Phân loại sản phẩm cá tra phi lê tại nhà máy của Công ty Navico. |
Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN |
Đặc biệt, việc nâng cấp quan hệ thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, mở ra thời kỳ hợp tác phát triển mới thực chất và hiệu quả trên mọi lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu và lợi ích của nhân dân hai nước. Do đó, chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong hợp tác thương mại song phương.
Nhận định từ các chuyên gia, quan hệ kinh tế - thương mại song phương Việt Nam-Nhật Bản được xây dựng trên nền tảng là các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà hai nước đã ký kết, cũng như thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhật Bản hiện là nước tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động lớn thứ 2, nhà đầu tư lớn thứ 3, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD; năm 2023 đạt 44,98 tỷ USD; 10 tháng năm 2024 đạt 38,1 tỷ USD.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tính đến tháng 10/2024, Nhật Bản là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ 3 ở Việt Nam (sau Hàn Quốc và Singapore) với 5.456 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 77,37 tỷ USD. Đặc biệt, Nhật Bản cũng là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ yen (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.
Đáng lưu ý, nguồn vốn ODA của Nhật Bản góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo động lực lan tỏa tích cực, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững; hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.
Theo các chuyên gia, tháng 3/2024, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí khởi động “Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam trong kỷ nguyên mới.” Hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận và đạt được kết quả cụ thể trên 5 lĩnh vực hợp tác: năng lượng, đổi mới sáng tạo, tăng cường chuỗi cung ứng bao gồm công nghiệp phụ trợ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện môi trường đầu tư. Trong lĩnh vực bán dẫn, doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đến Việt Nam.
Tiếp đó, tháng 8/2024, Công ty Tokuyama đã thành lập công ty con tại Việt Nam để sản xuất và bán silicon đa tinh thể dùng cho chất bán dẫn. Ngoài ra, tháng 10/2024, công ty Rorze Robotech của Nhật Bản đã quyết định xây dựng thêm một nhà máy mới tại một khu công nghiệp ở Hải Phòng, mở rộng nhà máy chế tạo robot sử dụng trong thiết bị sản xuất chất bán dẫn.
Tại buổi làm việc với ông Shindo Yoshitaka, Bộ trưởng phụ trách Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đã và đang phát triển tốt đẹp và ngày càng đi vào chiều sâu, đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ với điểm nhấn là sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước kể từ khi trở thành thành viên của Hiệp định CPTPP.
Về việc thực thi Hiệp định CPTPP, hai Bộ trưởng nhất trí hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong hoạt động rà soát thực thi Hiệp định, nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định CPTPP trong thời gian tới, giúp mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời giúp nâng tầm Hiệp định CPTPP để Hiệp định đóng vai trò quan trọng hơn nữa trong thương mại khu vực và toàn cầu.
Đối với quan hệ thương mại song phương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị phía Nhật Bản xem xét, tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời đề nghị Nhật Bản nghiên cứu có cơ chế hỗ trợ các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp của Việt Nam tận dụng hiệu quả các cam kết của các FTA mà hai nước cùng là thành viên nhằm thúc đẩy hơn nữa thương mại song phương, tương xứng với tiềm năng.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam và Nhật Bản đểu hưởng lợi nhiều từ các FTA song phương và đa phương mà hai bên tham gia, nhất là Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP); Hiệp định CPTPP, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại...
Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản là những mặt hàng phục vụ cho sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại…
Ngoài ra Việt Nam đang tích cực hợp tác với nhiều tập đoàn, doanh nghiệp FDI Nhật Bản (Toyota, Canon, Panasonic...) triển khai các Chương trình/Dự án tìm kiếm, phát triển nhà cung cấp Việt Nam nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tăng tỷ lệ nội địa hóa; thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản.
Báo cáo nhìn nhận lại thành tựu của quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản do Ngân hàng HSBC công bố mới đây cho thấy, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đã tăng trưởng mạnh trong vòng ba thập kỷ qua nhờ nỗ lực tích cực trong tự do hóa thương mại, giúp Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Mặc dù thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản giảm dần do tỷ trọng của Mỹ và Trung Quốc tăng lên, tổng thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam đã gia tăng với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt mức 15,2% kể từ năm 1990.
Nhiều năm qua, Nhật Bản vẫn duy trì là một trong những đối tác xuất khẩu quan trọng nhất của Việt Nam. Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Đặc biệt, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022 đã mở ra khu vực thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới, với khoảng 30% tổng ngân sách quốc nội (GDP) toàn cầu và một khu vực thị trường với 1/3 dân số thế giới. Trong số các thị trường RCEP, Nhật Bản là thị trường trọng điểm có ý nghĩa quan trọng và gắn kết chặt chẽ với Việt Nam. Do đó, tận dụng cơ hội từ RCEP để tăng kim ngạch xuất khẩu, hạn chế rào cản thương mại là mục tiêu rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp Việt Nam.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, nhìn chung sản phẩm hải sản, nông sản, hoa quả của Việt Nam mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong cơ cấu nhập khẩu Nhật Bản nên còn nhiều dư địa để doanh nghiệp xuất khẩu có thể xâm nhập. Tuy nhiên, mặt hàng nông sản tươi sống xuất khẩu vào Nhật Bản vẫn còn gặp nhiều khó khăn như giá cao, thời gian vận chuyển lâu nên khó đảm bảo độ tươi ngon.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý, nông sản tươi sống hoặc qua chế biến xuất khẩu cần phù hợp với tiêu chuẩn, quy định trong Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản. Hơn nữa, người Nhật cũng rất chú trọng đến giá cả, mẫu mã, kích thước, màu sắc, công dụng của sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp cần tìm hiểu thị hiếu từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm và nâng cao chất lượng, giảm giá thành.
Theo thông tin từ bộ phận Thương vụ của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, tiếp nối thành công của việc đưa ST25 - thương hiệu gạo đầu tiên của Việt Nam chinh phục thị trường Nhật Bản vào năm 2022, đầu tháng 10 vừa qua, Tập đoàn Tập đoàn Tân Long đã thành công trong việc xuất khẩu 1.000 tấn gạo Japonica chất lượng cao mang thương hiệu A An vào thị trường Nhật Bản.
Ông Trương Sỹ Bá - Chủ tịch Tập đoàn Tân Long nhấn mạnh, thời gian tới, Tân Long phấn đấu không chỉ dừng lại ở ST25, Japonica mà còn nhiều dòng gạo khác mang thương hiệu AAN - thương hiệu nội địa Việt Nam sẽ từng bước chinh phục những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu.
Ngoài ra, tại Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, Công ty TNHH Top Textiles, thuộc Tập đoàn Toray (Nhật Bản) đã khánh thành Nhà máy dệt nhuộm có tổng vốn đăng ký 203 triệu USD, toạ lạc trên diện tích hơn 31,2 ha. Hiện tại, dự án đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Theo các chuyên gia thương mại, việc doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới./.