Cây tỏi giúp người dân Lý Sơn thoát nghèo

Cây tỏi giúp người dân Lý Sơn thoát nghèo

Những ngày này, trên khắp các cánh đồng ở huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), người dân đang tất bật thu hoạch tỏi vụ Đông Xuân 2024 – 2025. Tỏi là một trong 2 loại cây trồng chủ lực ở Lý Sơn, cùng với hành, và thường được người dân trên hòn đảo tiền tiêu này ví như “vàng trắng” vì giá trị kinh tế mang lại cao, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng. Nhờ trồng hành tỏi mà đời sống của hàng trăm hộ dân trên đảo đã thoát nghèo, đời sống khấm khá hơn trước. Năm nay, toàn huyện Lý Sơn trồng khoảng 320 ha hành tỏi. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, sau 5 tháng, cây tỏi phát triển đều, cho sản lượng cao khoảng 3.000 tấn. Ảnh: TTXVN
Vai trò của những con kênh trong việc ngọt hóa vùng đất nhiễm phèn ở Đồng Tháp

Vai trò của những con kênh trong việc ngọt hóa vùng đất nhiễm phèn ở Đồng Tháp

Một phần của tỉnh Đồng Tháp ngày nay thuộc vùng Đồng Tháp Mười. Trước kia, nơi đây là vùng đất nhiễm phèn nặng, trũng thấp, sản xuất nông nghiệp rất khó khăn. Sau khi được giải phóng, tỉnh Đồng Tháp tiến hành đào nhiều kênh lớn nhỏ, dẫn nước ngọt từ sông Tiền vào vùng Đồng Tháp Mười để ém phèn và tháo chua rửa phèn, góp phần quan trọng trong việc mở mang khai thác vùng đất, nhất là tăng diện tích trồng lúa và nâng cao năng suất. Ảnh: Nhựt An - TTXVN
Tuổi trẻ Yên Bái chung tay xóa nhà tạm

Tuổi trẻ Yên Bái chung tay xóa nhà tạm

Hưởng ứng phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở, Tỉnh đoàn Yên Bái đã vận động các nguồn lực xã hội hoá để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đây không chỉ là hoạt động an sinh xã hội ý nghĩa mà còn thể hiện vai trò xung kích, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc cải thiện chất lượng sống cho cộng đồng. Ảnh: Tiến Khánh - TTXVN
Lai Châu: Gương đảng viên trẻ tiên phong làm kinh tế giỏi

Lai Châu: Gương đảng viên trẻ tiên phong làm kinh tế giỏi

Đảng viên trẻ Lò Văn Vượng, ở bản Đông, xã Mường Than, huyện Than Uyên (Lai Châu), là một trong những tấm gương sáng trong phong trào làm kinh tế giỏi, dám nghĩ, dám làm. Anh đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại giống, cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, gia đình anh đã trồng 1,2ha dâu tây, 400 cây mận, ngoài ra còn trồng bưởi xen canh ổi, măng sặt dưới tán rừng, trên 1000 m2 diện tích ớt chỉ thiên. Anh còn đầu tư chuồng trại, phát triển chăn nuôi lợn nái bản địa với 20 con, 100 con gia cầm các loại. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng. Ảnh: Quý Trung - TTXVN
Thanh niên Sơn La khát vọng lập thân, lập nghiệp

Thanh niên Sơn La khát vọng lập thân, lập nghiệp

Những năm qua, chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” đã được các cấp bộ Đoàn tỉnh Sơn La triển khai sâu rộng tới đoàn viên thanh niên. Qua đó, tạo lập môi trường thuận lợi hỗ trợ, thúc đẩy đoàn viên, thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương; góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN
Bắc Hà bừng sáng sắc hoa lê

Bắc Hà bừng sáng sắc hoa lê

Những ngày cuối tháng 3/2025, hoa lê bung nở trên khắp Bắc Hà (Lào Cai), thu hút đông đảo du khách tới tham quan, chụp ảnh. Sắc trắng tinh khôi, mộc mạc của hoa lê trên vùng đất cao nguyên tạo nên khung cảnh mộng mơ cho cả vùng núi rừng, khiến du khách say mê, cùng hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Ảnh: Hương Thu-TTXVN
Cuộc sống mới của đồng bào dân tộc Cống ở vùng biên Pa Thơm (Điện Biên)

Cuộc sống mới của đồng bào dân tộc Cống ở vùng biên Pa Thơm (Điện Biên)

Những năm qua, nhờ chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đời sống của đồng bào dân tộc Cống tại xã biên giới Pa Thơm, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) đã có những bước chuyển mình rõ rệt. Các công trình hạ tầng như đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống nước sinh hoạt, nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của đồng bào Cống huyện Điện Biên đã giảm từ 90% (năm 2016) xuống còn khoảng 40%. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Chỉ thị 40-CT/TW – Điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội

Chỉ thị 40-CT/TW – Điểm sáng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội

Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội cùng tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội, góp sức lớn cho xây dựng nông thôn mới. Nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội đã đến đúng đối tượng được hưởng thụ, giúp hộ nghèo, gia đình chính sách có điều kiện phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm, mở rộng sản xuất, kinh doanh…. Nhờ vốn vay ưu đãi, 10 năm qua đã có hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm hơn 4,2 triệu lao động; hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập… là kết quả vô cùng ấn tượng cho thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Ảnh: Trần Việt - TTXVN
Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế

Hà Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế

Hà Giang, địa danh nổi tiếng với những cung đường đèo uốn lượn, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những bản làng mộc mạc nép mình bên triền đá ẩn giấu bao điều thú vị về văn hóa, cuộc sống chân thực của đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày càng nổi tiếng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới (theo dữ liệu tìm kiếm từ nền tảng du lịch số Agoda). Ảnh: Khánh Hoà – TTXVN
Băng tuyết bất ngờ xuất hiện trên đỉnh Tà Xùa

Băng tuyết bất ngờ xuất hiện trên đỉnh Tà Xùa

Đêm 18/3/2025, trên đỉnh Tà Xùa thuộc xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) xuất hiện băng tuyết dày, phủ kín các cành cây. Băng tuyết kéo dài đến 7 giờ 30 phút sáng 19/3 khi mặt trời mọc rồi tan dần. Đây là lần đầu tiên băng tuyết xuất hiện vào thời gian này. Đây là lần thứ 3 xuất hiện băng giá trên đỉnh Tà Xùa tính từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Ảnh: TTXVN phát
Trải nghiệm đu dây qua hố sụt Ác Mộng tại Quảng Bình

Trải nghiệm đu dây qua hố sụt Ác Mộng tại Quảng Bình

Hố sụt Ác Mộng sâu 250m, bên trong có dòng sông ngầm bí ẩn, thuộc hệ thống hang Hung Thoòng (vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình). Đu dây qua hố sụt sâu thẳm này là trải nghiệm thú vị với du khách ưa thích mạo hiểm. Ảnh: TTXVN phát
Nghệ An: Độc đáo lễ hội tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu

Nghệ An: Độc đáo lễ hội tiếng sấm đầu năm của dân tộc Ơ Đu

Ngày 14/3/2025, cộng đồng dân tộc Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) nô nức tổ chức lễ hội tiếng sấm đầu năm. Đây là một lễ hội lớn, quan trọng của người Ơ Đu, một trong 5 dân tộc ít người nhất trong cộng đồng 54 dân tộc trên cả nước, hiện diện duy nhất trên địa bàn huyện Tương Dương và tập trung sinh sống chủ yếu ở bản Văng Môn với 102 hộ, 345 nhân khẩu. Trong tâm thức của người Ơ Đu cho rằng, khi nào có tiếng sấm thì đó là thời điểm bước sang năm mới. Với ý nghĩa cầu chúc bản làng bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng dồi dào sức khỏe, lễ hội tiếng sấm đầu năm có nhiều nghi thức mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo, đặc trưng của dân tộc Ơ Đu. Ảnh: Xuân Tiến - TTXVN
Thưởng thức

Thưởng thức "combo phở" trên “nóc nhà” Thành phố Hồ Chí Minh

Combo Phở chọc trời (Phở Lanmark81) và Phở xào do đầu bếp khách sạn Vinpearl Landmark 81, Autograph Collection chế biến với nước dùng đặc biệt được hầm trong 48 giờ từ xương bò Wagyu nhập khẩu từ Úc, nguyên liệu thượng hạng từ Nhật Bản - thịt bò Satsuma Wagyu cao cấp. Đây là một sản phẩm du lịch độc đáo khi thực khách vừa được thưởng thức món phở truyền thống Việt Nam vừa được ngắm toàn cảnh Thành phố Hồ Chí Minh trên cao. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Đảng viên trẻ Nguyễn Văn Hiệp - tấm gương sáng về y đức nơi vùng cao của Lào Cai

Đảng viên trẻ Nguyễn Văn Hiệp - tấm gương sáng về y đức nơi vùng cao của Lào Cai

Đảng viên trẻ, bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp (quê ở huyện Bát Xát) được phân công phụ trách Trạm Y tế xã Dền Sáng, huyện Bát Xát (Lào Cai), nơi còn nhiều khó khăn với hơn 98% là bà con dân tộc Dao sinh sống. Mặc dù địa bàn là xã nghèo, khó khăn của huyện Bát Xát, đường xá đi lại vô cùng vất vả, nhất là vào mùa mưa nhưng với lòng yêu nghề, thương dân, bác sĩ Nguyễn Văn Hiệp đã không quản khó khăn, vất vả trở thành chỗ dựa tin cậy của đồng bào dân tộc địa phương mỗi khi đau ốm. bệnh tật. Ngoài khám và điều trị bệnh, bác sĩ Hiệp còn tuyên truyền cho nhân dân về cách chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, tư vấn 1000 ngày đầu đời cho trẻ sơ sinh… Như những giọt mưa phùn thấm sâu, bà con dân tộc Dao ở Dền Sáng đã ngày càng ý thức được cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân, góp phần xây dựng một vùng quê mạnh khỏe, cuộc sống mới hạnh phúc, văn minh. Ảnh: Minh Đức – TTXVN
Rừng hoa ban cổ thụ đẹp như cổ tích ở Nặm Cứm

Rừng hoa ban cổ thụ đẹp như cổ tích ở Nặm Cứm

Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) chừng 50 km, bản Nặm Cứm, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng có khoảng 1.200 cây hoa ban cổ thụ. Vào tháng 3 hàng năm, rừng ban cổ thụ ở Nặm Cứm bung nở trắng muốt khiến bản làng bừng sáng, đẹp như xứ sở mộng mơ. Bản Nặm Cứm hiện có hơn 70 hộ, với trên 400 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Người dân nơi đây luôn có ý thức bảo vệ rừng ban cổ thụ như một di sản của bản làng. Ảnh: Xuân Tư - TTXVN
Đặc sắc Hội voi Buôn Đôn (Đắk Lắk)

Đặc sắc Hội voi Buôn Đôn (Đắk Lắk)

Ngày 12/3/2025, Hội voi Buôn Đôn năm 2025 được tổ chức tại xã biên giới Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Đây là nội dung trong khuôn khổ chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk (10/3/1975 - 10/3/2025) và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN
Hà Tĩnh thành lập 210 đội hình thanh niên “Bình dân học vụ số”

Hà Tĩnh thành lập 210 đội hình thanh niên “Bình dân học vụ số”

Trong Tháng Thanh niên năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh thành lập hơn 210 Đội hình thanh niên “Bình dân học vụ số” với gần 3.000 thành viên, tập trung vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ phổ cập cho người dân và thanh thiếu nhi các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến. Ảnh: TTXVN phát
Bảo tồn và phát triển nghề làm tương ở Hưng Yên

Bảo tồn và phát triển nghề làm tương ở Hưng Yên

Thôn Bần, xã Yên Nhân, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên nổi tiếng với nghề làm tương có từ lâu đời. Không giống với cách làm tương truyền thống, người dân làng Bần hiện nay đã sử dụng nhiều máy móc công nghệ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, sự thay đổi của xã hội nhưng người dân làng Bần vẫn bảo tồn và phát triển, giữ gìn nét đẹp của làng nghề, đồng thời tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động. Ảnh: TTXVN
Người

Người "giữ hồn" thổ cẩm ở vùng cao Yên Bái

Với mong muốn gìn giữ, phát triển các sản phẩm thổ cẩm, nghệ nhân Lý Thị Ninh, ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã kết nối, mang thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mông vươn ra thế giới và trở thành người "giữ hồn" thổ cẩm dân tộc. Hiện chị Ninh là Giám đốc Hợp tác xã thêu dệt thổ cẩm Mông Style với gần 50 thành viên, tạo thu nhập ổn định cho chị em với mức lương từ 3-5 triệu đồng. Ảnh: Đinh Thùy-TTXVN