Chuyên gia Collins đánh giá mối quan hệ Việt Nam và Malaysia luôn được củng cố suốt 5 thập kỷ qua trên nền tảng mong muốn chung của hai nước về tăng cường quan hệ hợp tác. Với Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược hai nước giai đoạn 2021 – 2025, quan hệ hợp tác Việt Nam – Malaysia sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa, tạo ra tác động lan tỏa lớn hơn từ mối quan hệ kinh tế sâu sắc tới mối quan hệ nhân dân – nhân dân, cũng như trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Điều này cũng sẽ thúc đẩy các hoạt động giao lưu và trao đổi các cấp, góp phần nâng cao lòng tin chiến lược giữa hai nước.
Chuyên gia Collins đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong lãnh đạo và kiến tạo khuôn khổ và nền tảng khu vực nhằm đảm bảo sự ổn định, tự do và cởi mở ở Đông Nam Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngày nay, Việt Nam vẫn tiếp tục thể hiện vai trò lãnh đạo mẫu mực thông qua kinh nghiệm và thành tích trong ủng hộ hòa bình và ổn định ở khu vực với Chính sách quốc phòng “Bốn Không” bao gồm không liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Đề cập đến hợp tác kinh tế, chuyên gia Collins cho biết Việt Nam và Malaysia hiện đều tìm cách mở rộng thương mại song phương, phấn đấu đạt mục tiêu 18 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp mới nổi. Một trong những trụ cột mạnh nhất của quan hệ Việt Nam-Malaysia là thương mại khi Malaysia là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Những năm qua, kim ngạch thương mại song phương tăng đều đặn, với ghi nhận vượt 15 tỷ USD năm 2023, tăng 35% so với mức 11,1 tỷ USD năm 2021.
Các lĩnh vực hợp tác truyền thống vẫn phát triển mạnh mẽ, bao gồm du lịch, giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục. Trong khi đó, các lĩnh vực mới vẫn có tầm quan trọng chiến lược trong hợp tác hai bên, bao gồm nông nghiệp bền vững, quản lý khí hậu, chương trình nghị sự xanh và không phát thải carbon, ứng phó với thảm họa, năng lượng tái tạo, an ninh lương thực, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và sản xuất công nghệ cao. Cả hai nước đều đang trong quá trình chuyển đổi, phát triển kinh tế, cũng là những trung tâm chính để thu hút đầu tư toàn cầu và cơ sở sản xuất công nghệ cao, bao gồm cả nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng, khoáng sản quan trọng và phát triển dựa trên kỹ thuật số.
Trong tương lai, hai nước chắn chắn sẽ tiếp tục tăng cường mạnh mẽ hơn nữa về hợp tác kinh tế và công nghệ chung trong các ngành công nghiệp quan trọng cùng có lợi, đặc biệt là các ngành công nghiệp mang tính quyết định về các vấn đề địa chiến lược và địa kinh tế khu vực và toàn cầu. Hiện nay, cả hai nước đều tìm cách tăng cường khả năng phục hồi và độ tin cậy trong chuỗi cung ứng, an ninh lương thực, đảm bảo quốc phòng và các công nghệ quan trọng trong tương lai bao gồm bán dẫn và năng lượng xanh và nền kinh tế kỹ thuật số.
Ở khu vực, chuyên gia Collins nhận định, Việt Nam đã nâng cao đáng kể uy tín về kinh tế và vai trò lãnh đạo trong khu vực kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi lớn nhất toàn cầu, dẫn đầu trong chuỗi cung ứng và thị trường khu vực. Việt Nam cũng có vị thế và tầm ảnh hưởng độc nhất trong giải quyết các vấn đề cấp bách của khu vực bao gồm cuộc khủng hoảng Myanmar và các xung đột tiềm ẩn ở Biển Đông. Điều này cho thấy Việt Nam hoàn toàn có thể khẳng định mình là bên có ảnh hưởng lớn trong ASEAN, cũng như khả năng tham gia với các đối tác lớn bên ngoài để kiến tạo tương lai thịnh vượng cho ASEAN.
Theo chuyên gia Collins, mối quan hệ song phương Việt Nam - Malaysia sẽ tạo thành nền tảng của ASEAN, đặc biệt là trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN của Malaysia năm 2025. Do đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tạo tiền đề cho quan hệ đối tác lớn hơn, củng cố vai trò và tác động của ASEAN dưới sự dẫn dắt của Malaysia. Đây là điều kiện thuận lợi để cả hai nước cùng chia sẻ và hướng đến những mục tiêu chung lớn hơn nhằm duy trì hòa bình và ổn định khu vực, cũng như đảm bảo khả năng phục hồi kinh tế và phát triển mới dựa trên các giá trị thúc đẩy tương lai thông qua phát triển kinh tế và thương mại chiến lược.
Chuyên gia Collins đánh giá chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia tượng trưng cho ý nghĩa và mục đích rất quan trọng trong việc duy trì và tăng cường quan hệ song phương Việt Nam – Malaysia. Chuyến thăm cũng gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng cả hai nước cùng chia sẻ nhiều điểm tương đồng và chương trình nghị sự chung dựa trên sự gắn kết và hợp tác rộng lớn hơn trong các chính sách và cách tiếp cận vì sự phát triển ổn định, hòa bình và thịnh vượng của ASEAN và khu vực./.
Hằng Linh - An Nguyễn