50 năm Thống nhất đất nước: Hélène Luc với tình yêu dành cho Tổ quốc thứ hai - Việt Nam
Tháng 4/2025 là dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hòa trong niềm vui chung của cả dân tộc, còn có sự chia sẻ của những người bạn quốc tế, trong đó có những người bạn gắn bó với Việt Nam bằng tình yêu thủy chung và lâu bền. Bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh dự Pháp là một người như thế. Từ cô gái trẻ đầy nhiệt huyết tham gia phong trào chống chiến tranh, đến khi là Thượng nghị sĩ danh dự, bà đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị Pháp-Việt trong suốt hơn 70 năm qua.

Tiếp các phóng viên TTXVN tại Pháp trong căn hộ nhỏ đầy ắp kỷ niệm trên Đại lộ Villeneuve-Saint-Georges, ở thành phố Choisy-le-Roi, bà Hélène Luc tự mình pha cà phê, sắp bánh ngọt. Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, thoăn thoắt của bà, ít ai nghĩ người phụ nữ này đã bước qua tuổi 90 từ vài năm trước. Mái tóc vàng nhạt bồng bềnh, khuôn mặt hằn rõ nếp nhăn thời gian nhưng không làm mất đi vẻ quý phái, tinh anh của bà. Thậm chí bà trông vẫn trẻ trung năng động trong chiếc váy đen, áo vest hồng. Từ con người bà tỏa ra một năng lượng tích cực khiến đối phương không thể không bị cuốn theo.

Chỉ cho chúng tôi những kỷ vật, những cuốn sách, tài liệu liên quan đến Việt Nam, bà đưa chúng tôi về với những ký ức đã gắn kết bà với đất nước hình chữ S xa xôi trong suốt 70 năm qua. Với ánh mắt rạng ngời niềm vui khi nhắc về Việt Nam, bà chia sẻ: "Tình yêu Việt Nam với tôi sẽ không bao giờ kết thúc".

Sinh năm 1932, bà Hélène Luc bắt đầu sự nghiệp chính trị từ sớm và là thành viên của Đảng Cộng sản Pháp. Bà được bầu làm Thượng nghị sĩ vào năm 1977 và phục vụ trong Thượng viện Pháp qua nhiều nhiệm kỳ, đến năm 2011, trở thành một trong những nữ chính trị gia có ảnh hưởng của nước Pháp. Dù ở các vai trò hay cương vị khác nhau, từ ủy viên Hội đồng tỉnh Val-de-Marne đến Thượng nghị sĩ, từ Phó Chủ tịch Nhóm hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện đến Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV), bà luôn góp phần quan trọng vào việc xây dựng mối quan hệ Pháp-Việt.

Mối duyên của bà Hélène Luc với Việt Nam bắt đầu từ khi bà còn là một cô gái trẻ ở Saint-Étienne. Là con gái của một người thợ mỏ gốc Italy, bà sớm hiểu thế nào là chiến tranh khi chứng kiến những cuộc ném bom tại quê nhà trong Chiến tranh thế giới thứ hai. "Tôi đã hiểu chiến tranh là gì. Việt Nam khi đó đang chiến đấu giành độc lập, tôi đã cảm thấy cần phải làm điều gì đó", bà hồi tưởng. Những hoạt động đầu tiên của bà là tham gia quyên góp sữa, len và các nhu yếu phẩm để gửi đến Việt Nam. Bà cùng các bạn trẻ trang trí xe đạp, đi khắp nơi gây quỹ cho "Con tàu đến Việt Nam" - một trong những nỗ lực sớm nhất của phong trào đoàn kết Pháp-Việt.

Suốt thời gian sau đó, Việt Nam trải qua hết cuộc kháng chiến chống Pháp, lại đến chiến tranh chống Mỹ. "Theo thời gian, từ cuộc chiến tranh này đến chiến tranh khác, tôi luôn quan tâm đến Việt Nam, đến cuộc đấu tranh của họ và đặc biệt là đến mục tiêu mà họ đã đặt ra, đó là giành độc lập dân tộc", bà tâm sự.

Trong số rất nhiều kỷ niệm với Việt Nam, có lẽ thời gian đón tiếp phái đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một trong những ký ức đẹp nhất và sâu sắc nhất với bà. Khi đó, chính quyền thành phố Choisy-le-Roi và Đảng Cộng sản Pháp đã bố trí nơi ăn ở cho phái đoàn trong thời gian đàm phán Hiệp định Paris tại Trường cán bộ trung ương của Đảng Cộng sản Pháp - tòa nhà Maurice Thorez tại số 8 đại lộ Général Leclerc. Dự định chỉ ở vài tháng nhưng phái đoàn đã phải lưu lại đó suốt 5 năm để đàm phán Hiệp định. Bà Hélène Luc nhớ lại trong suốt thời gian đó, Việt Nam đã nhận được nhiều sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Những dòng khẩu hiệu trên các biểu ngữ: "Hòa bình cho Việt Nam, Việt Nam của Hồ Chí Minh sẽ thắng"… xuất hiện không chỉ trong các cuộc biểu tình ở Pháp mà còn ở Đức và thậm chí cả ở Mỹ.

Năm 1978, bà Hélène Luc có chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam sau chiến tranh. Những gì bà thấy đã để lại ấn tượng sâu sắc: "Khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1978, người Việt Nam còn rất nghèo đói. Tôi đã thăm một trường học mà Choisy-le-Roi góp phần xây dựng. Vào cuối chuyến thăm, tôi hỏi : 'Nhà bếp ở đâu?' Họ chỉ cho tôi một cái nồi với 40 viên thịt nhỏ - một viên cho mỗi đứa trẻ, đó là tất cả cho bữa ăn. Những đứa trẻ ăn mặc đàng hoàng, sạch sẽ, nhưng không có gì để ăn". Bà cũng nhắc lại một chi tiết khác: "Muốn có một cây bút bi, người ta phải đi vào các phố của Hà Nội, phải mua mực và nạp vào bút bi. Vào thời điểm đó, người ta vận chuyển thịt trên những chiếc xe đạp cũ kỹ. Đó là những hình ảnh mà tôi vẫn nhớ”.

Cho đến nay, ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc được 50 năm, bà Hélène Luc vẫn không ngừng quan tâm đến Việt Nam. Dù trong thời kỳ chiến tranh hay thời kỳ hòa bình, trong mọi hoạt động từ quyên góp, giúp đỡ, đến hợp tác, hữu nghị với Việt Nam, bà luôn có mặt ở tuyến đầu. Bà quan tâm sâu sắc đến vấn đề chất độc da cam, ủng hộ cuộc chiến pháp lý của bà Trần Tố Nga chống lại tập đoàn Monsanto và một số công ty hóa chất khác từng cung cấp chất diệt cỏ cho quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Bà lo lắng với những thách thức về biến đổi khí hậu mà Việt Nam phải đối mặt, không ngần ngại bày tỏ quan điểm về những thách thức trong môi trường quốc tế mà Việt Nam đang đối mặt, ví dụ như vấn đề thuế quan của Mỹ. Bà vui mừng khi chứng kiến sự phát triển phi thường của Việt Nam trong nửa thế kỷ qua. Bà chia sẻ: "Khi Việt Nam thống nhất, có những nhà báo nói rằng sẽ mất ít nhất 100 năm để đất nước này có thể có vị thế trên thế giới. Nhưng sau 50 năm, chúng ta đã thấy đất nước đó có ảnh hưởng như thế nào. Đó thực sự là một chiến thắng vĩ đại của Việt Nam, không chỉ trên mặt trận ngoại giao mà cả trên phương diện phát triển hòa bình!".

Hiện nay, dù đã ở tuổi cao, bà Hélène Luc vẫn tiếp tục theo dõi và ủng hộ các hoạt động gắn kết hai dân tộc, trở thành nhân chứng sống cho lịch sử quan hệ Pháp-Việt và là cầu nối quý giá cho tình hữu nghị bền vững giữa hai quốc gia. Nói về những cống hiến của bà, ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Pháp – Việt (AAFV) cho biết bà Hélène Luc, là một người "không thể thiếu" ở AAFV. Bà có mặt ở khắp nơi, trong mọi hoạt động của hội. "Bà không chỉ là một trong những người tiền nhiệm của tôi, mà còn là một biểu tượng của AAFV. Ngay cả hiện nay, trong các hoạt động liên quan đến Việt Nam, bà luôn đồng hành cùng chúng tôi trong nhiều sự kiện, tại Pháp và tại Việt Nam, đặc biệt là vào dịp kỷ niệm 50 năm Hiệp định Paris vào năm 2023. Cho đến hôm nay, bà vẫn luôn tích cực như vậy, một con người rất tuyệt vời!".

Về phần mình, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng nhận định bà Hélène Luc là một tấm gương tiêu biểu về tình hữu nghị cũng như sự đoàn kết của bạn bè và nhân dân Pháp dành cho nhân dân Việt Nam trong rất nhiều thập kỷ qua. Từ các hoạt động địa phương ở Choisy-le-Roi, đến các hoạt động tại nghị trường Pháp, đặc biệt là tại Thượng viện, từ các hoạt động hội đoàn đến các hoạt động trong các đảng phái chính trị, tiêu biểu là đảng Cộng sản Pháp, bà Hélène Luc luôn thể hiện nghị lực cũng như niềm tin vào quan hệ và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Pháp kể cả trong công cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đại sứ khẳng định: “Có thể nói bà Hélène Luc là một người phụ nữ có nghị lực bất tận dành cho Việt Nam. Bà cũng là một người tạo ra hình ảnh lôi cuốn cho tất cả những người bạn Pháp hiện nay cũng như trước đây. Và chúng tôi mỗi lần được ở bên cạnh bà cũng được tiếp xúc và động viên rất nhiều để có thể cùng hoạt động với bà, cùng tham gia các hoạt động của bà và cùng khuấy lên nhiều hơn nữa các hoạt động để làm sao cho tình đoàn kết, tình hữu nghị cũng như mối quan hệ, hợp tác giữa Pháp và Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn”.

Những đóng góp to lớn của bà Hélène Luc đã được Nhà nước Việt Nam ghi nhận qua nhiều phần thưởng và huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Hữu nghị và Huân chương Độc lập. Bà cũng được nhiều tỉnh thành của Việt Nam trao tặng danh hiệu công dân danh dự. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, bà là một trong những vị khách quốc tế được mời tham dự Lễ kỷ niệm Chiến thắng 30/4.

"Cuộc đấu tranh vì Việt Nam của tôi sẽ là vĩnh cửu. Đó là Tổ quốc thứ hai của tôi cùng với Italy, nơi cha mẹ tôi sinh ra. Đối với Việt Nam, tôi luôn mong muốn điều tốt đẹp nhất", bà Hélène Luc kết thúc buổi trò chuyện với phóng viên TTXVN bằng lời chia sẻ ấy. Câu chuyện của bà Hélène Luc không chỉ phản ánh lịch sử quan hệ Pháp-Việt Nam mà còn cho thấy tình cảm sâu sắc của người phụ nữ đã dành cả cuộc đời để xây dựng những nhịp cầu hữu nghị giữa hai dân tộc./.

Nguyễn Thu Hà

Tin cùng chuyên mục

50 năm Thống nhất đất nước: Việt Nam trải qua cuộc chuyển mình to lớn sau nửa thế kỷ

Lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để mở ra “kỷ nguyên mới-kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào năm tới mang lại sự đoàn kết không thể thiếu và động lực to lớn cho việc thực hiện “hai mục tiêu trăm năm” thành lập Đảng và thành lập nước. Đó là nhận định của nhà báo Lăng Đức Quyền (Ling Dequan), nhà nghiên cứu về Việt Nam, nguyên Trưởng Cơ quan thường trú Tân Hoa xã tại Hà Nội khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh về những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được sau 50 năm thống nhất đất nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình nghệ thuật đặc biệt

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 30/4/1975, tối 20/4, tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”. Tổng Bí thư Tô Lâm dự chương trình. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công an, Đại tướng Lương Tam Quang; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.

Thăm tặng quà lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành tại TP. Hồ Chí Minh

Chiều 20/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn Công tác Ban Chỉ đạo Trung ương kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023-2025 do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy ban Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương dẫn đầu đã đến thăm, tặng quà động viên các lực lượng tham gia diễu binh, bắn pháo lễ trong lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975-30/4/2025.

Hội thảo Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc

Sáng 20/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”.

Bộ đội thông tin liên lạc bảo đảm “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”

Ngày 28/1/1969, Binh chủng Thông tin liên lạc tổ chức Ðại hội Thi đua "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Nhân dịp này, Bác Hồ đã gửi thư khen Bộ đội thông tin liên lạc và căn dặn: "Ðã cố gắng, cần luôn cố gắng hơn nữa, phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn...". Những lời dạy của Bác Hồ là nguồn cổ vũ các thế hệ Bộ đội thông tin liên lạc phấn đấu trong phong trào thi đua Quyết thắng.

Thủ tướng động viên lực lượng diễu binh, diễu hành

Chiều 19/4, tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi thăm, kiểm tra và động viên các lực lượng vũ trang đang tập luyện để tham gia diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Đại hội Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hàn Quốc thành công tốt đẹp

Ngày 18/4, Đại hội đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hàn Quốc đã được tổ chức trọng thể ở thủ đô Seoul. Đại biểu các chi bộ trực thuộc Đảng ủy tại Hàn Quốc đã tham gia Đại hội. Chủ đề của Đại hội lần này là “Phát huy vai trò của chi bộ Đảng trong triển khai nhiệm vụ đối ngoại giai đoạn 2025-2030”.