Y học cổ truyền Việt Nam tỏa sáng tại Hội thảo quốc tế ở Italy
Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tại Hội thảo quốc tế về Y học tích hợp, các liệu pháp chăm sóc tự nhiên và cổ truyền, khoa học thực vật - diễn ra tại thành phố Milan, miền Bắc Italy trong các ngày 12-13/8, nhóm tác giả Việt Nam thuộc dự án nghiên cứu sản phẩm phòng và điều trị huyết khối từ thảo dược đã được mời trình bày báo cáo.

   Báo cáo của đoàn Việt Nam cho biết các tác giả thuộc dự án đã thực hiện 5 nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật thực nghiệm. Những kết quả cho thấy sản phẩm không chỉ an toàn, có tác dụng ngăn ngừa hình thành và làm tan cục máu đông theo nhiều cơ chế, mà đặc biệt còn có tác dụng đối với bệnh lý nhồi máu cơ tim.   Những kết quả nghiên cứu sản phẩm cho thấy tiềm năng ra đời một loại thuốc an toàn và hiệu quả trong phòng và điều trị các vấn đề liên quan huyết khối, trong đó có nhồi máu cơ tim. Dự án nghiên cứu cũng cho thấy vai trò của y học cổ truyền và các sản phẩm thảo dược  Việt Nam có thể giải quyết được những vấn đề khó trong y học và được những người tham dự hội thảo quan tâm.   

Nghiên cứu bắt nguồn từ một sản phẩm của công ty cổ phần Sao Thái Dương và được thực hiện các nghiên cứu sâu hơn trên động vật thực nghiệm cũng như trên lâm sàng tại Trung tâm dược lý lâm sàng, Đại học Y Hà Nội. Một bài báo quốc tế về tác dụng của thuộc mới đối với việc phòng bệnh nhồi máu cơ tim trên động vật thực nghiệm đã được đăng tải trên Science Direct vào tháng 8/2023.    Công ty Sao Thái Dương là doanh nghiệp khoa học công nghệ có 14 bằng độc quyền sáng chế. Sản phẩm gần đây nhất là Sunkovir - thuốc thảo dược điều trị COVID-19 và các virus lây lan qua đường hô hấp, cúm mùa. Sản phẩm này là phương thuốc thảo dược đầu tiên được chứng minh an toàn hiệu quả và được cấp phép với chỉ định điều trị các bệnh do virus lây truyền qua đường hô hấp (cúm, COVID-19 thể nhẹ).

Ba nghiên cứu lâm sàng của sản phẩm đã được đăng tải trên pubmed và hơn 700 bài báo quốc tế khác đưa tin. Công trình nghiên cứu này cũng đã gây tiếng vang tại hội thảo nghiên cứu thuốc mới Pharma R&D diễn ra vào tháng 02/2024 tại Boston, Mỹ và đạt giải nhì giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (vifotech).    Tại hội thảo ở thành phố Milan, những người tham dự đã nghe hơn 30 báo cáo của cáctác giả thuộc 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... Các diễn giả đã trình bày những nghiên cứu từ phòng thí nghiệm tới ứng dụng các dược liệu trong chăm sóc y học, ứng dụng công nghệ số trong nghiên cứu thực vật, dược liệu và y học.   

Hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều người, trong đó có giới khoa học, doanh nghiệp và người dân quan tâm, tin tưởng các sản phẩm thảo dược trong nền y học thế giới.   Hồi tháng 8/2023 hội nghị cấp cao toàn cầu về Y Học cổ truyền đã được tổ chức lần đầu tiên tại Ấn Độ trong khuôn khổ hội nghị các bộ trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Chiến lược phát triển y học cổ truyền toàn cầu giai đoạn 2025-2034 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được thảo luận tại hội nghị, chỉ rõ rằng “y học cổ truyền cần có mặt, được tiếp cận và lựa chọn sử dụng song hành cùng với y học hiện đại ở tất cả các cơ sở y tế.”   Điều này phần nào khẳng định vai trò quan trọng của y học cổ truyền trong nền y học thế giới và trong việc chăm sóc sức khoẻ người dân đặc biệt là việc chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Việc kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại mang lại lợi ích toàn diện cho sức khoẻ con người. Đặc biệt điều này được thể hiện rõ nét hơn sau đại dịch./.

 Dương Hoa-Trường Dụy-Thanh Hải  

Tin cùng chuyên mục

Vung Viêng, một trong những làng chài đẹp nhất thế giới

Vung Viêng là một làng chài nhỏ trên vịnh Hạ Long được du khách nước ngoài đặc biệt ưa chuộng. Theo thống kê của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, từ đầu năm đến nay, Vung Viêng đã đón hơn 39.000 lượt du khách, trong đó, hơn 95% là du khách quốc tế. Vung Viêng được nhiều tạp chí du lịch quốc tế bầu chọn là một trong những làng chài đẹp nhất thế giới. 

Phở Hà Nội: Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến, gắn với tập quán, văn hoá ẩm thực của Hà Nội. Mới đây, phở Hà Nội đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Tri thức dân gian.  

Nghề đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm - Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia

Đan võng ngô đồng là một nghề thủ công truyền thống chứa đựng nhiều giá trị nhân văn của bao lớp cư dân trên đảo gắn bó máu thịt với đất trời, biển rừng, nhẫn nại, kiên trì, mềm mại, chắc chắc. Chiếc võng ngô đồng là một công trình nghệ thuật không chỉ ở hình thái kết cấu mà còn chứa đựng trong đó tình cảm của đất và người giữa đảo xa. Việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề đan võng ngô đồng là sự ghi nhận, tôn vinh nghề truyền thống, sự sáng tạo của cư dân địa phương trong việc tạo ra nghề và không ngừng đổi mới, sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, nhất là tạo nên những sản phẩm du lịch; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, lòng hiếu khách, chân tình của cư dân vùng biển đảo. Tối 6/8/2024, tại xã đảo Tân Hiệp, UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam tổ chức khai mạc Festival “Cù Lao Chàm - Mùa Ngô đồng đỏ” 2024 và đón nhận danh hiệu Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống đan võng ngô đồng Cù Lao Chàm do Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch công nhận.

Phở Nam Định - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2326/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định”. Nam Định hiện có khoảng 300 quán phở, nhiều nhất là thành phố Nam Định và huyện Nam Trực. Ba làng Vân Cù, Giao Cù, Tây Lạc ở xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực được xem là quê hương của phở Nam Định. Phở Nam Định có hương vị đậm đà hơn nhờ cốt nước mắm cá. Nước dùng phở được chế biến từ xương bò ninh nhừ với đầy đủ gia vị như hành khô, gừng nướng đập dập, thảo quả, hoa hồi, quế, đinh hương, hạt ngò gai, thanh quế... Phở bò Nam Định đậm hương thịt bò, phong vị mặn mòi từ nước mắm miền biển. Không có nước mắm ngon thì dẫu có cho bao nhiêu gia vị, mì chính cũng không thể cho ra hương vị phở Nam Định đúng điệu.

Mì Quảng - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia

Ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2327/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian mì Quảng tỉnh Quảng Nam”. Mì Quảng được chế biến từ gạo xay, tráng thành từng chiếc bánh rồi dùng dao thái sợi để chế biến món ăn. Món mì này thường có màu trắng của gạo hoặc màu vàng của hạt dành dành hay nghệ vàng. Sợi mì dẹt, dày hơn so với mì ở các vùng khác. Mì sợi được thái đều và giữ được độ dai mềm khi còn nóng. Người dân xứ Quảng thường lựa chọn các nguyên liệu như thịt gà, heo, tôm, trứng cút, cua, thịt bò, thịt ếch, cá lóc để chế biến. Một bát mì Quảng có thể có một loại nhân thịt hoặc kết hợp của hai hay ba loại để tạo cho dư vị được đậm đà hơn.

“Cầu thang văn hóa” đặc biệt tại Hà Nội

Trong không gian của những nhà tập thể cũ ở phường Nghĩa Tân (Hà Nội), có một khu vực hơn 20 năm nay đã trở thành địa điểm giúp kết nối tình hàng xóm, góp phần nâng cao tri thức cho người dân cũng như bảo vệ khuôn viên cộng đồng. Đó không phải nhà văn hóa cũng không phải thư viện, mà nó có tên gọi rất đỗi thân thuộc - “cầu thang văn hóa”.