Một góc trung tâm thị xã Buôn Hồ. |
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN |
Là đô thị trẻ của tỉnh Đắk Lắk, sau 16 năm hình thành và phát triển, thị xã Buôn Hồ hiện có hơn 101.000 nhân khẩu, 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 31,04%. Những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn thị xã đã tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân dân các dân tộc thị xã Buôn Hồ không ngừng vươn lên, chung tay xây dựng buôn làng giàu mạnh.
* Đổi thay nơi buôn làng
Thị xã Buôn Hồ nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk, cách thành phố Buôn Ma Thuột 40km. Thị xã có 8 đơn vị xã, phường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 44 thôn, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm qua, thị xã Buôn Hồ đã huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số gắn với an sinh xã hội. Đến nay, buôn làng đã đổi mới, diện mạo nông thôn mới khởi sắc, đời sống người dân ngày càng cải thiện.
Trong ký ức của ông Nông Văn Chắn (Buôn trưởng buôn Pon 1, xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ), trước đây, đường sá trong buôn lầy lội, đi lại khó khăn, đời sống nhân dân cực khổ. Những năm gần đây, buôn Pon 1 được bê tông hóa hệ thống đường giao thông nông thôn, thuận lợi cho nhân dân đi lại. Trạm y tế, trường học được đầu tư kiên cố. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về vốn vay, đất ở, nhà ở, đất sản xuất đã để lại dấu ấn tích cực. Năm 2024, 11 hộ khó khăn trong buôn được hỗ trợ 22 con bò để phát triển kinh tế. Đến nay, 65% hộ dân trong buôn có thu nhập trung bình khá trở lên, số hộ nghèo giảm dần.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số thị xã Buôn Hồ lần thứ IV năm 2024. |
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN |
Cùng tâm trạng phấn khởi như ông Nông Văn Chắn, già Y Khuê Ayun (buôn Kwang A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ) rất tự hào khi chứng kiến sự đổi thay của buôn làng. Buôn hiện có 210 hộ với 989 nhân khẩu. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư cho buôn về mọi mặt như: hệ thống đường - điện đến tận nhà dân, vào tận nương rẫy; đào tạo nghề; vay vốn chính sách ưu đãi. Bên cạnh đó, giá cả các mặt hàng nông sản tăng cao, nhiều doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn đã giải quyết việc làm, từng bước giúp người dân phát triển kinh tế, tăng hộ khá, giảm hộ nghèo trong buôn.
Thực hiện công tác dân tộc và các chính sách dân tộc, giai đoạn 2019 - 2024, thị xã Buôn Hồ đã hỗ trợ hơn 43.000m2 đất ở, 214 bồn chứa nước cho hộ nghèo dân tộc thiểu số; tổ chức 20 đợt tư vấn, giới thiệu việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; mở 27 lớp đào tạo nghề, thu hút hàng trăm lượt người dân tộc thiểu số tham gia. Thị xã đã xây mới và sửa chữa được 86 nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ xây 20 căn nhà cho hộ nghèo và xây dựng nhà ở cho 35 hộ người dân tộc thiểu số; tạo điều kiện cho 2.904 lượt hộ dân tộc thiểu số vay vốn chính sách, tổng doanh số cho vay hơn 121 tỷ đồng... Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã chủ động thực hiện tốt công tác kết nghĩa với 28 buôn đồng bào dân tộc thiểu số, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ xây nhà và thăm, tặng quà nhân các ngày lễ, Tết.
Ông Y Xuân Arul, buôn Kwang A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ cho biết, sinh ra từ buôn làng, không nản chí trước cuộc sống nghèo khó, ông quyết tâm học hành. Nhờ được hưởng các chế độ, chính sách, học bổng, vốn vay, từ ông Y Xuân Arul đến các con ông đều được đi học, có việc làm ổn định. Sau khi trở thành nhà giáo của buôn làng, ông Y Xuân Arul còn nỗ lực làm kinh tế với 1,5 ha trồng cà phê, hồ tiêu. Ông còn tham gia hòa giải ở buôn làng, vận động người dân cho con cháu đi học, xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
Hệ thống đường - điện - trường - trạm khang trang, kiên cố hóa, diện mạo nông thôn “thay da đổi thịt”, đời sống người dân ngày càng đi lên là những minh chứng rõ nét trong việc chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Buôn Hồ. Người dân tộc thiểu số nơi đây đã biết thâm canh tăng vụ, tạo ra các mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, tự lực vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, giàu đẹp… Đây là những “quả ngọt” mà chính sách dân tộc, công tác dân tộc mang lại. Đến cuối năm 2023, toàn thị xã chỉ còn 362 hộ nghèo dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các dân tộc trên địa bàn.
Thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk) đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác dân tộc. |
Ảnh: Hoài Thu - TTXVN |
* Đoàn kết xây dựng buôn làng
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Buôn Hồ phấn đấu xây dựng thị xã trở thành đô thị loại III vào năm 2025. Trong lộ trình ấy, thị xã tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân; đồng thời chú trọng giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho con em người dân tộc thiểu số; xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Theo anh Nịnh Văn Hạnh, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, thị xã có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Do đó, thời gian tới, người dân tộc thiểu số nơi đây mong muốn các cấp chính quyền, địa phương tiếp tục tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt để sản xuất hiệu quả; tiếp tục tạo các nguồn vốn vay ưu đãi, tín dụng chính sách để người dân có điều kiện đầu tư vào sản xuất, vươn lên làm giàu.
Lễ hội cúng bến nước của dân tộc Ê Đê ở phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). |
Ảnh: TTXVN phát |
Giai đoạn 2024 - 2029, thị xã Buôn Hồ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân trên 10%/năm; giải quyết việc làm cho khoảng 1.700 lao động mỗi năm; tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2029 giảm còn 2,19%. Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ Y Cing Mlô cho biết, để thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian tới, thị xã tập trung quán triệt, triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc. Bên cạnh đầu tư hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thị xã tập trung phát triển kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để ổn định đời sống cho nhân dân; tranh thủ vai trò của già làng, người có uy tín; kiện toàn các tổ chức chính trị trong thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, thị xã Buôn Hồ được định hướng trở thành cực tăng trưởng trung tâm Tiểu vùng phía Bắc của tỉnh, đóng vai trò là trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch, sinh thái, văn hóa, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, thị xã cần huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để tập trung giúp đỡ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, chú trọng thực hiện tốt các chính sách dân tộc để đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ổn định. Đồng thời, thị xã cần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Các sản phẩm OCOP của thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk). |
Ảnh: Hoài Thu – TTXVN |
Song hành cùng sự phát triển của đất nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn thị xã Buôn Hồ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức xây dựng và giữ gìn khối đại đoàn kết dân tộc. Thời gian tới, các dân tộc trên địa bàn thị xã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng thị xã Buôn Hồ “giàu đẹp, sinh thái, văn minh, nghĩa tình”./.