Cô gái khuyết tật truyền cảm hứng cho cộng đồng
Dù đôi chân không lành lặn nhưng Nguyễn Thị Linh (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã chọn cách đứng lên bằng nghị lực phi thường.
Công việc của Linh là sản xuất các video trên các nền tảng mạng xã hội để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống và hỗ trợ mẹ. 
Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

Dù đôi chân không lành lặn nhưng Nguyễn Thị Linh (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã chọn cách đứng lên bằng nghị lực phi thường. Hành trình của em không chỉ là câu chuyện vượt khó mà còn là bản hòa ca về sự lạc quan và quyết tâm thay đổi số phận.

* Hành trình đầy nỗ lực của cô gái khuyết tật

Nguyễn Thị Linh (sinh năm 2002) là chị cả trong gia đình thuần nông ở thị trấn Thạch Hà. Không may mắn như các bạn cùng trang lứa, từ nhỏ, Linh mắc căn bệnh bẩm sinh, đôi chân không thể đi lại bình thường. Phải lên 6 tuổi, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, Linh mới chập chững biết đi những bước đi khó nhọc. 7 tuổi, Linh bắt đầu đến trường nhờ vào đôi chân của mẹ là bà Nguyễn Thị Tuấn.

Nhớ lại những ngày tháng đầu đời của Linh, bà Tuấn xúc động, khi Linh mới sinh ra, bà chỉ biết khóc vì thương con. Dù vất vả đến mấy, bà đều cố gắng chạy vạy để chữa trị cho con nhưng cuối cùng vẫn không thể mang về đôi chân lành lặn. Đến bây giờ, khi trái gió trở trời hay vào mùa đông lạnh, đôi chân con lại sưng, đau nhức tận xương. Những bước ngắn, con vin vào tường để đi, còn xa hơn phải có nạng hoặc xe lăn, xe lắc hỗ trợ.

Chịu nhiều thiệt thòi là vậy nhưng ngay từ nhỏ, Linh đã bộc lộ là người có cá tính và nghị lực. Là con cả trong gia đình, những lúc mẹ bận rộn mưu sinh, Linh đảm nhận vai trò người chị, người con chu toàn. Cô tận tình hướng dẫn em gái học tập, phụ mẹ quán xuyến việc nhà từ giặt giũ đến nấu nướng. Không chỉ vậy, Linh còn nỗ lực học tập chăm chỉ, suốt những năm học từ tiểu học đến phổ thông, Linh đều đạt kết quả khá và giỏi.

Cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (huyện Thạch Hà) - cô giáo chủ nhiệm cũ của Linh cho biết, Linh là một học sinh đặc biệt, luôn kiên trì và chăm chỉ. Dù có những khó khăn về vận động nhưng em chưa bao giờ bỏ cuộc. Linh luôn cố gắng vượt qua mọi thử thách để đạt kết quả tốt trong học tập và cuộc sống. Em là tấm gương sáng cho nhiều học sinh khác về nghị lực, tinh thần học hỏi không ngừng.

Mạnh mẽ và nghị lực là vậy nhưng cuộc sống không dễ dàng với cô gái khuyết tật. Năm 2018, khi đang học lớp 10, Linh phải trải qua một cú sốc tinh thần lớn khi bố qua đời. Lúc này, mọi gánh nặng đặt lên đôi vai mẹ. Ngoài làm ruộng, mẹ Linh nhận làm thuê phụ việc nhà, nấu cỗ theo giờ và xay gạo, ngô để bán. Cũng bởi vậy, Linh biết mình phải nỗ lực hơn nữa trong học tập và phụ giúp mẹ việc nhà.

Tuy sức khỏe yếu nhưng Linh vẫn phụ giúp mẹ việc nhà những việc trong khả năng sức khỏe cho phép. 
Ảnh: Hoàng Ngà - TTXVN

* Lan tỏa năng lượng tích cực

Trải qua nhiều vất vả với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2021, Linh đỗ vào ngành Báo chí của Đại học Khoa học Huế. Bước vào giảng đường đại học, dù gặp những khó khăn trong việc di chuyển, sức khỏe không tốt, cô vẫn nỗ lực học tập và đạt được kết quả học tập ấn tượng. Học kỳ đầu ở trường đại học, Linh đạt điểm 3.2/4.0.

Tuy nhiên, con đường đại học của Linh không kéo dài lâu. Do khó khăn trong việc di chuyển và sinh hoạt, em đành tạm dừng giấc mơ cử nhân của mình.

Linh trải lòng: “Rời giảng đường đại học thực sự là quyết định khó khăn của em. Buồn bã, tiếc nuối và có lúc cảm thấy nhụt chí nhưng em phải đối diện với thực tế rằng mình đã phải dừng lại con đường học vấn. Dù vậy, em không đánh mất niềm tin vào bản thân. Em biết rằng, cuộc sống vẫn còn nhiều cơ hội phía trước, không cho phép mình gục ngã trước số phận. Em muốn chứng minh rằng, dù khuyết tật vẫn có thể sống một cuộc đời ý nghĩa”.

Dù không thể tiếp tục học đại học nhưng Linh không từ bỏ ước mơ. Trở về quê nhà, Linh bắt đầu tìm kiếm cơ hội việc làm trực tuyến. Bằng sự kiên trì và khả năng sáng tạo, Linh đã trở thành cộng tác viên cho một nền tảng thương mại điện tử, chuyên sản xuất các video ngắn giới thiệu sản phẩm.

Linh bắt đầu công việc sáng tạo video để giới thiệu sản phẩm. Cô tự học các kỹ năng xử lý video qua mạng xã hội, sử dụng điện thoại, máy tính để quay và chỉnh sửa video. Các video của cô thường quay những sản phẩm thân thuộc trong gia đình hoặc mượn của hàng xóm như đồ gia dụng, đồ trang điểm, sữa tắm, dầu gội... Các video nếu có nhiều lượt xem, gắn vào các giỏ hàng sản phẩm khi có lượt mua, Linh được nhận một khoản kinh phí nhỏ.

Hơn 6 tháng làm việc trực tuyến, Linh đã sản xuất gần 700 video, mỗi video dài từ 10-15 giây, mang lại thu nhập khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng - số tiền không nhiều nhưng đã mang đến động lực rất lớn cho Linh.

Linh tìm tòi và học hỏi thêm kiến thức từ các trang mạng xã hội để cải thiện kỹ năng và không quên chia sẻ câu chuyện của mình trên trang Facebook “Góc nhỏ của Linh”, nơi cô truyền cảm hứng cho nhiều người bằng sự kiên trì và lạc quan.

Chia sẻ về dự định của mình, Linh cho biết: “Tôi sẽ tiếp tục học hỏi để nâng cao kỹ năng quay dựng video, làm tốt hơn công việc hiện tại và tiếp tục tìm hướng đi mới để phát triển bản thân. Tôi cũng mong muốn chia sẻ câu chuyện của mình để lan tỏa thông điệp về sự lạc quan và nghị lực sống. Tôi tin rằng, mỗi người đều có một sứ mệnh trong cuộc đời. Tôi sẽ tiếp tục cố gắng để hoàn thành sứ mệnh của mình, dù có khó khăn đến đâu"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục

Giải billiards carom 3 băng đồng đội thế giới 2025: Việt Nam giành Huy chương Bạc

Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã giành ngôi Á quân tại Giải billiards carom 3 băng đồng đội thế giới 2025, sau màn tranh tài với đội tuyển Hà Lan tối 16/3/2025. Đây là thành tích tốt thứ hai trong lịch sử Việt Nam thi đấu tại giải billiards đồng đội thế giới. Năm 2024, Trần Quyết Chiến và Bao Phương Vinh đã lần đầu tiên vô địch giải đấu này. Giải vô địch billiards carom 3 băng đồng đội thế giới 2025 diễn ra tại thành phố Viersen, Đức từ ngày 13 đến 16/3/2025.  

Ươm mầm tài năng khoa học công nghệ trong cộng đồng người Việt Nam tại Singapore

Cuối tuần qua, tại Văn phòng Google ở Singapore, Ban Liên lạc Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore đã tổ chức buổi trải nghiệm với chủ đề “Trải nghiệm về trí tuệ nhân tạo (AI) và An toàn Internet” dành cho các em trong độ tuổi từ 8-16. Đây là hoạt động khởi đầu chuỗi chương trình trải nghiệm khoa học và công nghệ dành cho thế hệ trẻ người Việt Nam và gốc Việt tại Singapore, trang bị cho các em kiến thức về công nghệ hiện đại và kỹ năng số cần thiết trong thời đại mới.

Đảng viên trẻ vùng cao tiên phong làm giàu

Nhiều đảng viên trẻ Lai Châu tiên phong “dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách”, không ngại khó, ngại khổ, biến những vùng đất cằn cỗi, bạc màu thành mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao.

TP Hồ Chí Minh: Ngắm những 'bóng hồng' tập luyện diễu binh dưới cái nắng như ‘đổ lửa’

Dưới cái nắng gay gắt trên thao trường huấn luyện tại Trường Quân sự Quân khu 7 (TP Hồ Chí Minh), những nữ quân nhân đến từ nhiều đơn vị quân đội trên cả nước vẫn miệt mài tập luyện diễu binh, diễu hành. Đây là giai đoạn quan trọng chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).