Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Peru bao gồm: điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử... |
Ảnh: TTXVN |
Đặc biệt, hai nước duy trì sự phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại Liên Hợp Quốc và các diễn đàn đa phương. Chính vì vậy, chuyến thăm chính thức Peru của Chủ tịch nước Lương Cường được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, hướng tới đưa quan hệ lên tầm cao mới.
Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - Peru năm 2023 đạt 486 triệu USD; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Peru 439 triệu USD, nhập khẩu từ Peru đạt 47 triệu USD.
Riêng 9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 389,69 triệu USD; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Peru đạt 336,99 triệu USD; nhập khẩu từ Peru đạt 52,69 triệu USD, tăng 42,4%. Peru hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Peru bao gồm: điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử, giày dép các loại, clinker và xi măng, chất dẻo nguyên liệu, giày dép các loại, hàng dệt may và thủy sản.
Ở chiều ngược lại mặt hàng xuất khẩu chính của Peru sang Việt Nam là hàng bột cá, quặng antimon và tinh quặng, khoáng sản.Mặc dù trao đổi thương mại gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động, Việt Nam và Peru vẫn có nhiều dư địa nâng cao kim ngạch thương mại trong những năm tới khi hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với nhiều cam kết ưu đãi trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau, đặc biệt là khi Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Peru kể từ tháng 9 năm 2021.
Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam - Peru được tổ chức luân phiên hai năm một lần do Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Peru chủ trì. Kỳ họp lần thứ nhất được tổ chức vào tháng 10/2017 tại Thủ đô Lima và gần đây nhất Kỳ họp lần thứ hai được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào tháng 7/2022.
Đây là cơ chế hợp tác hiệu quả thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương và đa phương, tận dụng Hiệp định CPTPP, tăng cường các dự án đầu tư ở hai nước. Theo đại diện Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, Peru được đánh giá là nền kinh tế năng động với chính sách kinh tế đối ngoại tương đối cởi mở tại khu vực Mỹ Latinh. Nước này tham gia và là thành viên của hầu hết các định chế quốc tế và khu vực. Cụ thể như: Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Liên minh Thái Bình Dương (PA), thành viên hợp tác của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur)... Hiện tại, Peru đã ký kết 22 hiệp định thương mại tự do với 58 quốc gia, là một trong những nước có nhiều hiệp định thương mại tự do nhất khu vực.
Hơn nữa, Peru là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận thị trường của doanh nghiệp Việt Nam. Bởi, phần lớn doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Peru là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hàng hóa sản phẩm Việt Nam tương đối dễ thâm nhập và có tính cạnh tranh cao. Peru cũng có thể là cửa ngõ để hàng hóa của ta đi vào thị trường các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia hay Brazil.
Ngoài ra, Việt Nam và Peru có cơ chế Ủy ban liên Chính phủ để tạo khung khổ hợp tác và đối thoại giữa các bộ, ngành hai bên trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác từ thương mại, đầu tư, thủy sản, nông nghiệp, khoa học công nghệ cũng như các lĩnh vực khác.
Cùng đó, Việt Nam và Peru có nhiều cơ hội nâng cao kim ngạch thương mại trong những năm tới khi Việt Nam và Peru đều là thành viên của Hiệp định CPTPP với nhiều cam kết ưu đãi trong rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau. Đây cũng là lần đầu tiên hai nước có quan hệ FTA, theo đó, Peru cam kết xóa bỏ 81% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiêu lực tương đương 62% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% dòng thuế vào năm thứ 17.
Chưa kể, hiện tại Peru đang triển khai xây dựng siêu cảng Chancay toạ lạc ở phía Bắc thủ đô Lima, nằm dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, một vị trí chiến lược vô cùng thuận lợi cho việc kết nối thương mại quốc tế. Việc khởi công xây dựng siêu cảng được thực hiện vào năm 2020 và dự kiến hoàn thành trong năm 2024.Thông qua siêu cảng Chancay, doanh nghiệp Việt có thể tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển. Dự tính Chancay có thể giúp giảm tới 30%, thậm chí 50% thời gian vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đến Mỹ Latinh. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí logistics lên đến 20% so với các tuyến vận chuyển truyền thống.
Tuy nhiên, khoảng cách địa lý cùng rào cản ngôn ngữ là những rào cản chính trong việc kết nối giao thương giữa doanh nghiệp hai nước. Trao đổi thương mại giữa hai nước tuy có xu hướng gia tăng nhưng còn ở mức thấp và chủ yếu qua trung gian. Hơn nữa, Peru là thị trường mở, ký kết nhiều FTA với các nước là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan… nên tính cạnh tranh tại thị trường Peru tương đối cao.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Brazil kiêm nhiệm Peru nhấn mạnh: Để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Peru, doanh nghiệp cần tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa Việt Nam trực tiếp tại hội chợ, trung tâm triển lãm; kết hợp quảng bá sản phẩm hàng hóa và đất nước con người Việt trên kênh truyền thông của quốc gia này. Bên cạnh đó, hai bên đẩy mạnh phát triển mảng logistics, nâng cao năng lực logistics Việt Nam giúp doanh nghiệp thuận lợi trong xuất khẩu.
Mới đây, tại buổi làm việc với Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Peru Eric Anderson, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long khẳng định: Việt Nam đánh giá cao vai trò của Peru và luôn coi Peru là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực.
Thứ trưởng đánh giá cao việc Hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Peru từ cuối năm 2021, đánh dấu lần đầu tiên hai nước có quan hệ FTA, đồng thời đã và đang tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước. Đặc biệt, dư địa cho tăng trưởng thương mại song phương là rất lớn thông qua việc tận dụng tốt những ưu đãi của CPTPP.
Để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đề nghị phía Peru tích cực triển khai hoạt động trao đổi đoàn các cấp; nghiên cứu khả năng đàm phán và ký kết biên bản, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hai bên cùng quan tâm theo nguyên tắc một bên có thế mạnh và bên kia có nhu cầu. Cùng đó, phổ biến cho doanh nghiệp hai nước thông tin thị trường của nhau để tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định CPTPP; tăng cường xúc tiến thương mạiđể doanh nghiệp quan tâm tham gia.
Ngoài ra, Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ của phía Peru trong việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách ưu đãi để dự án đầu tư của Việt Nam tại Peru được triển khai hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho tất cả các bên. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ, tiếp nhận đầu tư từ Peru vào thị trường Việt Nam cũng như hỗ trợ nhà đầu tư Peru tiếp cận thông tin về thị trường đầu tư khu vực Đông Nam Á.
Thứ trưởng cũng đề xuất Peru xem xét khả năng hợp tác phát triển ngành khai thác khoáng sản, nông sản hữu cơ, chế biến thực phẩm, du lịch…; chú trọng hợp tác phát triển một số ngành mang tính đột phá, phù hợp với xu thế như công nghệ xanh, lĩnh vực kinh tế số với hàm lượng công nghệ cao, thương mại điện tử. Tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, OECD, APEC, CPTPP, Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh (FEALAC)...
Nhằm tăng trưởng xuất khẩu sang Peru, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ về nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng để định hướng sản phẩm phù hợp và đáp ứng yêu cầu thị trường. Bên cạnh đó, chủ động tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm tại Peru để nâng cao sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam.
Đồng thời, việc sử dụng kênh truyền thông trực tuyến để quảng bá thương hiệu nhằm tiếp cận người tiêu dùng Peru.Bộ Công Thương lưu ý doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP, nắm vững cam kết trong hiệp định, nhất là quy định ưu đãi thuế quan và tiêu chuẩn xuất xứ sản phẩm. Tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu về nhãn mác, bao bì của thị trường Peru, tránh rủi ro cũng như hạn chế việc hàng hóa bị từ chối hoặc xử lý chậm trễ tại cảng nhập khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu dài hạn, linh hoạt để thích ứng với biến động của thị trường gồm cả giá cả hàng hóa và tình hình chính trị của nước sở tại. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với cơ quan nhà nước Peru thông qua kênh ngoại giao và thương mại để giải quyết phát sinh trong quá trình xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động phản ánh khó khăn và yêu cầu hỗ trợ từ Bộ Công Thương để được trợ giúp kịp thời./.