Truyền đam mê nghệ thuật múa rối nước đến lớp trẻ
Cùng với đào tạo cho một số người trẻ có niềm đam mê với nghề, nghệ nhân Phan Văn Mạnh còn mở thêm các thủy đình nhỏ tại nhà để biểu diễn phục vụ khách du lịch.
biểu diễn múa rối tại Trường Tiểu học Lộc Vượng, thành phố Nam Định
Ảnh: Công Luật-TTXVN 

Không chỉ lưu giữ, chế tác hàng nghìn con rối với nhiều chủ đề khác nhau, nghệ nhân Phan Văn Mạnh còn sáng tạo, cải biên những kịch bản, cách biểu diễn mới để phù hợp với xu hướng hiện nay, đồng thời thường xuyên tham gia biểu diễn múa rối nước tại các trường học, lễ hội hay các sự kiện để quảng bá nghệ thuật múa rối nước đến với công chúng; góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo này.

*Lưu giữ, chế tác hàng nghìn con rối

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề rối nước, ngay từ khi còn bé, nghệ nhân Phan Văn Mạnh (sinh năm 1957, làng Rạch, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đã theo đoàn múa rối nước đi biểu diễn ở nhiều nơi. Tài năng diễn xuất của cậu bé Phan Văn Mạnh khi đó sớm được thể hiện khi tham gia diễn ở hầu hết các tiết mục, được người xem và các nghệ nhân lão làng trong nghề đánh giá cao. Bên cạnh biểu diễn, cậu còn học cách làm những con rối đơn giản như: con trâu, con ếch, chú Tễu…

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, anh thanh niên Phan Văn Mạnh chính thức theo nghiệp rối nước của cha ông, tham gia biểu diễn tại phường múa rối nước của gia đình và bước vào nghề chế tác con rối để phục vụ biểu diễn. Bên cạnh việc đẩy mạnh chế tác các con rối theo hơn 40 tích trò dân gian ở làng quê, anh còn hình tượng hóa các nhân vật lịch sử nhằm lôi cuốn người xem, đồng thời nghiên cứu chế tác vật lưu niệm hình các con rối để bán cho du khách.

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh cho biết, để chế tác thành công các con rối nước đòi hỏi người thợ phải có sự khéo tay, tỉ mỉ, am hiểu về nét sinh hoạt hằng ngày tại làng quê. Tạo hình nhân vật rối nước phải thể hiện tính cách nhân vật rõ nét, có chất rối ngây ngô, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, hài hước. Các nhân vật rối nước thường được chia theo các chủ đề như: làng quê, đời sống tâm linh, linh vật, các anh hùng dân tộc.

Nghệ nhân bên những con rối yêu quý. 
Ảnh Công Luật-TTXVN

Phan Văn Mạnh

Để có được con rối nước hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải trải qua nhiều công đoạn, trong khoảng thời gian từ 4-5 tháng, như: Tạo mẫu, chọn loại gỗ, đục tác con rối theo kích cỡ, sấy, mài, sơn, đánh bóng... và trang trí. Con rối thường có kích thước từ 30-70cm, gồm hai phần chính là phần thân và phần đế, phần thân là phần nổi lên mặt nước thể hiện hình tượng nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp bộ điều khiển cho rối cử động.

Theo nghệ nhân Phan Văn Mạnh, đặc trưng của con rối tại làng Rạch là được làm từ nguyên liệu gỗ sung, loại gỗ này nhẹ, mềm, xốp lại có độ bền khi ngâm nước. Con rối thường được tạc liền trên một khúc gỗ, chân, tay được gắn vào thân bằng những chốt gỗ. Trang phục thường được bó sát vào người vì tạc liền trên một khúc gỗ, ranh giới phân biệt là màu sắc.

Hiện, nghệ nhân Phan Văn Mạnh đang có khoảng 1.000 con rối với tích trò khác nhau như: đời sống nông thôn, con vật trong tứ linh, nhân vật trong truyện cổ tích, nhân vật lịch sử… Để quảng bá nghệ thuật múa rối nước dân gian đến với người dân, du khách, thời gian gần đây, nghệ nhân Phan Văn Mạnh còn đẩy mạnh chế tác nhiều mô hình rối nhỏ để làm quà lưu niệm.

*Quảng bá nghệ thuật múa rối nước

Thiều nhi thành phố Nam Định hứng thú khi xem biểu diễn rối nước. 
Ảnh: -Phạm Văn Luật-TTXVN

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh cho biết, trước đây tại làng Rạch có rất nhiều người biết biểu diễn rối nước và chế tác con rối, tuy nhiên hiện nay còn rất ít người theo nghề bởi thu nhập thấp, các nghệ nhân múa rối không thể sống nổi với nghề. Nhiều người đã chọn theo nghề khác còn lớp trẻ cũng không mặn mà với loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Để có thể sống với nghề, bảo tồn loại hình nghệ thuật này, thời gian qua, nghệ nhân Phan Văn Mạnh cùng với các nghệ nhân khác trong phường hát đã tăng cường quảng bá loại nghệ thuật múa rối qua mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtobe… để nhiều người biết hơn. Đồng thời phối hợp với các cơ sở giáo dục đưa loại hình nghệ thuật múa rối nước vào học đường, các tiết mục biểu diễn như: Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, cấy lúa, đấu vật, múa tứ linh, chọi trâu… giúp các em học sinh hiểu thêm về các nét đẹp văn hóa của quê hương.

Theo nghệ nhân Phan Văn Mạnh, để khơi dậy niềm đam mê của các em học sinh, ông đã phải tìm hiểu tâm lý học sinh từng lứa tuổi để xây dựng kịch bản, tích trò có nội dung phù hợp, cùng với đó sáng tạo “sân khấu” biểu diễn lưu động phù hợp với diện tích khuôn viên nhà trường. Từ sau COVID-19 đến nay, phường múa rối nước của ông đã nhận được nhiều lời mời tham gia biểu diễn tại các trường học, sau mỗi tiết mục biểu diễn, những tiếng vỗ tay tán thưởng của học sinh và giáo viên là động lực để các nghệ nhân múa rối có niềm tin để gắn bó với nghề.

Một sân khấu rối nước nhỏ tại Nam Định
Ảnh: Công Luât-TTXVN

Nhờ tăng cường quảng bá những nét đẹp trong nghệ thuật múa rối, những năm gần đây phường múa rối nước Sông Quê của nghệ nhân Phan Văn Mạnh thường xuyên được mời đi biểu diễn tại các lễ hội lớn như: Lễ hội đền Trần, các lễ hội ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội... và được mời biểu diễn ở các nước Pháp, Thụy Điển.

Nghệ nhân Phan Văn Mạnh cho hay, để giữ gìn nghệ thuật múa rối nước, bên cạnh việc đào tạo cho một số người trẻ trong làng có niềm đam mê với nghề, hiện ông còn mở thêm các thủy đình nhỏ tại nhà để biểu diễn phục vụ các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước, đoàn học sinh các trường về thăm quan, đồng thời sẵn sàng chia sẻ, truyền dạy cho các bạn trẻ muốn tìm hiểu, nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này góp phần bảo tồn nghệ thuật truyền thống của quê hương./.

Tin liên quan

Nét đẹp văn hóa Việt Nam qua múa rối nước dưới góc nhìn của truyền thông Trung Quốc

Với dòng tít “‘Những câu truyện cổ tích dưới nước’ - chủ đề vĩnh cửu dẫn dắt con người hướng thiện”, bài viết trên trang Thời báo Hoàn Cầu- một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ca ngợi nét đẹp văn hóa của Việt Nam thông qua múa rối nước đã được lưu truyền hàng nghìn năm nay.

Tin cùng chuyên mục

Khai mạc Phiên họp thứ 40 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Sáng 10/12, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 40 với trọng tâm là tập trung rà soát, giải quyết các công việc còn lại cần hoàn thành trong năm 2024; xem xét, quyết định chương trình công tác và chương trình đối ngoại của Uỷ ban Thường vụ năm 2025. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/12.

Nhân quyền ở Việt Nam: Dấu ấn trên hành trình vì con người

“Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người”. Câu nói của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã toát lên một cách chân thực nhất quan điểm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện cam kết đảm bảo quyền con người ở Việt Nam, luôn nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, bởi đó luôn là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Những thành tựu về đảm bảo quyền con người của Việt Nam trong suốt 79 năm thành lập nước và gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, trước tiên là mang lại những lợi ích thiết thực cho mỗi người dân, tiếp đó là tạo dấu ấn về hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.

Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Để tiếp tục nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2025, tỉnh Bình Định tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên kiên cố hóa đường giao thông, công trình thủy lợi, chợ, trường học, trạm y tế...

Thắp sáng niềm tin cho người khuyết tật

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ người khuyết tật khá cao so với tổng dân số. Ngoài nhiều chủ trương, chính sách riêng cho người khuyết tật được Đảng, Nhà nước ban hành, tạo khuôn khổ pháp lý để chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của người khuyết tật, cộng đồng xã hội cũng tích cực giúp đỡ đông đảo người khuyết tật về cơ hội học tập, làm việc để họ chủ động vươn lên trong cuộc sống.

Siết chặt an toàn giao thông dịp cuối năm

Từ ngày 15/12/2024, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) và công an các địa phương trong cả nước sẽ mở cao điểm bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ.