Chính quyền địa phương 2 cấp: Sự lựa chọn tất yếu, đột phá vì tương lai thịnh vượng và phát triển của Việt Nam
Từ ngày 1/7, Việt Nam bắt đầu triển khai vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên toàn quốc, gồm cấp tỉnh và cấp xã. Đây là một dấu mốc quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Phóng viên TTXVN tại Seoul đã phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội giao lưu kinh tế văn hóa Hàn – Việt (KOVECA) Kwon Sung Taek về chủ đề này.

Đánh giá về việc Việt Nam tinh gọn bộ máy chính quyền trung ương và địa phương, ông Kwon Sung Taek cho rằng năm 2025 đối với Việt Nam là một năm rất đặc biệt khi Việt Nam kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, 80 năm Quốc khánh, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trên tất cả đây là năm đặt dấu mốc cho những thay đổi hướng tới tương lai. Bắt đầu từ tháng 3, Việt Nam triển khai tinh gọn bộ máy chính phủ và từ ngày 1/7, triển khai sáp nhập, giảm từ 63 tỉnh thành phố xuống còn 34.

Chủ tịch KOVECA nhấn mạnh đây là sự lựa chọn tất yếu vì tương lai thịnh vượng và phát triển của Việt Nam; là cuộc cải tổ chiến lược nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hành chính và khả năng cạnh tranh quốc gia. Theo ông, sự kiện này giống như là biến điều không thể thành có thể. Việc thu gọn, giảm cấp bộ máy chính quyền địa phương sẽ không chỉ tạo tác động lớn trong việc tăng hiệu quả bộ máy hành chính và giảm thiểu ngân sách tài chính mà còn thực hiện mục tiêu xây dựng chính phủ số đã được Chính phủ Việt Nam theo đuổi triển khai. Ông Kwon Sung Taek tin tưởng rằng với việc sáp nhập và giảm cấp trung gian, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương sẽ được tăng cường do quá trình mở rộng địa giới hành chính của các địa phương sau sáp nhập.

Ông Kwon Sung Taek lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Seoul. Ảnh: Trường Giang – PV TTXVN tại Hàn Quốc

Đánh giá về cơ cấu chính quyền địa phương 2 cấp, bỏ cấp trung gian ở Việt Nam, Chủ tịch KOVECA Kwon Sung Taek nhận định rằng với việc mở rộng địa giới hành chính của các địa phương, có thể dễ dàng nhận thấy, kết cấu của các tỉnh đã thay đổi, rộng mở hơn, đa dạng hơn và ở góc nào đó có thể thấy việc phân chia địa giới rất hợp lý, khoa học. Với việc sắp xếp lại tổ chức từ 3 cấp xuống 2 cấp, bỏ cấp quận/huyện, thẩm quyền và trách nhiệm của chính quyền xã/phường địa phương sẽ được tăng cường và hiệu quả được nâng cao. Đặc biệt, việc bỏ cấp trung gian sẽ giúp thống nhất triển khai nhanh chóng các kế hoạch phát triển hoặc những quyết sách.

Hiểu một cách đơn giản trong kinh doanh, việc giảm cấp trung gian giống như thương mại trực tiếp, theo đó, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi bớt những thứ cấp, kết nối sẽ hiệu quả và giá thành sẽ giảm hơn.

So sánh với Hàn Quốc, ông Kwon Sung Taek cho biết quốc gia Đông Bắc Á này vẫn duy trì cấp quận/huyện nhưng cơ bản có sự khác biệt về phạm vi tự chủ của địa phương và sự tham gia của người dân. Chính quyền địa phương ở Hàn Quốc do người dân trực tiếp bầu ra thông qua bầu cử chính quyền địa phương và có một số thẩm quyền lập pháp, hành chính và ngân sách, trong khi chính quyền địa phương ở Việt Nam vẫn thực hiện cơ cấu tổ chức hành chính ngành dọc, trực thuộc chính quyền trung ương. Tuy nhiên, ông Kwon Sung Taek thừa nhận mô hình của Hàn Quốc cũng bộc lộ một số hạn chế. Việc quyền tự chủ của địa phương được Hiến pháp đảm bảo nên không dễ thay đổi. Có sự lãng phí lớn khi cùng một mô hình tổ chức vận hành đồng đều với những khu vực chênh lệch lớn về dân số. Ví dụ: đô thị 100.000 dân cũng phải vận hành bộ máy giống như độ một đô thị lớn nhiều triệu dân. Do vậy, ông cho rằng không loại trừ khả năng cuộc cải tổ lớn ở Việt Nam lần này có tác động đối với Hàn Quốc.

Ông Kwon Sung Taek lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Seoul, đánh giá về việc Việt Nam sắp xếp bộ máy hành chính địa phương. Ảnh: Trường Giang - PV TTXVN tại Hàn Quốc

Chủ tịch KOVECA cho biết cùng với sự phát triển chung của quan hệ hai nước, các phương tiện thông tin truyền thông Hàn Quốc ngày càng đưa nhiều thông tin về Việt Nam. So với trước đây, người Hàn Quốc nói chung khá quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt, giới doanh nhân rất quan tâm đến những thay đổi về cơ cấu tổ chức chính quyền mới ở Việt Nam. Với chủ đề này, ông đã nhận được lời mời thỉnh giảng tại Viện Giáo dục thuộc trường Đại học Yonsei dành cho các doanh nghiệp và phản ứng của các doanh nghiệp tham gia cho thấy các thông tin về thay đổi của Việt Nam rất thu hút.

Đánh giá về ý nghĩa của việc tinh gọn bộ máy hành chính ở Việt Nam, ông Kwon Sung Taek trích dẫn câu nói của Hàn Quốc rằng: “Bắt đầu là đã được một nửa”, đồng nghĩa với việc bắt tay triển khai một quyết định đã đồng nghĩa với 50% thắng lợi. Nhìn từ góc độ của các nhà đầu tư đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam, những nỗ lực triển khai cải cách cơ cấu của Chính phủ Việt Nam nhằm mang lại đổi mới tự thân đã mang đến niềm tin cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, ông Kwon Sung Taek cho rằng cải cách bao giờ cũng sẽ đi đôi với khó khăn. Sẽ không tránh khỏi những tác động do quá trình thay đổi khi phát triển, vì vậy nếu giảm thiểu được tác động ngược, tăng cường sự đồng thuận từ người dân, thì hiệu quả sẽ khác biệt. Do đó, các yếu tố cơ bản cần đảm bảo hiện nay là tiêu chuẩn minh bạch, trình tự, tăng cường kết nối với dân, có hệ thống quản lý hiệu quả, khoa học. Có như vậy, việc đổi mới mới mang lại kết quả. Những bước đổi thay hiện nay ở Việt Nam không chỉ là vấn đề thu hút sự quan tâm trong nước nói riêng mà ngay cả người Hàn Quốc, đặc biệt là chính giới cũng rất quan tâm và kỳ vọng. Ông Kwon Sung Taek chúc mừng và hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công trong công cuộc cải tổ ở Việt Nam nhằm đưa đất nước phát triển vững chắc, trở thành một quốc gia tiên tiến./.

Khánh Vân

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam đề xuất 3 định hướng trọng tâm cho ASEAN

Trong khuôn khổ các hoạt động của Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 (AMM-58), ngày 9/7, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự lễ khai mạc và phiên họp toàn thể AMM-58 tại Trung tâm Hội nghị Kuala Lumpur, Malaysia.

"Quốc hội ta vĩ đại thật"

Cách đây 65 năm, ngày 10/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài "Quốc hội ta vĩ đại thật", ký bút danh T.L., đăng báo Nhân dân, số 2304. Bài viết nêu lên ý nghĩa trọng đại của sự ra đời Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những đóng góp to lớn, những quyết định lịch sử đến vận mệnh đất nước của Quốc hội: “… Quốc hội đầu tiên trong lịch sử Việt Nam - Quốc hội khoá I - đã được toàn dân bầu ra. Những việc quan trọng nhất Quốc hội đã làm là: tuyên bố kháng chiến cứu nước, thông qua Luật Cải cách ruộng đất, thông qua Hiến pháp mới…”.

Đồng loạt giải phóng mặt bằng xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Sáng 9/7, kết luận Phiên họp thứ 3 Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt (Ban Chỉ đạo) trực tuyến với 19 địa phương có dự án đường sắt đi qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ đạo đồng loạt triển khai và hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm 2026.

Đổi mới tổ chức, tăng cường giám sát khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Sáng 9/7, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ tư, khóa X, nhiệm kỳ 2024-2029. Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương chủ trì Hội nghị.

Hà Nội cam kết thời hạn xử lý nhiều dự án chậm tiến độ

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 25, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 9/7, HĐND thành phố đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về các vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm. Trong đó, các dự án chậm tiến độ, đã chất vấn nhiều lần, tại Kỳ họp thứ 20 được cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2025 là vấn đề nóng tại phiên tái chất vấn sáng 9/7.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil - Nỗ lực hoàn hảo nhất có thể

Trọn vẹn 3 ngày tại Rio de Janeiro (Brazil), Thủ tướng Phạm Minh Chính có lịch trình làm việc dày đặc, với gần 40 hoạt động bao gồm các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị BRICS, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, cũng như các hoạt động song phương với Brazil. Chuyến công tác đã để lại dấu ấn rõ nét và kết quả thực chất.