Năm 1956, giữa những bộn bề của đất nước non trẻ vừa bước ra khỏi chiến tranh, Việt Nam đã đưa ra một quyết định mang tính chiến lược: tham gia sáng lập Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân (Joint Institute for Nuclear Research – JINR) tại Dubna, Liên Xô (nay thuộc Liên bang Nga). Ngay từ những năm 1960 khi chiến tranh còn chưa chấm dứt, Việt Nam đã cử hàng trăm cán bộ sang Dubna học tập và nghiên cứu. Nhiều người trong số họ sau này trở thành các nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý và công nghệ hạt nhân, như GS. Nguyễn Đình Tứ – người tham gia phát hiện phản hạt sigma âm, GS. Nguyễn Văn Hiệu – chuyên gia về lý thuyết đối xứng của các hạt cơ bản và quá trình sinh nhiều hạt ở vùng năng lượng cao, giải thưởng Lenin năm 1986. Đây không chỉ là một hành động mang tính biểu tượng về hội nhập khoa học quốc tế, mà còn là minh chứng cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo trí thức Việt Nam thời kỳ đó, những người tin rằng khoa học và công nghệ – đặc biệt là khoa học cơ bản – sẽ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, độc lập và hiện đại của quốc gia.