135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học giả và bạn bè Pháp đánh giá cao vai trò của Người
Nhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), nhiều nhà sử học, chính trị gia và bạn bè Pháp đã chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp những đánh giá sâu sắc về vai trò và ảnh hưởng của Người đối với lịch sử Việt Nam và thế giới. Di sản của Người, từ tư tưởng đến phong cách lãnh đạo, vẫn tiếp tục được nghiên cứu và ngưỡng mộ trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.

Theo nhà sử học Pháp Pierre Journoud, "Chủ tịch Hồ Chí Minh có vị trí to lớn trong lịch sử giải phóng dân tộc và thuộc địa ở thế kỷ XX. Nhìn vào hành trình của Người, với 30 năm bôn ba nước ngoài để tiếp thu văn hóa của nhiều quốc gia và nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là việc tiếp cận với nền văn hóa chính trị cho phép Người sau này đấu tranh chống lại sự thống trị của thực dân, có thể thấy đó là một hành trình thật sự đáng kinh ngạc. Với hành trang đó, Người đã trở về nước một cách bí mật vào năm 1941, trong thời kỳ đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai, để tổ chức lực lượng kháng chiến nhằm chống lại thực dân Pháp và hiện thực hóa giấc mơ lớn lao: giành độc lập và thống nhất cho Việt Nam”.

Nhà sử học Pháp Pierre Journoud. Ảnh : Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Nhà sử học Pierre Journoud cho rằng vị trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thế kỷ XX, đặc biệt trong phong trào giải phóng dân tộc, là cực kỳ quan trọng. Người đã tuyên bố độc lập cho Việt Nam vào ngày 2/9/1945 và cùng cả dân tộc Việt Nam tiếp tục chiến đấu để bảo vệ nền độc lập đó thông qua những chiến dịch mang tầm vóc lịch sử thế giới như trận Điện Biên Phủ, một trận chiến cũng gắn liền với cả tên tuổi của Tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là 2 nhân vật có sức ảnh hưởng sâu rộng, được biết đến trên toàn thế giới nhờ chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng ảnh hưởng của Hồ Chí Minh và Tướng Giáp đã được công nhận nhưng vẫn cần những nghiên cứu mới để xây dựng nên một lịch sử toàn cầu về Hồ Chí Minh, một nhân vật vừa là nhà tư tưởng chiến lược, vừa là người có tầm nhìn xa. Đây là lý do vì sao ông được ngưỡng mộ trên khắp thế giới, bất kể quan điểm chính trị. Thực sự thán phục nhà lãnh đạo đã sớm nhận thức được tình hình Việt Nam, tìm kiếm giải pháp, kể cả việc đến Pháp để tìm giải pháp đó, và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Tôi nghĩ rằng Hồ Chí Minh có một phong cách lãnh đạo khá thực tế. Chính điều này đã giúp ông được mến mộ toàn cầu và có nhiều bạn bè quốc tế, nhất là ở những quốc gia ông từng sinh sống trong gần 30 năm ở nước ngoài. Ông đã xây dựng được nhiều mối quan hệ có giá trị lâu dài và góp phần tạo nên danh tiếng cho đến ngày nay".

Cũng có tình cảm ngưỡng mộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sử học Pháp Alain Ruscio chia sẻ: "Tôi cho rằng cách Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn bó với nhân dân mình gần như độc nhất vô nhị trong lịch sử nhân loại, hoặc chí ít cũng là vô cùng hiếm hoi. Đã có sự gắn kết thực sự, tạo thành thể thống nhất, một sự hòa trộn giữa Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam, đơn giản vì ông là một người con của dân tộc này và chưa bao giờ phản bội họ. Ông luôn gắn bó sâu sắc với nhân dân và cuộc đấu tranh ấy. Ông luôn là người dẫn đường chỉ lối, ngay từ giai đoạn hoạt động bí mật và khi là nhà hoạt động của Quốc tế Cộng sản thứ Ba, từ thời điểm đó ông đã luôn bảo vệ lập trường yêu nước trong phong trào cộng sản Việt Nam”.

Nhà sử học Pháp Alain Ruscio. Ảnh : Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Với sử gia Alain Ruscio, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tuyên ngôn độc lập cho Việt Nam vào năm 1945. Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ đi chệch khỏi 2 mục tiêu lớn là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Ông Alain Ruscio nói: “Thống nhất đất nước là mục tiêu vô cùng quan trọng. Tôi tin rằng cả người Pháp và người Mỹ đã không hiểu được điều này nên xem thường tinh thần đó của dân tộc Việt Nam."

Còn với ông Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp (PCF), "Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những người đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam giành được độc lập dân tộc. Mặc dù Người đã qua đời vào năm 1969 nhưng chính Người đã khởi xướng cuộc đấu tranh giành độc lập từ thời kỳ Đông Dương. Giữa Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Pháp có mối liên hệ rất sâu sắc, bởi vì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có mặt tại Đại hội Tours năm 1920, thời điểm thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự hiện diện của Người rất quan trọng đối với Đảng Cộng sản Pháp, vì Người đã nói với chúng tôi về chế độ thực dân, về những nỗi kinh hoàng của chủ nghĩa thực dân mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng. Nhưng bản thân Người cũng học hỏi được nhiều điều từ các cuộc thảo luận, từ tình hữu nghị giữa các dân tộc, giữa những người lao động, cùng chung khát vọng thoát khỏi chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân. Tất cả điều đó đã hình thành nên một mối liên hệ rất bền chặt giữa chúng ta, kéo dài cho đến ngày nay”.

Ông Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp (PCF). Ảnh : Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Bí thư toàn quốc của PCF chia sẻ thêm: “Với cá nhân tôi là người từng sống ở Việt Nam khi còn là thiếu niên, từ năm 1983, tức là 8 năm sau ngày Việt Nam hoàn toàn giải phóng, tôi sẽ không bao giờ quên câu nói của Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh giành độc lậpcho đất nước: ‘Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh’. Tôi nghĩ rằng tất cả các vị tổng thống, nguyên thủ quốc gia trên thế giới nên suy ngẫm và áp dụng câu nói này".

Bà Hélène Luc - cựu Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt (AAFV) – cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, một con người vô cùng đặc biệt đối với bà. “Cho phép tôi bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã để lại dấu ấn to lớn và đến nay vẫn là tấm gương sáng cho các thế hệ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam”, nữ Chủ tịch AAFV nói.

Bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Pháp - Việt (AAFV). Ảnh : Nguyễn Thu Hà (P/v TTXVN tại Pháp)

Bà Hélène Luc chia sẻ thêm: “Từ ngày Người đặt chân đến Marseille khi mới 17 tuổi trong vai một người làm bếp trên tàu thủy, Người đã không ngừng học hỏi, tìm hiểu và trăn trở để tìm con đường riêng cho dân tộc Việt Nam bằng cách đi khắp nước Pháp và thế giới. Người đã tìm ra con đường đó cùng với các đồng chí của mình và luôn đặt ngoại giao lên hàng đầu, thiết lập quan hệ với các chính phủ và nhân dân thế giới, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần vạch ra con đường cho thế giới, nơi mà hợp tác, sự tôn trọng lẫn nhau và hạnh phúc của tất cả mọi người là động lực chính của lịch sử, vì một thế giới hòa bình".

Ngưỡng mộ và tôn trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là những tình cảm mà ông Jean-Jacques Guérin, Tổng thư ký AAFV, dành cho vị “Cha già” của dân tộc Việt Nam. Theo ông: "Hồ Chí Minh là một người thật tuyệt vời. Ông có vị trí rất quan trọng với chúng tôi, bởi vì những người sáng lập Hội Hữu nghị Pháp - Việt đều là bạn thân thực sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là Charles Fourniaud, người mà hiện nay tên của ông đã được đặt cho một ngôi trường ở Việt Nam… Thực sự, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Charles Fourniaud đã có mối quan hệ rất sâu sắc. Tất cả các thành viên sáng lập của Hội chúng tôi đều có mối liên hệ rất chặt chẽ với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó là một phần trong di sản và thành quả của AAFV, và khiến chúng tôi rất tự hào”.

Ông Jean-Jacques Guérin, Tổng thư ký Hội hữu nghị Pháp - Việt (AAFV). Ảnh: Nguyễn Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Tổng thư ký AAFV nói thêm: “Cá nhân tôi nghĩ, quả thực người như Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới không có nhiều. Bởi vì, không phải ai cũng có khả năng huy động cả một dân tộc, trước hết là tổ chức lực lượng kháng chiến, chấm dứt chiến tranh và sau đó là giúp đất nước thoát khỏi nghèo đói, đặt nền móng xây dựng một nước Việt Nam hiện đại như ngày nay. Với mức tăng trưởng GDP được công bố là 8%, Việt Nam thật sự phi thường, chúng tôi thực sự ngưỡng mộ điều đó".

Nguyễn Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những di sản vượt thời đại, vẹn nguyên tính thời sự

Cách đây 38 năm, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết vinh danh Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam. Sự vinh danh này đã khẳng định di sản mà Người để lại mang tính phổ quát, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự. Đây là lời khẳng định của Tổng thư ký Hội Hữu nghị Brazil - Việt Nam Pedro da Oliveira khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tưởng nhớ Người nơi quê hương vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới V.I.Lenin

Tại thành phố Ulyanovsk (LB Nga), quê hương vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp vô sản thế giới V.I.Lênin, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Ekaterinburg phối hợp chính quyền tỉnh cùng tên, tỉnh Nghệ An và Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại Ulyanovsk long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Bạn bè Thụy Sĩ ấn tượng với sự phát triển của Việt Nam

Bác Hồ là biểu tượng sáng ngời cho lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, trí tuệ uyên bác và sự hy sinh vô bờ bến vì nhân dân, vì Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ đã có cuộc trao đổi với những người bạn quốc tế về hình ảnh Việt Nam như một đất nước yêu chuộng hòa bình, tập trung phát triển kinh tế, chăm lo cho cuộc sống của toàn dân.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sắt son tấm lòng của kiều bào Thái Lan với Bác Hồ - Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Thái “Bác Hồ ở Thái Lan”

Ngày 18/5, tại Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Udon Thani, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen, Thái Lan, phối hợp với Ban quản lý Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tỉnh Udon Thani và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức trọng thể chương trình kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động có ý nghĩa sâu sắc.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Cộng đồng người Việt tại Campuchia luôn hướng về cội nguồn

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025), sáng 18/5, Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia (KVA) trang trọng tổ chức lễ dâng hương để bày tỏ lòng thành kính cũng như mãi ghi nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế, đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Sinh viên Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) khắc ghi sứ mệnh xây dựng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn"

Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), phóng viên TTXVN tại Trung Quốc đã phỏng vấn các bạn sinh viên Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Đài Loan (Trung Quốc), cùng lắng nghe các bạn chia sẻ những tình cảm, cảm nghĩ về vị Cha già của dân tộc Việt Nam.

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nguyện kế tục gìn giữ và phát triển mối tình vĩ đại và đặc biệt Việt Nam-Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, chiều 18/5 tại Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Xiengvang, huyện Nongbok, tỉnh Khammouane, Trung Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cùng các cơ quan đại diện, cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).

135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Ngọn đuốc dẫn đường cho các phong trào tiến bộ toàn cầu

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), phóng viên TTXVN tại châu Mỹ đã có cuộc trao đổi với ông Miguel Mejía, Tổng Bí thư Phong trào Cánh tả Thống nhất (MIU) Cộng hòa Dominicana về giá trị trường tồn trong tư tưởng của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam và những bài học cho phong trào tiến bộ thế giới.