75 năm quan hệ Việt Nam - LB Nga: Ấm áp góc nhỏ Việt Nam nơi thủ phủ vùng Ural
Thủ phủ của tỉnh Sversdlovsk Ekaterinburg là thành phố lớn nằm ở miền Trung nước Nga, thuộc khu vực phía Đông của dãy núi Ural hùng vĩ, nơi có đường biên giới phân chia châu Âu và châu Á. Cộng đồng người Việt Nam tại đây hình thành khá muộn, vào khoảng năm 1993 vì trước đó, Ekaterinburg là thành phố quân sự nên cấm người nước ngoài. Cho đến nay, cộng đồng người Việt tại đây có khoảng vài trăm người, không đông song ổn định về số lượng, được chính quyền sở tại đánh giá cao.

40 năm qua sau quãng thời gian tập trung xây dựng kinh tế, người Việt tại tỉnh Sverdlovsk còn ý thức lan tỏa văn hoá truyền thống, khẳng định vị trí của mình trong xã hội bằng nhiều hình thức. Đến nay nền văn hoá ấy cùng những gắn bó Nga - Việt có thể được chứng kiến tại phòng trưng bày “Việt Nam - Đất nước - Con người” – một góc Việt Nam tại khu chợ sầm uất nhất tại thành phố.

Phòng trưng bày được bố cục đơn giản nhưng hết sức trang trọng. Ở chính giữa là bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây khách tham quan có thể được xem phim tư liệu về chuyến thăm thành phố của Người và một số hình ảnh khi Bác đến công tác tại Liên Xô trước đây.

Hình ảnh Việt Nam hiện đại đến với các bạn Nga qua những bức ảnh về các địa danh nổi tiếng, những di sản thiên nhiên, những danh lam thắng cảnh của Việt Nam.

Thành tích trong hoạt động của Hội người Việt cũng như những hiện vật về sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô trong chiến tranh Việt Nam như minh chứng cho chiều sâu 3/4 thế kỷ của quan hệ Việt Nam - LB Nga.

Trung tá Valery Skoryak từng giúp đỡ lực lượng phòng không Việt Nam, từng có mặt tại Việt Nam trong thời kỳ bom đạn năm 1970. Bản thân ông mang theo về Nga hậu quả của chiến tranh và để lại di chứng trên người con trai. Trước sự không may ấy, các cơ quan, hội ngành Việt Nam đã kịp thời hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho gia đình vị cựu chuyên gia quân sự Liên Xô vì sự hy sinh cho Việt Nam, vì đạo lý người Việt “uống nước nhớ nguồn”.

Cựu Trung tá Valery Skoryak xúc động chia sẻ Tổng lãnh sự qua các thời kỳ và Chủ tịch Hội người Việt Lê Thành Độ đã luôn quan tâm, thăm hỏi gia đình ông và có những hỗ trợ kịp thời. Với ông, tham dự các sự kiện của người Việt như một chuyến về thăm lại mảnh đất, nơi ông gọi là “tình yêu và nỗi đau”, nơi tình cảm Nga - Việt được trân quý.

Phòng trưng bày cũng là địa chỉ “đỏ” trong quảng bá truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam tới các bạn trẻ, các em thiếu niên, nhi đồng người Việt sinh ra và lớn lên tại thành phố Ekaterinburg.

Bạn Nguyễn Thanh Hiếu, nghiên cứu sinh trường Đại học Tổng hợp liên bang Ural, ngoài giờ học còn tham gia là hướng dẫn viên tại Phòng trưng bày. Hiếu chia sẻ: “Đối với em và nhiều bạn trẻ ở đây, phòng lưu niệm không chỉ có ý nghĩa là cầu nối giữa hai nền văn hoá, mà còn là nơi em có thể giới thiệu đến các bạn Nga về văn hoá của Việt Nam, để các bạn có thể hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam”.

Khi mỗi kiều bào đang lần lượt an cư lạc nghiệp nơi “đất lành chim đậu” ở Ekaterinburg như nhiều người công nhận, cộng đồng cũng có được “Ngôi nhà văn hoá” chung, từ đó sự gắn kết với quê hương như hiện hữu hơn, mối quan tâm đến tình hình đất nước ở các kiều bào cũng thường trực hơn.

Ông Lê Thành Độ, Chủ tịch Hội người Việt tại tỉnh Sverdlovsk và cũng là người khởi xướng ý tưởng lập Phòng trưng bày, tâm sự cộng đồng xa Tổ quốc nhưng luôn hướng về quê hương và luôn theo dõi sự phát triển của xã hội Việt Nam. Gần đây Nhà nước có nhiều chính sách mới, về luật lệ giao thông, về tinh giản bộ máy v.v... Dẫu kiều bào không hoàn toàn là người thụ hưởng trực tiếp những chính sách mới ấy, song khi đất nước phát triển văn minh, sạch đẹp, hiện đại, bắt kịp xu thế thế giới thì kiều bào có thêm niềm tự hào và động lực để đóng góp phần mình cho công cuộc đổi mới quê hương.

Cộng đồng hơn 80.000 người Việt có mặt ở hầu hết các thành phố lớn của LB Nga. Những “góc nhỏ Việt Nam” có thể xuất hiện ngày càng nhiều dù ở bất cứ đâu cũng đều là “núm ruột” của mảnh đất hình chữ S, dẫu xa xôi, dẫu nhỏ bé, nhưng luôn là một bộ phận không thể tách rời. Mỗi góc ấy là niềm tự hào, là động lực của bà con kiều bào trong bước đường phát triển, hội nhập, đóng góp vào mối quan hệ hữu nghị thủy chung Việt Nam – LB Nga đã đi qua 3/4 thế kỷ./.

TÂM HẰNG - Phóng viên TTXVN tại LB Nga

Tin cùng chuyên mục

Xuân Ất Tỵ 2025: Kiều bào Thái Lan đón Xuân nhớ Bác

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở bản Noong On, thị xã Muang, tỉnh Udon Thani, Đông Bắc Thái Lan, lại bừng lên sắc màu đa dạng của những tà áo dài Việt Nam truyền thống khi đông đảo bà con kiều bào cùng tới đây tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Bác.

Xuân Ất Tỵ 2025: Cộng đồng người Việt Nam tại Viêng Chăn gìn giữ bản sắc văn hóa và phát triển tiếng Việt

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 29/1, tức ngày 1 tháng Giêng năm Ất Tỵ, tiếp nối chương trình thăm và chúc Tết các gia đình kiều bào, những người có công đối với công tác cộng đồng, Đại sứ Nguyễn Minh Tâm và đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã đến thăm và chúc Tết gia đình người có công trong công tác xây dựng hội và gia đình luôn thúc đẩy việc gìn giữ, lưu truyền văn hóa, tiếng Việt tại Lào cho thế hệ trẻ Việt Nam và Lào.

75 năm quan hệ Việt-Trung: Tập trung thúc đẩy du lịch và giao lưu nhân dân

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, nhân dịp năm mới 2025 và kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc, mới đây, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ đã trả lời phỏng vấn Chương trình đặc biệt “Ngoại giao nước lớn” với chủ đề “Đến Việt Nam, tại sao ngày càng giống đi thăm họ hàng và hàng xóm?”. Đây là chương trình do kênh Tiếng nói Trung Quốc thuộc Đài Phát thanh-Truyền hình Trung ương Trung Quốc thực hiện về thúc đẩy kết nối hạ tầng đường sắt, hợp tác du lịch và giao lưu nhân văn ... giữa hai nước Việt-Trung.

Xuân Ất Tỵ 2025: Đầm ấm Tết cổ truyền tại Hungary

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, đầu tuần này, tại thủ đô Budapest của Hungary đã diễn ra Chương trình Lễ hội Mừng xuân Tết Ất Tỵ 2025 dành cho cộng đồng người Việt Nam ở sở tại. Đây được coi là sự kiện mở màn cho năm kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hungary (1950-2025).

Hạt điều quyết giữ kỷ lục xuất khẩu

Thời gian qua, ngành điều Việt Nam đã đối mặt với nhiều biến động về nguyên liệu, giá cả, nhưng cộng đồng doanh nghiệp chế biến điều đã đồng lòng đưa ngành điều về đích như mong đợi. Với những thắng lợi từ việc giữ chữ tín với khách hàng, nguồn sản phẩm chất lượng cao, hứa hẹn cho ngành điều nhiều cơ hội mới trong năm 2025.

“Mỏ vàng” của dệt may Việt Nam

Đáp ứng nhu cầu lớn của người tiêu dùng lại giúp giảm thiểu nhiều chi phí, kinh doanh trực tuyến đang được cho là phương thức bán hàng phù hợp xu thế hiện nay, đây có thể nói là “mỏ vàng” của dệt may Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã thành công đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để bứt phá.

Xây dựng Trung tâm Tài chính tại Đà Nẵng với lợi thế vượt trội

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Tài chính khu vực tại thành phố Đà Nẵng, đồng thời giao các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng khung chính sách đặc thù, vượt trội. Chủ trương này đã được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao, khẳng định Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế nổi bật.