Câu chuyện xúc động ở ngôi trường phổ thông của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn trong trái timông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên, Hà Nội.
Ảnh minh họa từ trang web của Trường

Trong giờ phút đau thương của cả dân tộc khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, những người từng có may mắn được gặp, tiếp xúc đều nhớ về những khoảnh khắc quý giá với Tổng Bí thư, một nhân cách lớn nhưng rất đỗi bình dị, khiêm nhường.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều với các đại biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, ngày 14/11/2020.
Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

“Đến cổng trường, Tổng Bí thư xuống xe, tôi vội bước ra đón. Khi ấy, sức khỏe của Tổng Bí thư không được tốt. Tôi liền nắm lấy bàn tay ông, cùng ông bước đi. Chợt, Tổng Bí thư nghiêng đầu, khẽ giọng nói với tôi: “Em với thầy cùng dắt tay nhau đi”. Đó là kỷ niệm không bao giờ tôi quên trong cuộc đời”, ông Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên, Hà Nội) kể lại.

Bồi hồi nhắc lại chuyện cũ, ông Lê Trung Kiên cho biết, những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn trong trái tim ông, đặc biệt là trong dịp nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập (14/11/2020).

Thầy giáo Vũ Ngọc Huỳnh - từng dạy môn Toán lớp 6 cho người học trò Nguyễn Phú Trọng.
 Ảnh: Nguyễn Cúc-TTXVN

“Tôi được gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để mời ông về tham dự buổi lễ. Thật không ngờ, ông dành cho tôi khá nhiều thời gian dù rất bận công việc. Điều lạ lùng là trong suốt cuộc trò chuyện, Tổng Bí thư gọi tôi bằng thầy, còn ông xưng em, giống như một người học trò. Ngoài những câu chuyện về trường, Tổng Bí thư còn hỏi tôi xem trường có mời các thầy cô giáo và học sinh cũ không? Khi tôi nói có mời, nét mặt ông rất vui và hạnh phúc. Sự tế nhị, khiêm nhường của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước thật hiếm có”, ông Lê Trung Kiên xúc động nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự Lễ khai giảng năm học 2014 - 2015 của Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội). 
Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Năm đó, Tổng Bí thư đã về trường dự lễ kỷ niệm với tư cách một học sinh cũ. Trong trí nhớ của các cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều, ông xuất hiện với hình ảnh thật giản dị, phong cách gần gũi, không hề nhìn thấy sự quan cách của một vị lãnh đạo cấp cao. Cách xưng em gọi thầy của ông với thầy giáo chủ nhiệm cũ cũng khiến nhiều người từ ngỡ ngàng đến cảm phục. Trong câu chuyện, từng lời nói, nụ cười của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn toát lên lòng biết ơn và trân trọng những thầy giáo, cô giáo đã dạy dỗ, giáo dục, góp phần hình thành nên nhân cách của ông cùng những tình cảm thân thiết với ngôi trường mang tên danh nhân Nguyễn Gia Thiều.

Trong căn phòng truyền thống của Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều, những hình ảnh về hoạt động của cậu học trò - anh thanh niên - nhà lãnh đạo Nguyễn Phú Trọng được nhà trường trưng bày trang trọng. Trong số đó là bức ảnh Lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn 9B, 10B Nguyễn Phú Trọng với nụ cười hiền từ; bức ảnh chụp học trò Nguyễn Phú Trọng với những người bạn thân thiết: Ngô Bá Dục, Hoàng Văn Tài; bức ảnh chụp đồng chí Nguyễn Phú Trọng với các bạn đồng khóa và còn có cả những bức ảnh Tổng Bí thư về thăm trường, trao quà tặng học sinh Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Gia Thiều đạt điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học...

Hình ảnh Tổng Bí thư cùng các bạn đồng khóa được trưng bày trang trọng tại Phòng truyền thống Trường THPT Nguyễn Gia Thiều.
Ảnh: TTXVN phát

Lục lại cuốn đăng bộ của nhà trường đã ố vàng, ông Lê Trung Kiên nghẹn ngào đọc những lời nhận xét của giáo viên về học trò Nguyễn Phú Trọng trước khi ra trường: “Được xếp loại A2. Giỏi. Học giỏi đều các môn; có tinh thần tranh thủ học tập; nhiệt tình trong lao động; có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác; có nhiều đóng góp xây dựng tập thể tốt; tư cách tốt, thái độ với thầy và bạn tốt. Đáng khen”.

“Những câu chuyện về thời niên thiếu đầy khó khăn, vất vả cùng những thành tích học tập xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn được nhà trường kể lại trong những buổi sinh hoạt chuyên đề, lấy đó làm động lực để thầy và trò cùng phấn đấu. Có thể nói, Tổng Bí thư chính là điểm tựa tinh thần của nhà trường chúng tôi”, ông Lê Trung Kiên chia sẻ.

Câu chuyện về cậu học trò Nguyễn Phú Trọng hiền lành, thông minh, chịu khó còn được thầy giáo Vũ Ngọc Huỳnh kể lại say sưa. “Ngày ấy, tôi dạy môn Toán lớp 6 có học trò Trọng cùng với một số em nữa từ Đông Anh sang học. Các em ấy đều có hoàn cảnh gia đình nghèo lắm, phải mang gạo sang, ở nhờ nhà dân, nhà thầy giáo, rồi còn phải ra sông Hồng vớt củi về tự nấu cơm ăn, thế mà em nào cũng học giỏi, ngoan ngoãn, có ý chí phấn đấu. Trong bài thơ của mình, em Ngô Bá Dục đã viết thế này: Nhớ chiều ăn trộm ổi xanh/Thay cơm bữa tối, học hành vẫn chăm/Sông Hồng nước lũ băng băng/Bơi ra vớt củi, kiếm dần cái đun”...

Có 6 năm học phổ thông tại ngôi trường mang tên Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có tên trong các cuộc thi học sinh giỏi của thành phố, đặc biệt là môn Văn. Khi đang học lớp 10, ông đã làm cho các bạn ngạc nhiên với bài thuyết trình dài trong các buổi ngoại khóa về một đề tài xã hội mà ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ít ai quan tâm. Đó là: Thân phận của người nông dân trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Bỉ vỏ” của Nguyên Hồng, thân phận của người phụ nữ trong thơ của Tố Hữu. Có lẽ, ngày từ thuở ấy, ông đã thấm cái đau của nỗi đau con người, đã khắc khoải với tốt - xấu, mất - còn.

“Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa

Năm cuối cùng của đời học phổ thông

Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ

Theo thời gian tẻ ngắt, lạnh lùng?”

Bài thơ “Năm cuối cùng của đời học phổ thông” ông viết vào tháng 9/1962 nhân đầu năm học mới 1962-1963 đã được kết bằng 4 câu thơ như thế!

Trải qua nhiều bậc học cao hơn, giữ trọng trách tại nhiều vị trí quan trọng của Thủ đô, Quốc hội, Đảng, Nhà nước, cậu học trò Nguyễn Phú Trọng đã trở thành một vị lãnh đạo có nhân cách lớn, sẵn sàng đương đầu với những thách thức, gánh vác trọng trách, giữ gìn sự trong sáng của Đảng, sự trường tồn của chế độ, đất nước.

Với 80 năm tuổi đời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân.

''Nhà văn Nguyễn Đình Thi có viết một câu: Trên ngực áo này không một tấm huân chương, nhưng dưới làn áo mỏng này có một trái tim. Sâu sắc lắm! Còn nhà thơ Tố Hữu thì đã có rất nhiều bài viết về Bác Hồ mà tôi rất thích cái câu: Mong manh áo vải hồn muôn trượng, hơn tượng đồng phơi những lối mòn. Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, tất cả vì sự nghiệp chung, đấy mới là người cộng sản chân chính'', Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói.

Trái tim của người cộng sản chân chính Nguyễn Phú Trọng đã ngừng đập, nhưng tinh thần của ông, nhân cách của ông còn sống mãi!./.

Tin liên quan

Kiều bào Lào khắc sâu công lao và tình cảm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cống hiến và đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Việt Nam trong những năm qua không chỉ tạo ra sự thay đổi quan trọng cho đất nước mà còn khiến bà con kiều bào tự hào và thêm kính trọng Tổng Bí thư. Trên đây là chia sẻ của nhiều bà con với phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn về tình cảm đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kính yêu. 

Tin cùng chuyên mục

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những đóng góp quan trọng đổi mới hoạt động Quốc hội

Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Trên nhiều cương vị quan trọng được Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó, việc kiện toàn tổ chức đổi mới, nâng cao hiệu lực hiệu quả các hoạt động của Quốc hội là mối quan tâm sát sao của Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, để lại nhiều đóng góp vô cùng quan trọng.

Vạch trần luận điệu xuyên tạc chính sách người có công

Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 có ý nghĩa quan trọng với người dân Việt Nam - thể hiện truyền thống hiếu nghĩa, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với sự hy sinh, cống hiến của thương binh, liệt sỹ và người có công với đất nước. Thế nhưng, bất chấp đạo lý ấy, nhiều đối tượng vẫn không ngừng chống phá, xuyên tạc bản chất, ý nghĩa sự hy sinh cao cả đó, rêu rao những luận điệu trái ngược với những việc làm, nghĩa cử tốt đẹp mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

Giá trị soi đường và sức lan tỏa từ những cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần, để lại sự tiếc thương vô hạn cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Việt Nam cũng như đông đảo bạn bè quốc tế. Đồng chí đã để lại di sản tinh thần quý báu cho cả dân tộc, trong đó có tư tưởng, đạo đức, phong cách cao quý của một người cộng sản kiên trung, trí tuệ, mẫu mực. Tư tưởng, lý luận của Đồng chí thể hiện qua những cuốn sách công bố trong thời gian gần đây có sức lan tỏa sâu rộng và có giá trị soi đường cho công cuộc đổi mới đất nước của Đảng và dân tộc ta.

Lãnh đạo đảng Lao động (PT) Mexico ngưỡng mộ nhân cách và tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Mexico khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Tổng Bí thư đảng Lao động Mexico (PT) Alberto Anaya Gutiérrez xúc động nói ông vẫn nhớ rõ hơi ấm từ bàn tay Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông đến thăm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam lúc đó đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 108 năm 2019. Với ông, đó là di sản của tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả từ một nhân cách lớn.

Các nhà ngoại giao quốc tế khẳng định vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lịch sử hiện đại Việt Nam

Trong các cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, các nhà ngoại giao quốc tế từng có thời gian đảm nhiệm cương vị đại sứ tại Việt Nam đều khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vai trò to lớn đối với sự phát triển và những thành tựu của đất nước Việt Nam thời gian qua, cả về đối nội lẫn đối ngoại .

Giáo sư Carl Thayer: Huân chương Sao Vàng ghi nhận những đóng góp đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho đất nước

“Để được tặng Huân chương Sao Vàng sau ngày 30/4/1975 đòi hỏi phải có những đóng góp rất đặc biệt cho đất nước” – đó là lời khẳng định của Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Australia về vai trò cũng như những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển đất nước, chăm lo đời sống của nhân dân, xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng.   

Chuyên gia Mỹ Latinh khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận vĩ đại của chủ nghĩa xã hội

Từ bên kia bán cầu, các chuyên gia ở Mỹ Latinh đã bày tỏ lòng tiếc thương, nêu bật vai trò, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng và phát triển đất nước cũng như lý luận về chủ nghĩa xã hội. "Hôm nay, thế giới mất đi một nhà lãnh đạo vĩ đại, một con người vĩ đại và một tấm gương vĩ đại không chỉ cho chủ nghĩa xã hội mà còn cho cả thế giới, một nhà lãnh đạo không chỉ mang lại sự đoàn kết, tiến bộ và động lực cho dân tộc mình mà còn được toàn thể nhân dân trên thế giới kính trọng, khâm phục". Tiến sĩ Ruvislei González Sáez, chuyên gia hàng đầu về Việt Nam ở khu vực Mỹ Latinh, đã xúc động chia sẻ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại La Habana.