“Bình dân học vụ số” thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số ở cơ sở |
Chiến dịch “diệt giặc dốt” chính thức được phát động từ ngày 8/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ.
Ngay sau đó, phong trào Bình dân học vụ nhanh chóng được triển khai, lan rộng và ăn sâu vào từng thôn xóm, bản làng. Và chỉ một năm sau, đã có 75.000 lớp học được tổ chức với sự tham gia của 95.000 giáo viên; trên 2,5 triệu người đã biết đọc, biết viết. Đây là một kỳ tích có một không hai về xã hội hóa học tập trong lịch sử giáo dục.
Lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí năm xưa, phong trào “Bình dân học vụ số” ngày nay đang mang trong mình sứ mệnh mới, đó là phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Đồng hành trong phong trào này là lực lượng thanh niên, những người trẻ năng động, am hiểu công nghệ. Với tinh thần xung kích, ngay sau khi phong trào được phát động, lực lượng thanh niên trên toàn quốc đã thành lập và ra mắt đội hình bình dân học vụ số các cấp, nhanh chóng có mặt tại các điểm công cộng, khu dân cư, chợ dân sinh để trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại thông minh, truy cập mạng xã hội, cài đặt các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt và các tiện ích công nghệ cơ bản.
Bà Lò Thị Hương – Tỉnh Điện Biên: Tôi cũng thường xuyên sử dụng mạng internet và cũng rất lo sợ vì nhiều cái mình cũng không hiểu được. May mắn hôm nay được đoàn thanh niên đến tư vấn và hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng mạng nên làm gì và không nên làm gì.
Không chỉ giúp bà con tiếp cận công nghệ số, các bạn trẻ còn tập trung phổ biến kiến thức về an toàn thông tin, kỹ năng sử dụng internet hiệu quả và văn minh. Song song với đó, tại các bộ phận một cửa của phường, xã, lực lượng thanh niên đảm nhận vai trò hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến, hướng dẫn đăng ký dịch vụ công mức độ cao. Những hoạt động cụ thể, gần dân, sát nhu cầu ấy không chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách số giữa các nhóm dân cư mà còn thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số toàn diện ở cơ sở.
Ông Trần Viết Tiện – Tỉnh Hưng Yên: Chúng tôi là người cao tuổi, được nghe chương trình về chuyển đổi số rất hữu ích vì hiện nay trên không gian mạng lừa đảo rất nhiều, được nghe các giảng viên của tỉnh về truyền đạt chúng tôi rất thấy rất hữu ích và sẽ tiếp thu để làm tốt công tác chuyển đổi số.
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm đã có 1,3 triệu lượt thanh niên được tham gia các hoạt động bình dân học vụ số. Thanh niên không chỉ là lực lượng tiếp cận nhanh với công nghệ mà còn giữ vai trò là cầu nối quan trọng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn thông tin đến gần hơn với người dân. Từ việc tham gia xây dựng các đội hình tình nguyện, tổ công nghệ số cộng đồng đến trực tiếp hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến sử dụng thiết bị thông minh hay phòng tránh các rủi ro trên không gian mạng, Thanh Niên đang từng bước hiện thực hóa các định hướng lớn thành hành động cụ thể, góp phần xây dựng một xã hội số toàn diện, bao trùm và phát triển bền vững./.