Chỉ số hạnh phúc - từ nghị quyết vào cuộc sống
Các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của Yên Bái đều hướng tới sự hài lòng của người dân về cuộc sống, sức khỏe, môi trường sống xung quanh.

Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước đưa tiêu chí “hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng tới mục tiêu xây dựng “tỉnh hạnh phúc”. Theo đó, chỉ số hạnh phúc của người dân được xác định là thước đo quan trọng cho sự phát triển bền vững. Hơn 4 năm qua, việc xây dựng và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Hạnh phúc của người Mông vùng cao Mù Cang Chải khi có ánh sáng từ lưới điện quốc gia. 
Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

*Nền tảng từ nghị quyết

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái lựa chọn mục tiêu “Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững theo hướng phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Tỉnh xác định, “nâng cao Chỉ số hạnh phúc cho người dân” là nhiệm vụ trọng tâm, giá trị cốt lõi trong chiến lược phát triển; quyết định thể hiện tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong cách tiếp cận phát triển, lấy người dân làm trung tâm. Đây là động lực quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025, nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030.

Xuất phát từ thực tiễn địa phương, để “định lượng” được chỉ số hạnh phúc, Yên Bái đã tham khảo kinh nghiệm của một tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội ở Vương quốc Anh.

Hạnh phúc của chị Giàng Thị Sầu, bản Mồ Dề, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái), là khi các con được đi học đầy đủ. 
Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Tỉnh nghiên cứu và đưa "hạnh phúc" thành chỉ số có thể “lượng hóa”, đánh giá trên 3 nhóm tiêu chí chính cụ thể: Sự hài lòng về cuộc sống (các yếu tố liên quan đến điều kiện sống, việc làm, thu nhập, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, quan hệ với chính quyền...); sự hài lòng về môi trường sống (sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã, giữ gìn môi trường sinh thái, việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải, bảo vệ rừng và môi trường cây xanh...); đánh giá về tuổi thọ trung bình (số năm sống khỏe của người dân).

Mỗi nhóm tiêu chí chính được cụ thể hóa thành 12 tiêu chí thành phần và 36 chỉ tiêu cụ thể. Các tiêu chí về chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đều bám sát theo định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Xuyên suốt tư tưởng chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh Yên Bái, để nâng cao chỉ số hạnh phúc đồng nghĩa với triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Vũ Thị Hiền Hạnh thông tin, nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân, từ năm 2021 đến nay, tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết, đề án, chính sách ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tỉnh quan tâm bố trí nguồn lực và ban hành chính sách cho phát triển kinh tế - xã hội ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyết tâm phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng hạnh phúc hơn. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng và nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái, gắn kết mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, giữa kinh tế và môi trường, giữa vùng thấp và vùng cao, giữa nông thôn và thành thị; giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc.

Hằng năm, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành kế hoạch theo tinh thần “giao chỉ tiêu, khoán sản phẩm” và “đặt hàng”, phân công cụ thể cho từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân. Nhờ đó, từng ngành, địa phương xác định được giải pháp vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, có kết quả, sản phẩm cụ thể, thể hiện đặc trưng của mỗi ngành, địa phương.

Học sinh người Mông ở vùng cao Mù Cang Chải hạnh phúc khi có góc đọc sách riêng. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

*Từ khái niệm thành mô hình thực tiễn

Khái niệm hạnh phúc khá trừu tượng, khó có thể lượng hóa, vì vậy, Yên Bái xác định quan điểm không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa hoàn thiện, kể cả phương pháp đo lường và bộ tiêu chí đánh giá. Sau hơn 4 năm triển khai, nhiều mô hình được triển khai hiệu quả trong thực tiễn, chỉ số hạnh phúc của người dân được tăng lên đáng kể.

Trước đây, việc đi học của trẻ em ở các bản vùng cao rất khó khăn, tỷ lệ chuyên cần của học sinh thấp do xuất phát từ nhận thức cũng như điều kiện sinh sống của người dân. Nhưng nay, trẻ em được đến trường đầy đủ hơn, được lĩnh hội tri thức và thụ hưởng chính sách giáo dục, nhất là từ khi triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, học sinh đều thích đến trường.

Mỗi ngày đến trường với em Lê Minh Ngọc, học sinh lớp 3A1, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải đều là một ngày vui. Trong không gian học tập sạch đẹp, gọn gàng, Ngọc cùng các bạn được thầy, cô giáo tận tình dạy dỗ, yêu thương và truyền đạt kiến thức. Không chỉ được lĩnh hội kiến thức, Ngọc và các bạn còn tham gia hoạt động ngoại khóa với những trải nghiệm bổ ích.

Em Nguyễn Minh Ngọc phấn khởi chia sẻ, em cảm thấy rất hạnh phúc bởi mỗi ngày được đến trường gặp các bạn và thầy, cô giáo. Tại ngôi trường thân yêu, các thầy, cô giáo đã giảng dạy cho em kiến thức và những điều mới mẻ trong cuộc sống.

Học sinh vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) hạnh phúc khi được học môn Tiếng Anh trực tuyến với người nước ngoài. 
Ảnh: Đinh Thùy - TTXVN

Đón học sinh đến trường, cô giáo Nguyễn Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác Tiểu học, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải cho biết, đối với giáo viên vùng cao, ai cũng cảm thấy hạnh phúc hơn khi học sinh đồng bào Mông háo hức đến trường học tập. Từ khi triển khai mô hình “Trường học hạnh phúc”, tỷ lệ chuyên cần của học sinh có chuyển biến rõ rệt. Nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm để học sinh được tham gia và cảm thấy trường học thực sự là ngôi nhà, gia đình thứ hai của các em.

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Mù Cang Chải có 622 học sinh, với gần 80% em là người Mông. Dù còn không ít khó khăn của một ngôi trường vùng cao, song khi bắt tay xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, thầy và trò nơi đây đã cụ thể hóa khái niệm hạnh phúc bằng những hoạt động thiết thực, phù hợp thực tế.

Không chỉ có mô hình “Trường học hạnh phúc” đem lại hiệu quả, vùng cao Mù Cang Chải còn chú trọng xây dựng “Bản hạnh phúc” với mục tiêu mỗi người dân đều sống vui, khỏe mạnh, đoàn kết, hài lòng về cuộc sống, môi trường sống xung quanh.

Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải Giàng A Câu cho biết, với quan điểm “lấy hạnh phúc nhân dân là giá trị cốt lõi, là thước đo của sự phát triển”, hơn 4 năm qua, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, môi trường, luôn gắn với nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Huyện thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch vụ du lịch của tỉnh, chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Hằng năm, tỷ lệ giảm nghèo của huyện đạt trên 8,37%, đến cuối năm 2024, hộ nghèo còn 28,42%.

Quá trình triển khai nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân tại địa phương đã xuất hiện một số mô hình hay như: “Gia đình hạnh phúc”, “Bản, tổ dân phố hạnh phúc”, “Xã, thị trấn hạnh phúc”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hạnh phúc”, “Trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc”… Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên.

Năm 2024, chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 51,4%; chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 76,13%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống đạt 70,76%, chỉ số hạnh phúc của người dân đang ở mức 1 - mức khá hạnh phúc.

“Những kết quả trên cho thấy, chỉ số hạnh phúc thực sự trở thành động lực, nền tảng tinh thần quan trọng để thúc đẩy cấp ủy các cấp tại huyện Mù Cang Chải nỗ lực hết mình khắc phục khó khăn, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ", Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải khẳng định.

Năm 2025, huyện Mù Cang Chải phấn đấu đưa chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 2,14% so với năm 2024. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Mù Cang Chải tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân.

Đối với người dân vùng cao Yên Bái, hạnh phúc của người dân là con cái được đi học đầy đủ và có điện lưới quốc gia. 
Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

*Trách nhiệm nêu gương

Yên Bái là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện chỉ số hạnh phúc, do đó, tỉnh không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc do nhiều yếu tố khách quan tác động.

Cụ thể, theo báo cáo khảo sát, đánh giá chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái năm 2024 là 66,52%, đạt Mức 2 - Khá hạnh phúc, tăng 0,9% so với năm 2023. Tuy nhiên, không đạt kế hoạch năm 2024 (chỉ tiêu là 68%). Đây là kết quả được khảo sát, đánh giá khách quan, phản ánh đúng thực tế. Bởi đầu tháng 9/2024, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Một số yếu tố về điều kiện kinh tế - vật chất của người dân bị ảnh hưởng như: Nơi ở, hạ tầng giao thông, thủy lợi, việc làm, thu nhập, mức hưởng thụ văn hóa, văn nghệ, cơ sở vật chất phục vụ học tập… Chỉ số đánh giá tác động của môi trường đang sinh sống tăng hơn so với chỉ tiêu đặt ra cũng do hậu quả của bão số 3 (sạt lở đất, rác thải…).

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, xuất phát từ tình hình thực tiễn, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo UBND tỉnh rà soát, phân tích, làm rõ thêm về nguyên nhân chưa đạt chỉ tiêu năm 2024. Từ đó, xây dựng phương án, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra năm 2025, chỉ số hạnh phúc của người dân đạt 68,3%, đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Trong đó, chỉ số hài lòng về cuộc sống đạt 58,66%, chỉ số hài lòng về tuổi thọ trung bình đạt 79,21%, chỉ số đánh giá tác động của môi trường nơi đang sinh sống 68,03%.

Nhằm đạt mục tiêu trên, Yên Bái tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, trong đó chú trọng trách nhiệm nêu gương theo phương châm rõ người, rõ việc với cơ chế “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”. Mỗi cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua như, “Làm hết việc, chứ không chờ hết giờ”, “Mỗi ngày làm thêm một giờ, mỗi tuần làm thêm một ngày”.

Tỉnh tăng tốc, nhanh chóng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả, rút ngắn thời gian phục vụ người dân và doanh nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Có thể thấy, các giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của Yên Bái đều hướng tới sự hài lòng của người dân về cuộc sống, sức khỏe, môi trường sống xung quanh. Khi người dân hài lòng và hạnh phúc sẽ tạo động lực tinh thần mạnh mẽ để Yên Bái tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, hướng tới xây dựng tỉnh hạnh phúc./.


Tin liên quan

Đảng ta đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống nhân dân

Ngay từ những ngày đầu đất nước mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện quan điểm nhất quán là Chính phủ phải quan tâm đến đời sống của nhân dân. Vì thế, trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Người nhấn mạnh, chúng ta phải thực hiện ngay 4 điều: Làm cho dân có ăn; làm cho dân có mặc; làm cho dân có chỗ ở; làm cho dân có học hành. Bởi, theo Bác, dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc ấm. Khi dân được ăn no, mặc ấm thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Ngược lại, nếu dân đói, rét, bệnh tật thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được. Người khẳng định, “Nếu nước nhà độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.

Bản đồ Việt Nam trực tuyến ghép từ 50.000 nụ cười hạnh phúc

Hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đất nước, 80 năm ngày Quốc khánh nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, một sự kiện ý nghĩa đã được Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) phát động chương trình Hành trình Hạnh phúc 2025. Điểm nhấn đặc biệt xuyên suốt hành trình là Saigon Co.op cùng người dân chụp ảnh xác lập kỷ lục “Bản đồ Việt Nam trực tuyến ghép từ 50.000 nụ cười hạnh phúc”.

Tin cùng chuyên mục

Hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai

Nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của siêu bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam tháng 9 năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với các tổ chức quốc tế tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ người dân tại Yên Bái và Lào Cai trong hai ngày 8 và 9/5/2025.

Hướng tới nền báo chí cách mạng hiện đại

Những điểm mới trong Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) rất cần thiết trong bối cảnh đất nước, thế giới có nhiều thay đổi rất nhanh như hiện nay, nhất là tác động sâu rộng của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI).

Đề xuất áp dụng lương tối thiểu vùng sau sáp nhập tỉnh, thành

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định phân cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực nội vụ. Dự thảo quy định UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế xã hội cụ thể của từng địa bàn xã, phường để lựa chọn và quyết định áp dụng mức lương tối thiểu cụ thể theo vùng đối với xã, phường. Theo đó, bảo đảm mức lương tối thiểu trên địa bàn đơn vị hành chính cấp cơ sở không thấp hơn mức lương tối thiểu tương ứng với địa bàn do Chính phủ quy định hằng năm.

Nền tảng giúp kinh tế tư nhân bứt phá

Nghị quyết 68 là bước ngoặt lớn trong tư duy phát triển kinh tế tư nhân, không chỉ mở ra không gian, cơ hội mới, mà còn tạo niềm tin mạnh mẽ giúp kinh tế tư nhân bứt phá.

Giọng điệu lạc lõng giữa bản hùng ca

Tinh thần tự hào dân tộc và lòng biết ơn dâng lên từ khắp các gia đình, ngõ xóm, thôn phố, đến khắp các trang mạng xã hội… đã phơi bày thất bại cay đắng của các thế lực thù địch, tiếng nói của chúng giờ đây không có người nghe, và trở nên lạc lõng, thảm hại hơn bao giờ.