các chủ thể tại Trung tâm tài chính và phần còn lại của đất nước sẽ thực hiện theo quy định và pháp luật chung hiện hành.
Để tiếp tục triển khai kết luận của Bộ Chính trị về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp trọng điểm cần tập trung thực hiện ngay trong năm 2025: đối với các bộ, ngành, Cơ quan Trung ương cần chủ động phối hợp với Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương để sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
Trong đó, tập trung hoàn thiện các nhóm chính sách tại Đề án đã được Bộ Chính trị phê duyệt, đảm bảo phù hợp với điều kiện sẵn có, thông lệ của các Trung tâm tài chính trên thế giới và các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Cùng với đó, chủ động đề xuất các chính sách cần thiết để đảm bảo sức cạnh tranh của các Trung tâm tài chính tại Việt Nam; chủ động đồng hành cùng các địa phương trong quá trình phát triển và vận hành trung tâm tài chính.
Đối với Tp. Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, Bộ trưởng Dũng đề xuất cần tập trung bố trí nguồn lực, chuẩn bị các điều kiện nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển Trung tâm tài chính, đặc biệt là nguồn lực về hạ tầng (bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng số), nguồn nhân lực, thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường sống...; đồng thời, tập trung vận động, tiếp cận và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các định chế tài chính đến đầu tư tại Trung tâm tài chính của các địa phương.
Đối với các đối tác quốc tế, Tư lệnh ngành kế hoạch và đầu tư cũng đề nghị hỗ trợ các bộ, ngành và địa phương trong việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành trung tâm tài chính; hỗ trợ đề xuất, kiến nghị các chính sách, định hướng cụ thể đối với các nhóm chính sách tại đề án, góp phần giúp Chính phủ Việt Nam đảm bảo tính đột phá của trung tâm tài chính tại Việt Nam; đặc biệt, hỗ trợ huy động nguồn lực đầu tư và phát triển các trung tâm tài chính tại Việt Nam.
Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với vai trò được giao là cơ quan chủ trì, Bộ trưởng Dũng cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và đối tác quốc tế, thực hiện tốt trách nhiệm điều phối để hoàn thiện Nghị quyết Quốc hội, thúc đẩy quá trình xây dựng, phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế theo chỉ đạo.
"Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự quyết tâm, đồng lòng của các bộ, ngành, địa phương và sự phối hợp của các đối tác trong và ngoài nước, Trung tâm Tài chính tại Tp. Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng không chỉ là biểu tượng của sự thịnh vượng của Việt Nam mà còn đóng góp tích cực vào sự ổn định và phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu...", Bộ trưởng Dũng kỳ vọng./.